Họa sĩ Ca Lê Thắng ở tuổi 75 vẫn chứng minh sức sáng tạo dồi dào qua triển lãm cá nhân có tên gọi ‘Đồng chìm đáy nước’ tại phòng tranh Wiking Salon, TP.HCM.
Họa sĩ Ca Lê Thắng sinh năm 1949 tại Bến Tre. Ông sinh
ra trong một gia đình trí thức với người cha là giáo sư Ca Văn Thỉnh và các anh
chị em nổi tiếng như nhạc sĩ Ca Lê Thuần, nhà thơ Lê Anh Xuân (Ca Lê Hiến) và đạo
diễn Ca Lê Hồng. Họa sĩ Ca Lê Thắng và vợ mình – nhà điêu khắc Phan Gia Hương
(1951-2022) từng được xem là đôi uyên ương tài danh bậc nhất của làng mỹ thuật
Việt Nam.
“Đồng chìm đáy nước”, một cái tên rất ấn tượng cho cuộc
triển lãm cá nhân lần thứ ba của họa sĩ Ca Lê Thắng. Tên gọi này gợi lên hình ảnh
sông nước bao la hiền hoà nơi xứ miệt vườn Nam bộ, nơi mà thiên nhiên và con
người hòa quyện, nơi những hạt phù sa và những cánh đồng trổ bông trĩu hạt lúa
quấn quít nhau, không thể tách rời… Nó gợi lên hình ảnh về sự bí ẩn, những điều
ẩn giấu dưới lớp phù sa châu thổ, nơi chứa đựng những ký ức, những câu chuyện
chưa được kể.
Trong khi triển lãm “Mùa nước nổi” trước đó mang đến cảm
giác tươi mới, tràn đầy sức sống và sự phong phú của thiên nhiên, thì triển lãm
“Đồng chìm đáy nước” lại tạo ra một không gian trầm lắng hơn, trống trải, cô
đơn hơn, những ký ức về một thời đã qua, nơi mà tác giả đã từng sinh ra, lớn
lên, ra đi rồi trở về….
Sự đối lập giữa hai tên gọi “Mùa nước nổi” và “Đồng
chìm đáy nước” không chỉ thể hiện sự đa dạng trong phong cách vẽ họa sĩ Ca Lê
Thắng, mà còn đánh dấu một chu kì cảm xúc, một giai đoạn sáng tác trong suốt
hành trình sáng tạo của ông. “Mùa nước nổi” có thể là biểu tượng của sự sinh
sôi, phát triển, kiểu như “bung lụa”, thì “Đồng chìm đáy nước” lại là hình ảnh
của sự lắng đọng, suy tư, tĩnh lặng….
Cả hai triển lãm đều thể hiện tài năng và cái nhìn nghệ
thuật độc đáo của họa sĩ Ca Lê Thắng, đồng nhất một style vẽ, xử lý chất liệu,
phong cách trừu tượng biểu hiện, đồng thời cho thấy ở ông sự ổn định và chín
mùi, rõ nét rất riêng. Chắc chắn rằng "Đồng chìm đáy nước" sẽ mang đến
cho người xem những trải nghiệm thú vị và đầy cảm xúc, tiếp tục khẳng định vị
thế của ông trong nền nghệ thuật Việt Nam.
Kỹ thuật sử dụng trắng dẻo (gesso) làm nền tranh trong
các tác phẩm Ca Lê Thắng là một điểm nhấn độc đáo, tạo nên sự khác biệt và chiều
sâu cho bức tranh. Trắng dẻo với khả năng tạo ra một lớp nền mịn màng và linh
hoạt (3D Texture), cho phép họa sĩ thể hiện sự sáng tạo không giới hạn. Khi được
phủ lên bằng màu acrylic loãng hay loại màu metal (màu trong, acrylic marker),
lớp màu này không chỉ tạo ra hiệu ứng ánh sáng mà còn mang lại cảm giác trong
suốt, như những lớp sóng nước lấp lánh dưới ánh mặt trời…
Khi sử dụng màu metal trong suốt, họa sĩ Ca Lê Thắng
đã khéo léo tạo ra những hiệu ứng ửng màu, làm nổi bật lên những sắc thái và
chiều sâu của bức tranh. Sự tương phản giữa màu trắng dẻo bên dưới và các lớp
màu phía trên chồng lấn nhau sống động, như thể bức tranh đang thở và chuyển động.
Những mảng ứ động màu còn lại sau khi lau lướt qua bề mặt rất ngẫu hứng mang đến
cảm giác tự nhiên, như những dấu ấn của thời gian và không gian. Kỹ thuật này,
có thể được xem như một kiểu thủ ấn họa kiểu mới…
Bố cục trong các tác phẩm của họa sĩ Ca Lê Thắng thường
mang đến một cảm giác bình yên và tĩnh lặng, phản ánh tâm hồn và trải nghiệm của
một người nghệ sĩ đã sống trọn vẹn với nghệ thuật. Những vệt màu, nét vẽ ngang
trong tranh của ông thường tạo ra một cảm giác ổn định, như thể thời gian đã ngừng
lại, cho phép người xem dừng lại và suy ngẫm. Đường chân trời xa tít, nơi mà trời
đất giao thoa, gợi lên một cảm giác vô tận, mời gọi khám phá những điều chưa biết,
đồng thời mang lại sự an yên, như một nơi trú ẩn cho tâm hồn.
Ở tuổi 75, họa sĩ Ca Lê Thắng đã tích lũy được nhiều
trải nghiệm và tri thức, thể hiện rõ trong từng tác phẩm. Sự bình lặng trong
nghệ thuật của ông không chỉ là sự tĩnh lặng bên ngoài mà còn là sự sâu lắng
bên trong, đã trải qua nhiều thăng trầm của cuộc sống, nhất là sau biến cố người
bạn đời của ông là nhà điêu khắc Phan Gia Hương đột ngột qua đời. Ông như một người
dẫn đường, đưa người xem vào một hành trình khám phá vẻ đẹp của cuộc sống qua
những bức tranh đầy cảm xúc.
Họa sĩ PHAN TRỌNG VĂN