‘Chuyến đò định mệnh’ là một vở kịch mới trên sân khấu Thiên Đăng được công chúng TP.HCM chú ý vì dựa theo truyện ngắn ‘Sang sông’ của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp.


“Chuyến đò định mệnh’ được dàn dựng trên sân khấu Thiên Đăng, một tụ điểm kịch nói do diễn viên Thành Lộc sáng lập tại quận 1, TP.HCM. “Chuyến đò định mệnh” được ê-kip thực hiện xác định “khó dựng, khó diễn và khó xem” nhưng họ vẫn quyết định đầu tư vì muốn có sự thể nghiệm khác biệt cho đời sống nghệ thuật.

Cái tên gọi “Chuyến đò định mệnh” không phải tên gốc tác phẩm. Từ truyện ngắn “Sang sông” được công bố lần đầu tiên vào năm 1990, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp (1950-2021) đã tự chuyển thể thành kịch bản “Đến bờ bên kia”.

Kịch bản “Đến bờ bên kia” trước đây đã được dàn dựng hai lần. Năm 2008, đạo diễn Anh Tú đã dàn dựng vở kịch “Đến bờ bên kia” cho Nhà hát Tuổi Trẻ để tham dự Liên hoan sân khấu thể nghiệm toàn quốc. Năm 2022, đạo diễn Bùi Như Lai dàn dựng vở kịch “Đến bờ bên kia” cho Đoàn kịch nói Hải Phòng để tham dự Liên hoan sân khấu thể nghiệm quốc tế.

Lần này, khi dàn dựng ở đô thị phương Nam, kịch bản “Đến bờ bên kia” được đổi tên thành “Chuyến đò định mệnh” với hy vọng có được tác phẩm không chỉ tham dự liên hoan mà chinh phục được khán giả bỏ tiền mua vé thưởng thức. Nghệ sĩ Nhân dân Trần Minh Ngọc ở tuổi 90 vẫn nhận lời làm đạo diễn vở kịch “Chuyến đò định mệnh”.

Đạo diễn Trần Minh Ngọc chọn bối cảnh sông nước Nam bộ để nội dụng “Sang sông” dung dị hơn và mềm mại hơn. Gần như những gương mặt tiêu biểu nhất của sân khấu Thiên Đăng – TP.HCM đều được huy động cho vở kịch “Chuyến đò định mệnh” như Thành Lộc, Hữu Châu, Lê Khánh, Lương Thế Thành, Huy Tứ, Trương Hạ, Quốc Trung, Kiều Ngân, Mạnh Hùng, Xuân Phạm, Mai Chi…

Các nhân vật trên “Chuyến đò định mệnh” gần như đại diện cho những dạng người trong xã hội. Nhà sư thì trầm tư. Nhà thơ thất vọng trước hiện thực, tự an ủi bằng những vần điệu sáo rỗng. Nhà giáo tôn thờ đạo đức nhưng chán chường nhìn mọi thứ bằng sự chán chường. Gã buôn đồ cổ chỉ nhăm nhăm lợi ích và các thủ đoạn làm giàu. Hai mẹ con rụt rè trong truyện “Sang sông” được cụ thể bằng một người mẹ đại gia thích vung tiền làm từ thiện và một đứa con hiếu động. Đôi tình nhân chỉ mải mê khám phá khoái cảm giới tính mà mặc kệ dòng đời thị phi. Tên cướp hung tợn đối lập với cô lái đò nhẫn nại.

Tâm lý nhân vật được thể hiện đầy đủ qua ngôn ngữ. Nhà giáo trò chuyện với nhà sư: “Bạch thầy! Bản chất đời sống con người có sự ác. Con người chạy theo dục tình, tiền bạc, danh vọng hão huyền. Đâu đâu con cũng thấy toàn là súc vật. Mọi sự thảy súc vật hết. Cả sự chung tình cũng là súc vật. ý thức hướng thiện cũng súc vật nốt”. Còn nhà thơ ngâm ngợi: “Chỉ có ta, cô đơn giữa bầy”.

Nhân vật nhà giáo và nhân vật nhà thơ tìm thấy sự đồng cảm qua những câu thơ của Nguyễn Gia Thiều: “Góc danh lợi bùn pha sắc xám/ Mặt phong trần nắng rám mùi dâu/ Nghĩ thân phù thế mà đau/ Bọt trong bể khổ bèo đầu bến mê/ Mùi tục lụy lưỡi tê tận khổ/ Đường thê đồ gót rỗ kỳ khu/ Sóng cồn cửa bể nhấp nhô/ Chiếc thuyền bào ảnh lô xô mặt ghềnh”.

Ý niệm “Sang sông” được nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đưa ra, tương đối phổ biến theo triết lý “đáo bỉ ngạn” của nhà Phật. Những chi tiết trần trụi và những lời thoại gai góc của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp khi thể hiện trên sân khấu, thực sự khiến công chúng phải nghĩ ngợi.

Nút thắt của câu chuyện nhóm người cùng “sang sông” là đứa bé thọc tay vào cái bình cổ và không thể rút ra được. Mỗi người nhìn nhận sự việc bằng một thái độ, nhưng không ai biết hành động ra sao. Tên cướp đã đập vỡ chiếc bình để cứu đứa trẻ. Đó là sự “phá chấp” mà cũng là thông điệp chính của truyện ngắn “Sang sông” chuyển thành vở kịch “Chuyến đò định mệnh”.

So với truyện ngắn, thì vở kịch có một hình tượng ẩn dụ đó là con quái vật trên sông. Thỉnh thoảng, khi chứng kiến tình huống đáng sợ, con quái vật lại trồi lên để kêu “Trời ơi”. Con quái vật ấy là nỗi thảng thốt, mà cũng là niềm xót xa mà con người không dám thổ lộ.

Khi đò sang sông, mọi người đều lên bờ. Riêng nhà sư chọn cách quay lại, dù cô lái đò khẳng định sẽ không chèo ngược về bến này khi đêm xuống. Nhà sư chậm rãi nói: “Muốn đi là được. Ngày xưa, đức Bồ Đề Lạt Ma còn sang sông trên một cọng cỏ cơ mà”.

Mạnh dạn đưa vở kịch “Chuyến đò định mệnh” ra sân khấu biểu diễn định kỳ, có thể xem như một nỗ lực của đạo diễn Trần Minh Ngọc và đồng nghiệp. Bởi lẽ, vở kịch “Chuyến đò định mệnh” ít tính giải trí mà nhiều chất suy tư.

                                                   NNVN