Công tử Bạc Liêu là nhân vật để lại nhiều giai thoại trong đời sống cộng đồng, nhưng khi được tái hiện thành một tác phẩm điện ảnh lại không mấy ấn tượng.
Công tử Bạc Liêu là biệt danh của ông Trần Trinh Huy
(1900-1974). Dân gian thường gọi công tử Bạc Liêu là “hắc công tử” để phân biệt
với “bạch công tử” Lê Công Phước ở Mỹ Tho. Công tử Bạc Liêu thừa hưởng tài sản
của cha mình là “vua lúa gạo miền Nam” Hội đồng Trạch – Trần Trinh Trạch
(1872-1942) nên khét tiếng ăn chơi đầu thế kỷ 20.
Sau khi đi du học trở về, công tử Bạc Liêu tiếp quản
công việc làm ăn của cha mình bằng một kiểu ngông nghênh dị thường. Là người Việt
Nam đầu tiên có máy bay riêng (cùng lúc với máy bay của vua Bảo Đại) nên công tử
Bạc Liêu có thú vui đi thăm ruộng bằng phi cơ. Thậm chí, câu chuyện công tử Bạc
Liêu đốt tiền nấu chè cũng được truyền tụng như một ví dụ về sự xa hoa.
Dinh thự của công tử Bạc Liêu được kiến trúc sư Pháp
thiết kế, xây dựng từ năm 1917 đến năm 1919. Sau hơn 100 năm, dinh thự công tử
Bạc Liêu hiện tại vẫn còn khá kiên cố, một phần được làm Khách sạn Công tử Bạc
Liêu và một phần được làm Bảo tàng Công tử Bạc Liêu.
Đã từng thực hiện hai bộ phim “Sài Gòn anh yêu em” và
“Mẹ chồng”, đạo diễn Lý Minh Thắng mất hai năm để hoàn thành bộ phim “Công tử Bạc
Liêu” với sự tham gia của các diễn viên Thành Lộc, Song Luân, Kaity Nguyễn, Hữu
Châu, Thanh Thủy, Công Dương…
Được quảng bá là tác phẩm điện ảnh phục dựng chân dung
“thiên hạ đệ nhứt chơi ngông”, đạo diễn Lý Minh Thắng cho rằng những thông tin
được rỉ tai về công tử Bạc Liêu đều tam sao thất bản. Cho nên, để làm phim
“Công tử Bạc Liêu”, đạo diễn đã tìm gặp những tác giả từng viết về công tử Bạc
Liêu cũng như những người từng làm việc trong nhà công tử Bạc Liêu, và quyết định
lấy tên nhân vật trên phim là Ba Hơn.
Theo đạo diễn Lý Minh Thắng, giá trị của công tử Bạc
Liêu là niềm vui, là giá trị tinh thần. Dân mình thời đó rất khổ cực, làm
việc đầu tắt mặt tối, có công tử Bạc Liêu về mang đến sự vui vẻ vì không phân biệt
giai cấp: “Tôi nhận ra đó là lý do người dân tối ngày nhắc đến ông công tử Bạc
Liêu. Ổng duyên dáng lắm, vui vẻ lắm”.
Tuy nhiên, ngoài việc tái hiện không gian Nam bộ cách
đây một thế kỷ thì nội dung và nhân vật của bộ phim “Công tử Bạc Liêu” khá mờ
nhạt. Thậm chí, mối tình giữa ông Trần Trinh Huy và nghệ sĩ cải lương Phùng Há
được chuyển đổi thành mối tình Ba Hơn – Bảy Loan cũng hơi gượng gạo. Đoạn kết,
Ba Hơn đứng trên lầu cao rải tiền giúp dân nghèo không hề để lại điểm cộng cho
dư âm bộ phim.
Sau mấy ngày công chiếu, trên nhiều diễn đàn điện ảnh,
khán giả tỏ ra tiếc nuối cho sự đầu tư của “Công tử Bạc Liêu”. Một số ý kiến
còn mỉa mai đây là một thảm họa mới của phim Việt. Thế nhưng, ở góc độ một phụ
nữ Nam bộ, nhà văn Dạ Ngân lại có góc nhìn khác.
Nhà văn Dạ Ngân nhận định sau khi một mình vào rạp để
xem bộ phim “Công tử Bạc Liêu” tại TP.HCM: “Không gian - thời gian khoảng 1930
của thế kỷ trước khi giới phú hào Nam kỳ lục tỉnh đạt đỉnh giàu có và quyền lực.
Cũng là lúc tinh thần ái quốc của dân chúng được thức tỉnh mạnh mẽ. Mâu thuẫn
xã hội ở bên dưới cái vỏ thành đạt điển hình của Hội đồng Trạch (trong phim là
Hội đồng Lịnh), biên kịch và đạo diễn đã khoan xuống, đã làm thủng, đã làm ra một
bi kịch thực sự giữa giáo điều Nho gia với tự do tây học, giữa tâm lý an bài với
không chấp nhận nhược tiểu, giữa sử dụng đồng tiền với phụng sự cá nhân và thúc
đẩy kinh tế hội nhập…
Nắm cái giềng mối ấy của một vùng đất giàu có điển
hình, một gia tộc thành công điển hình, một làn sóng tây hóa cũng điển hình,
tôi cho rằng đây là điểm cộng rất đáng yêu rất đáng ghi nhận của đạo diễn Lý
Minh Thắng.
Nước nào dù là nước Mỹ đi nữa, khi động đến yếu tố lịch
sử của quốc gia thì thảy đều thiên về tôn vinh vẻ đẹp và con người khi ấy (trừ
loại phim tái hiện những bài học lịch sử bi đát). Công tử Bạc Liêu với cái bóng
không thể xóa nổi trong lịch sử Nam bộ ở mức ngông chơi ngông phá thì xoay sở
sao đây? Hào sảng có không? Tị hiềm giữa phú hào có đáng là bi kịch không? Sự
manh nha tinh thần quý tộc nông thôn ở đầu thế kỷ ấy có không? Tình người của
vùng đất bạt ngàn mới ấy có không? Có, có hoành tráng, hào sảng và có sâu sắc,
lay động.
Trên cái nền không thêu dệt, những nhân vật có thật bước
ra, diễn viên Song Luân khôi ngô tài hoa nhưng vẫn mộc Bạc Liêu mộc Nam bộ, xuất
sắc với vai Ba Hơn. Bên Thành Lộc bảo vật của Nam bộ, của Sài Gòn với vai Hội đồng
Lịnh thì cả hai như được diễn cùng nhau, ân huệ với nhau về mặt diễn viên khiến
các cảnh cha con của họ thật rung động, thậm chí rúng động. Bên cạnh Hữu Châu
già nghề nữa thì bộ ba này đã là bảo chứng cho phim, cho phòng vé.
Hào sảng, chăm chút, mãn nhãn và tình cha con, tình
người khiến tôi ngồi lại bằng hết khi ca khúc pha rap cất lên. Một bộ phim đúng
với Nam bộ hằng có trong tôi”.
NNVN