Cựu chiến binh Trần Trí Thông gửi gắm niềm riêng qua trường ca ‘Mặt trận gần phía trước’ phát hành đúng dịp kỷ niệm 80 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.
Cựu chiến binh Trần Trí Thông sinh ra và lớn lên ở An
Dương, Hải Phòng. Năm 18 tuổi, lúc tròn 18 tuổi, Trần Trí Thông nhập ngũ theo
tiếng gọi Tổ quốc. Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, Trần Trí Thông lại tiếp
tục làm nghĩa vụ quốc tế trên chiến trường Campuchia.
Trở lại đời thường với hoài vọng “tuổi xanh gửi lại
phía Trường Sơn xanh”, cựu chiến binh Trần Trí Thông theo đuổi đam mê thi ca và
trở thành Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Sau các tập thơ “Điều anh muốn nói với
em”, “Lục bát tìm mùa”, “Không thể bắt đền”, “Tiếng gà gáy trong ba lô”,
“Chân bùn em lội”… cựu chiến binh Trần Trí Thông vừa ra mắt trường ca “Mặt trận
gần phía trước” như một món quà từ trái tim người lính hướng đến kỷ niệm 80 năm
thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.
Trường ca “Mặt trận gần phía trước” được cựu chiến
binh Trần Trí Thông viết về một thế hệ rời xa quê hương để dấn thân cho sự nghiệp
bảo vệ non sông “Tôi đi nhập ngũ sáng nay/Tháng Năm hoa phượng đỏ đầy ba lô/
Giàn trầu bông nắng ngẩn ngơ/ Vườn cau cổ tích làm thơ dưới trời”. Đường Trường
Sơn, đường Hồ Chí Minh là hình tượng xuyên suốt trường ca. Nơi ấy chất chứa lý
tưởng, tình yêu và khát vọng của những con người yêu chuộng hòa bình “Trăng
nghiêng trên mái rừng già/ Trường Sơn vang khúc quân ca chiến trường”.
“Mặt trận gần phía trước” dĩ nhiên có bao nhiêu hiểm
nguy rình rập. Thế nhưng, Trần Trí Thông và đồng đội không hề sợ sệt: “Tôi mang
thơ đến Trường Sơn/ Viết câu lục bát vào cơn mưa rừng/ Quân đi điệp điệp trùng
trùng/ Dép râu dấn bước tận cùng nước non”. Thậm chí, những cảm xúc với
người yêu ở hậu phương cũng được bày tỏ chân thành “Chiến tranh, em ơi, điều gì
biết được/ Trường Sơn xanh lá đỏ vẫn xa cành” để kiên định tấm lòng lạc quan cống
hiến: “Chúng tôi đi thẳng hướng về Nam/ Đường thiên lý dài theo đất nước/ Qua
suối, qua sông, qua đèo, qua dốc/ Trên đỉnh Trường Sơn có thể hái sao trời”.
Trường ca “Mặt trận gần phía trước” nhìn thẳng vào sự
khốc liệt chiến tranh: “Khúc ruột miền Trung thắt vào gian khổ/ Khô vạt gió Lào,
câu Ví Giặm còng lưng” và “Cơn sốt vắt ngang làm lõm đội hình/ Lính uống ký ninh
cả cánh rừng đắng nghét”. Đồng thời cũng nhìn ra vẻ đẹp dân tộc bất khuất: “Giữa
hủy diệt rừng vẫn đầy sự sống/ Tiếng đàn Ta Lư vọng từ bản Vân Kiều”.
Ký ức cựu chiến binh Trần Trí Thông còn nguyên hình ảnh
khoảnh khắc thống nhất ba miền của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử: “Sài Gòn ùa
ra đón quân giải phóng/ Một ngày kết thúc chiến tranh/ Ngày ấy chúng tôi còn trẻ
lắm rất xanh/ Ngượng ngùng gặp cô gái Sài Gòn/ Diện quần ống loe hỏi chuyện”.
Thế nhưng, sự hiếu chiến của bọn diệt chủng Pol Pot lại không cho những người
lính trẻ nghỉ ngơi: “Chợt những loạt AK bội nghĩa vong ơn/ Găm đầy biên giới/
Súng đã cất vào kho/ Giờ đơn vị lại truyền tay lau vội/ Những ánh mắt nhìn nhau
dò hỏi/ Chuyện gì xảy ra/ Lệnh hành quân lên biên giới như một lời thề”.
Với người lính bộ đội Cụ Hồ, không có niềm vui nào lớn
lao bằng đuổi sạch kẻ thù xâm lược để được ngụp lặn trong không gian bình yên của
chốn chôn nhau cắt rốn: “Tôi từ trận mạc về đây/ Câu thơ in dấu đường cày của
cha/ Rét từ trong ruột rét ra/ Cha khom lưng nắng trùm qua lưng gầy…/ Tôi từ trận
mạc về đây/ Câu thơ in dấu tháng ngày mẹ mong/ Lạnh lùng từng vạt gió đông/
Nhưng bao lời mẹ ấm lòng đời con”.
Bây giờ, ở tuổi 68, cựu chiến binh Trần Trí Thông
trong trường ca “Mặt trận gần phía trước” vẫn nguyên vẹn cốt cách một người
lính mang tâm hồn thi sĩ: “Dẫu thế thời biến chất đổi màu/ Bản chất lính không
bao giờ thay đổi/ Tình đồng đội vẫn vững bền như núi/ Vẫn nhớ gọi tên nhau cả
lúc đã già”.
NNVN