Gần 200 km rừng Nga không thể chia cắt hai con hổ này, Báo New York Time viết rằng, những chú hổ con mồ côi Boris và Svetlaya, lớn lên cùng nhau, đã được trả về tự nhiên một cách riêng biệt. Nhưng Boris đã khiến các nhà nghiên cứu đang theo dõi nó ngạc nhiên: Boris đã đi bộ 200 km đến nơi con hổ cái định cư. Sáu tháng sau vợ chồng đã có đàn con. 


Bằng cách thả một cặp hổ Amur mồ côi vào một góc xa xôi của Viễn Đông vào năm 2014, các nhà khoa học Nga đã cứu được loài này. Hổ Ussuri, như đôi khi chúng được gọi như thế, là loài mèo lớn nhất thế giới và vẫn đang bị đe dọa nghiêm trọng, nhưng trong trường hợp này, các nhà khoa học đã tạo ra một câu chuyện tình yêu đáng kinh ngạc.

Hai chú hổ con, sau này được đặt tên là Boris và Svetlaya, lần lượt được tách khỏi môi trường rừng rú khi mới 3 và 5 tháng tuổi tại dãy núi Sikhote-Alin, một trong những môi trường sống của loài này. Chúng lớn lên trong điều kiện nuôi nhốt và được thả khi mới 18 tháng tuổi. Hai con hổ này được tách ra xa nhau hơn 160 km để tối đa hóa vùng phân bố Amur của những con hổ được thả dọc biên giới Nga với Trung Quốc.

Các nhà khoa học đã theo dõi hơn một năm sau khi chúng được thả. Một điều kỳ lạ đã xảy ra: Boris đi gần như theo một đường thẳng khoảng 200 km đến đúng nơi Svetlaya định cư. Sáu tháng sau, con hổ cái sinh ra một lứa hổ con. Chiến lược thả những con hổ được giải cứu nuôi nhốt để khôi phục quần thể về tự nhiên, tuy thành công trong trường hợp linh miêu Iberia ở Tây Ban Nha, nhưng chưa bao giờ được áp dụng cho những con hổ lớn.

Tuy nhiên, tháng trước, một bài báo xuất hiện trên “Tạp chí Quản lý Động vật hoang dã” của một nhóm các nhà khoa học làm việc với Hiệp hội Bảo tồn Động vật hoang dã, trong đó họ lập luận rằng việc thả thành công những con hổ được giải cứu như Boris và Svetlaya có thể chứng minh một lựa chọn khả thi để đưa hổ hoang dã trở lại môi trường tự nhiên của họ. Ước tính số lượng hổ còn lại ở Nga dao động từ 485 đến 750con, nhưng các nhà nghiên cứu cho biết khu vực dọc biên giới Nga-Trung, bao gồm cả vùng Amur nơi Boris và Svetlaya sinh sống, có thể có thêm hàng trăm con hổ nữa.

Những con hổ đoàn tụ không phải là loài thú tái du nhập thành công duy nhất trong dự án. Vài năm trước, hai thợ săn đã tìm thấy một con hổ cái trong đống tuyết và họ đặt tên là Cô bé Lọ Lem. Sau khi các nhà hoạt động bảo vệ quyền động vật trả con hổ cái này về với tự nhiên, một camera gần địa điểm thả đã ghi lại thêm hình ảnh một con hổ đực không rõ danh tính. Thêm một cuộc gặp gỡ thành công khác thường đối với một khu vực rộng lớn như vậy.

Dale Miquel, nhà nghiên cứu hổ hàng đầu tại Hiệp hội bảo tồn động vật hoang dã và là đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết: “Cô bé Lọ Lem đã có một hoàng tử và họ sống hạnh phúc mãi mãi”. Cô bé Lọ Lem và con đực sinh ra những chú hổ con đầu tiên ở khu vực này kể từ những năm 1970. Tổng cộng, các nhà khoa học Nga đã nuôi nhốt 13 chú hổ Siberia mồ côi, tránh mọi tiếp xúc giữa các con hổ khác và con người chăm sóc chúng để chuẩn bị trả lại chúng cho cuộc sống hoang dã vốn có. Nhóm nghiên cứu dần dần giúp đám hổ con với những con mồi sống để chúng học cách săn bắt.

Điều quan trọng nữa là thời điểm thả ra, cụ thể phải là mùa xuân, khi có rất nhiều con mồi ở xung quanh. Một con đực không thể chịu đựng được thử thách khi được thả ra, đã lang thang sang Trung Quốc và bắt đầu săn bắt vật nuôi, giết chết 13 con dê trong chuồng chỉ sau một đêm. Các nhà khoa học Nga đã bắt lại chú ta và gửi chú đến một chương trình nhân giống nuôi nhốt tại một trong những vườn thú của đất nước. 12 chú hổ còn lại đã chứng tỏ khả năng săn mồi và sinh tồn không thua kém gì những đồng loại hoang dã chưa từng bị nuôi nhốt. Khi quần thể hổ Amur tăng lên, nhóm Nga-Mỹ hy vọng rằng đàn hổ của họ sẽ có thể đoàn kết với những con hổ khác, bao gồm cả những con ở bên kia biên giới Trung Quốc.

Luke Hunter, giám đốc điều hành Chương trình nuôi dưỡng “ những chú Mèo Lớn “của Hiệp hội Bảo tồn Động vật Hoang dã, cho biết: “Ý tưởng lớn là tập hợp toàn bộ những con hổ ở khu vực này lại với nhau”. Ý nghĩa của thành công này là rất sâu rộng, xét đến môi trường sống tiềm năng rộng lớn trên khắp châu Á. Một nghiên cứu năm 2023 cho thấy có khoảng 700.000 km2 môi trường sống phù hợp tiềm năng ở châu Á, mà hổ vẫn vắng bóng.

Vyacheslav Rozhnov, cựu giám đốc Viện Sinh thái và Tiến hóa Severtsov của Nga cho biết: “Những kết quả này chỉ ra rằng có thể chăm sóc hổ con trong điều kiện “bán tự nhiên”, huấn luyện chúng săn mồi và thả chúng trở lại rừng- Người đứng đầu dự án tái thả nói tiếp - Phát hiện của chúng tôi mở ra khả năng đưa hổ trở lại các khu vực rộng lớn ở châu Á, nơi điều kiện môi trường sống vẫn tồn tại nhưng tất cả những con hổ đều đã không còn".

TÔ HOÀNG chuyển ngữ