Họa sĩ Mai Quý Ngọc ở tuổi 45 gom góp 45 tác phẩm để tổ chức triển lãm cá nhân đầu tiên mang tên ‘Dấu ấn đại ngàn’ tại Bảo tàng tỉnh Gia Lai.


Họa sĩ Mai Quý Ngọc có quê quán ở xã Bình Phục, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Sau khi tốt nghiệp khoa mỹ thuật của Trường Đại học Nghệ thuật Huế, họa sĩ Mai Quý Ngọc gắn bó với nắng gió Gia Lai. Hiện tại, họa sĩ Mai Quý Ngọc đang làm giáo viên tại Trường trung học cơ sở Trưng Vương, thành phố Pleiku.

Sau nhiều năm miệt mài sáng tác, họa sĩ Mai Quý Ngọc đã được nhiều giải thưởng của Hội Mỹ thuật Việt Nam và Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam. Tình yêu với Tây Nguyên luôn hiện diện trong tác phẩm Mai Quý Ngọc. Nói cách khác, phong cảnh Tây Nguyên, con người Tây Nguyên và nhịp điệu Tây Nguyên trở thành cảm hứng chưa bao giờ nguôi ngoai trong niềm đam mê cầm cọ của họa sĩ Mai Quý Ngọc.

Vì vậy, khi quyết định tổ chức triển lãm cá nhân lần đầu tiên, họa sĩ Mai Quý Ngọc không ngần ngại lấy tên “Dấu ấn đại ngàn”. Dấu ấn đại ngàn là dấu ấn của một miền đất lạ. Họa sĩ Mai Quý Ngọc, may mắn được sinh ra và trưởng thành từ miền đất thân thương ấy. Những bước chân âm thầm, lặng lẽ, không mệt mỏi của anh đã đi qua từng góc phố nhỏ, đi qua từng con suối róc rách, đi qua từng khu rừng vang vọng bản sắc văn hóa tâm linh bí ẩn. Tất cả được anh chắt chiu, dồn nén, tâm tưởng vượt thoát và mạnh mẽ tỏa sáng trong một không gian nghệ thuật tưởng chừng như vô định, mơ hồ và ảo vọng.



Với triển lãm “Dấu ấn đại ngàn”, họa sĩ Mai Quý Ngọc đã phô diễn một phong cách nghệ thuật trẻ trung, hiện đại. Những mảng màu phiêu lãng, bòng bềnh, sâu lắng; những đường nét tung tẩy phóng khoáng, đong đưa của anh luôn soi chiếu sự khát khao tâm thức sáng tạo của người nghệ sĩ.

Các tác phẩm Mai Quý Ngọc luôn khai thác sự huyền hoặc đa chiều của một thế giới phiêu linh, ảo diệu mang đầy triết lý nhân sinh. Hơi thở trong các tác phẩm của anh chính là hơi thở của rừng núi, hơi thở của buôn làng, hơi thở của đời sống đương đại đầy tính cộng sinh.

Khoảnh khắc hiện thực trong tranh Mai Quý Ngọc là  văn hóa lễ hội và sinh hoạt ngày thường của đồng bào Tây Nguyên. Tất cả được anh diễn đạt một cách sâu lắng, chân thực thông qua lý trí dấu ấn cá nhân đầy tố chất khát vọng thẩm mỹ. Những sắc màu trong từng tác phẩm của anh liên tục được biến đổi, đồng vọng tạo nên những dấu ấn đại ngàn không thể lẫn trong mỗi ý tưởng vô định của tâm thức.

Nghệ thuật tạo hình của họa sĩ Mai Quý Ngọc như một cuộc dạo chơi đầy chất lãng tử, phiêu du và ảo mộng. Thế giới hiện thực và siêu thực luôn thấp thoáng ẩn hiện trong từng tác phẩm của anh. Không chỉ là sự khắc họa những cảnh vật trước mắt, anh còn hướng đến một không gian trống rỗng, trừu tượng, mơ hồ nhưng có khả năng chuyển động, tái tạo hiện thực thông qua tư duy thẩm mỹ riêng biệt và tự tin.

Từ triển lãm “Dấu ấn đại ngàn”, công chúng nhận ra một chân dung Mai Quý Ngọc của Gia Lai, của Tây Nguyên.

                                             LÊ HÙNG