Người ta ví tác phẩm như đứa con tinh thần của nhà văn cũng chẳng ngoa. Đứa con tinh thần ấy tồn tại dưới hai dạng: Dạng hồn vía là nội dung và nghệ thuật của tác phẩm không nhìn thấy được mà chỉ cảm nhận, mặc định hay dở rồi cất giữ trong tâm tưởng bạn đọc. Dạng vật chất là bản thảo viết tay, bản thảo đánh máy chữ, máy vi tính, sản phẩm đã in ấn, hoặc đưa lên mạng, nhà văn cất giữ thế nào là những câu chuyện dài bất tận.
1.
Tác phẩm dù đã in rồi, bản thảo gốc vẫn rất
quý. Quý là bởi nó kết tinh mồ hôi nước mắt, tình cảm, trí tuệ của người sáng
tác, là hình hài đầu tiên nhìn thấy. Ấy là chưa kể, nhà văn nổi tiếng thì bản
thảo càng lâu năm càng quý, nó không chỉ là kỷ vật chứa đựng giá trị tinh thần,
mà còn mang giá trị tiền bạc không nhỏ.
Thông tin từ nhà đấu giá Christian Hesse, sau 100 năm
văn hào Franz Kafka mất, bản thảo gốc "First Sorrow" dịch là "Nỗi
buồn đầu tiên" có 5 trang viết tay của ông, kèm bức thư ông viết 3 trang gửi
một biên tập viên, được đấu giá tại Hamburg - Liên bang Đức với cú gõ búa cuối
cùng là 286.000 euro. Cho nên nhà văn Nguyễn Huy Thiệp có lần nói: "Bản thảo
có khi giống như những cổ vật" cũng không ngoa. Bản thảo chưa in rất có thể
còn quý hơn, bởi tác phẩm đã in nếu thất lạc thì đã có sách in lưu lại trong
nhà bạn đọc, trong thư viện, chứ chưa xuất bản mà mất thì coi như công lao nhà
văn đổ xuống sông xuống bể.
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp rất có ý thức cất giữ bản thảo,
bằng cách ngoài việc cất giữ trong nhà, ông mở lòng với những người sưu tập bản
thảo, coi họ là người cất giữ đáng tin cậy. Trong một lần nói chuyện với tôi,
ông bảo, bản thảo sáng tác của ông hầu hết nằm ở các nhà sưu tập, tản mát khắp
nơi. Ông kể: "Hơn 20 bản thảo truyện ngắn tôi viết trước năm 2000 đang được
ông Phạm Văn Bổng cất giữ".
Tôi đã đọc được nhiều bài viết về nhà văn Phù Thăng cất
giữ bản thảo tiểu thuyết "Tấn công" - tập 2 của tiểu thuyết "Phá
vây" ở trong… chum, nghe thực hư không biết đâu mà lần. Trần Đăng Khoa viết:
"Phù Thăng gói bản thảo thành từng bó rồi cho vào chum ủ lá xoan tươi. Đấy
là cách phòng chống mối mọt của những nông dân thời trung cổ". Còn theo
tác giả Nguyễn Ngọc San trên báo Hải Dương thì "Khi chiến tranh phá hoại của
giặc Mỹ lan rộng ra miền Bắc… Ông bỏ bản thảo "Tấn công" vào lọ sành,
đút nút lá chuối thật kỹ chôn ở góc vườn nhà". Thế nhưng cái tai nạn văn
chương "Phá vây" làm ông buồn, chán nản không còn nhớ đến "Tấn
công" nữa.
Chỉ đến khi "Phá vây" tái bản từ Nhà xuất bản
Hải Phòng, Phù Thăng huy động con cháu đào bới tìm "Tấn công"… May
quá, vừa lúc mặt trời gần đứng bóng thì cái lọ sành vẫn dùng để đựng mắm tôm, mắm
cáy ở vùng quê Thanh Hà - Tứ Kỳ lộ ra. May hơn nữa là nút còn bưng kín. Bản thảo
đã ố vàng, chỉ có hai, ba tờ bị nhàu nát. Đọc chuyện về nhà văn Phù Thăng cất
giữ bản thảo tiểu thuyết "Tấn công" như nghe giai thoại.
Nhưng chuyện cất bản thảo vào chum thì tôi được nghe
nhà văn Trần Quốc Tiến kể rất thật. Trần Quốc Tiến thường viết vào loại giấy thếp.
Viết xong thì chép lại một bản gửi đến tòa soạn, còn bản gốc ông lưu trữ bằng
cách cuộn tròn lại, cuộn thêm tờ giấy báo rồi bỏ trong chum, bỏ cùng lá chuối
khô vào, như cách người nhà quê dấm chuối, đậy nắp lại rồi lấy tấm ni lon trùm
lên buộc chặt nắp với miệng chum. Ông bảo: "Tớ cất giữ thế, chuột bọ, mối
mọt phải chắp tay. Cũng không lo giấy không bị ẩm, mốc, vì lá chuối khô hút ẩm
trong chum". Giữ bản thảo giấy viết tay bằng "kế sách" người
nông dân viết văn bao giờ cũng đặc sắc, sinh động.
Nhà văn Vũ Xuân Tửu ở Tuyên Quang cất giữ bản thảo
không dùng lá chuối khô hút ẩm hay lá xoan tươi chống mối mọt, mà dùng cỏ thơm
phơi khô. Thời mặt trận Hà Tuyên năm 1980 tơi bời lửa đạn, khói lửa ông viết
bút ký "Đường xuyên cao nguyên" và những bài thơ đầu tiên, rồi cất giữ
bằng cách bỏ vào đáy hòm sắt đựng quân tư trang. Khi cơ quan sơ tán chạy giặc
biên giới, việc đầu tiên ông làm là ôm xắc cốt tài liệu khoác chéo hông và…
cõng cái hòm tư trang trong đó có sổ nhật ký, bản thảo viết tay. Thói quen cất
giữ này đến tận ngày nay.
Bất kỳ lúc nào sáng tác, ông cũng viết bằng bút mực.
Viết xong hoàn chỉnh mới dõi từng dòng chữ mực đánh máy vi tính, gửi đi in. Còn
bản thảo viết tay thì lại bỏ vào hòm sắt. Có một điều thay đổi là hòm sắt bây
giờ không chứa quần áo nữa mà chỉ cất giữ bản thảo, dĩ nhiên ông vẫn bỏ cỏ thơm
vào hút ẩm, một lớp dưới đáy, rồi cứ một lớp các tập bản thảo, lại một lớp cỏ
thơm mỏng, trên cùng một lớp cỏ thơm nữa.
2.
Vô địch cất giữ bản thảo lâu, kỹ lưỡng, gần như vẹn
nguyên mà tôi biết là nhà thơ Anh Ngọc. Vừa rồi, ông công bố dài kỳ tiểu thuyết
"Ngọn gió" trên Facebook cá nhân làm bạn văn bạn đọc hết sức bất ngờ
và thú vị.
Tiểu thuyết "Ngọn gió" ông sáng tác năm 16
tuổi với bút danh Giang Phong. Chữ viết chân phương, dáng đứng hơi nghiêng trên
giấy học trò, từ năm 1959, đã 65 năm rồi, bằng cả một đời người. Tôi hỏi ông:
"Sao đã qua hai phần ba thế kỷ rồi, bác bẫn còn cất giữ được bản thảo?".
Ông cười vui lắm, bảo: "Tớ có cái va li để ở nhà. Tất cả nhật ký tuổi học
trò, rồi sáng tác thơ, văn đều bỏ vào đó khóa lại treo lủng lẳng trong góc nhà.
Sau này, đi học đại học, đi công tác, vào lính, viết được cái gì cũng đều đem về
cất giữ ở cái ba lô ấy". Nhà thơ Anh Ngọc chụp ảnh cái va li bằng da, bên
trên xếp chồng xếp lớp hơn 30 tập bản thảo, sổ nhật ký ông ghi từ năm 14 tuổi gửi
cho tôi xem.
Quả thật, tôi bất ngờ về những kỉ vật và những trang bản
thảo mà ông vô cùng quý giá, nâng niu. Nhiều tập bản thảo, nhiều trang viết đã ố
vàng theo màu thời gian, nhưng màu mực dường như vẫn còn nguyên, chữ vẫn rõ
ràng đọc dễ dàng. Các bản thảo ông đều trình bày trang đầu rất công phu. Chẳng
hạn trang nhất bản thảo "Số đào hoa", ông vẽ bàn tay xòe ra có những
đường chỉ, bên cạnh là cành hoa đào, dưới là dòng chữ in: NHẤT ĐỊNH PHẢI VIẾT
CHO THÀNH CÔNG! Ông còn cắt những bài thơ in trên báo, cắt cả ngày tháng năm
báo phát hành chỉ nhỏ bằng cái tem, rồi cắt một mảnh giấy xi măng, hoặc họa báo
dùng làm "dàn đỡ" dán bài thơ lên để "đi cùng năm tháng".
Ông sáng tác "Bài thơ gửi mẹ" ngày 16/8/1965
và ghi “Tặng mẹ Suốt, người lái đò dũng cảm” có khổ đầu: "Con viết bài thơ
bên dòng sông Mã/ Mùa mưa rồi nước cuốn mông mênh/ Con bỗng nhớ mẹ trên dòng
sông Nhật Lệ/ Vẳng giọng hò trong cô gái Bảo Ninh", rồi bút ký "Ghi ở
chiến trường" Quảng Trị đêm 12/3/1972, hoặc các bản thảo thơ, bút ký ông
viết ở chiến trường K (Campuchia) đều được ông giữ cẩn trọng trong đáy ba lô, rồi
khi có người ra Bắc, ông gói ghém kỹ lưỡng gửi về nhà cho bố mẹ ông cất giữ.
Ông bảo: Bảo tàng Hội Nhà văn muốn xin cái va li và các bản thảo của ông làm hiện
vật, nhưng ông không nỡ rời xa chúng, ông muốn giữ cho mình, bởi cái va li và
các bản thảo đã đi cùng suốt cuộc đời ông, nó như một phần máu thịt không thể
tách rời ông.
Nhà văn Nguyễn Trọng Luân sáng tác thơ, nhạc từ hồi
còn là lính sinh viên vào chiến trường Tây Nguyên. Tôi hỏi ông, ở chiến trường
bom đạn tơi bời, mưa gió thất thường, đói ăn, khát nước thì cất giữ bản thảo thế
nào được? Ông kể: "Mình lấy cái bao đựng nước của lính Mỹ, bên ngoài là vải
bọc, bên trong là túi nilon đựng nước sôi, lính tráng bọn mình gọi là rùa nước,
có 2 quai đeo như ba lô trẻ con, có loại đựng được 3 lít, loại 5 lít, mình cắt
núm lấy ruột nilon rồi cho nhật ký, bản thảo viết tay vào đó gói kỹ lại, tống
dưới đáy ba lô, người đi đâu ba lô đi theo đấy". Vậy mà, có lần ông bị mất
một cuốn vở vừa ghi nhật ký, vừa ghi các bài thơ, nhạc bỏ trong một "con
rùa".
Ấy là dịp đi chiến dịch, ông làm tiểu đội trưởng trinh
sát, đi đầu. Ông nghĩ đánh nhau ác liệt, đi đầu dễ thương vong, mất mát lắm.
Ông gửi anh bạn lái xe ở phía sau giữ hộ, xe anh ấy bị bắn cháy. Thế là
"con rùa" đựng quyển vở vừa ghi nhật ký, chép các bài thơ, bút ký, ca
khúc của ông cũng thành than. Cuối năm 1974, ông được triệu tập lên trại viết
sư đoàn, được nghe nhà văn trẻ Khuất Quang Thụy dạy viết tin và sáng tác thơ,
ký. Lúc giải lao giữa giờ, ông Khuất Quang Thụy xót xa kể bản thảo viết tay ký
sự "Lửa và thép" và "Những người giữ lửa" đọc dóng dả trên
Đài Tiếng nói Việt Nam bị đánh bom cháy mất rồi. Ông Thụy bảo ông Luân ở dưới
đơn vị kiếm cho ông cái thùng đại liên Mỹ để cất giữ bản thảo. Anh tiểu đội trưởng
trinh sát đang tập làm thơ Nguyễn Trọng Luân giật mình, bản thảo cất dưới đáy
ba lô rồi cũng có lúc bị cháy. Sau đó, trong một lần thu chiến lợi phẩm sau trận
đánh, ông Luân nhặt 2 thùng đại liên size nhỏ nhất cỡ 25x9x17, một thùng tặng
Khuất Quang Thụy, một thùng ông dành riêng cho mình để cất giữ bản thảo sáng
tác.
Đầu năm 1975, đơn vị ông Nguyễn Trọng Luân rục rịch
chuẩn bị đi chiến dịch Tây Nguyên, không thể mang thùng đại liên theo được, lại
lấy "con rùa" đựng bản thảo ra bỏ vào đáy ba lô khoác trên lưng vào
trận đánh. Về sau, bạn đọc biết được những tác phẩm "Những người bạn
lính", "Rừng đói", "Bình minh phía trước" dày đặc
không khí trận mạc là cũng bắt đầu từ chất liệu là các câu chuyện, cảm xúc,
hình ảnh, suy ngẫm,… được tác giả ghi chép cất giữ trong "con rùa" ấy
bỏ trong đáy ba lô người lính.
Bây giờ, thời Internet, chuyển đổi số, rất ít nhà văn
viết tay bằng bút mực, bút bi, mà hầu hết sáng tác bằng máy vi tính, rồi lưu trữ
trong máy, ổ cứng di động, lưu trữ trên không gian mạng như: Gmail, Yahoo,
Facbook... Dĩ nhiên là hiện đại, tiện lợi, lao động nhà văn bớt nhọc nhằn,
nhưng cái thú ngắm nhìn bản thảo viết tay vừa hoàn thành, hoặc sung sướng nhìn
các tập bản thảo đã ngả màu thời gian cất giữ kỳ công trong chum, trong tủ,
trong "con rùa" dưới đáy ba lô "đi cũng năm tháng" cũng
không còn nữa.
SƯƠNG NGUYỆT
MINH