Nạn nhân đầu tiên của chiếc điện thoại thông minh là sự tụt dốc không phanh của các loại hình truyền thông quen thuộc đại chúng như báo in, truyền hình. Và tiếp theo là hoạt động giải trí trở thành một thị trường thức ăn nhanh.


 Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn - Trưởng ban Nhà văn trẻ, Hội Nhà văn TP HCM:

SÁCH NÓI LÀ NHU CẦU XÃ HỘI

VIỆT QUỲNH (thực hiện)

 

@: Giới trẻ ngày nay chủ yếu là tương tác “đọc” qua không gian mạng, và họ cũng sáng tác theo phong cách hiện đại mới như thế nào, thưa anh?

Nhà thơ LÊ THIẾU NHƠN: Dựa vào mạng xã hội để sáng tác có ưu điểm là nhận được phản hồi tức thời. Nghĩa là ý tưởng của người viết có được sự quan tâm và sự khen chê của người đọc, để có thể điều chỉnh nội dung hoặc chi tiết. Thậm chí, có những sản phẩm văn học trên mạng được dẫn dắt bởi thái độ của độ giả.

Tuy nhiên, tôi xin nhấn mạnh là sản phẩm văn học trên mạng. Từ sản phẩm đến tác phẩm luôn có một khoảng cách. Sản phẩm chỉ cần sự tương tác của người tiêu dùng, còn tác phẩm cần sự đồng cảm của khách tri âm. Để sản phẩm văn học mạng trở thành tác phẩm văn học đích thực có cả sự tương tác lẫn sự đồng cảm, thì các tác giả phải nỗ lực nhiều hơn những chiêu thức quảng bá và những buổi offline bán hàng.

@ Anh có lo lắng về việc công nghệ AI ảnh hưởng đến việc sáng tác của các tác giả không?

- Tôi lo lắng cho những tác giả hơi giàu trí tưởng bở, vì họ nghĩ rằng phát huy công nghệ AI có thể tận dụng nguồn dữ liệu lớn từ máy tính để thay thế sức tưởng tượng của nhà văn. Công nghệ AI đủ thông tin để sắp xếp thành một văn bản có trữ lượng phong phú, nhưng không thể phản ánh sự đa dạng tâm hồn con người. Cho nên, công nghệ AI sẽ thay thế những tác giả có tư duy viết phản ánh vụ việc đơn giản, nhưng không thể thay thế những tác giả day dứt viết ra những điều gan ruột bằng chính rung động trái tim mình.

@ Theo quan sát của anh, sách nói cũng như các hình thức sách điện tử, sách thực tế ảo… đang phát triển ra sao? Điều này sẽ ảnh hưởng như thế nào tới việc đọc của giới trẻ?

- Hiện tại công nghệ thông tin đã kiến tạo một dạng thức văn học ứng dụng. Công chúng đang dần dần làm quen với thơ video art hoặc tiểu thuyết đồ họa. Văn học ứng dụng chắc chắn sẽ chiếm lĩnh đời sống giải trí trong một thập niên sắp tới. Tuy nhiên, để thưởng thức giá trị văn học, thì giới trẻ cũng phải tìm đến sách in hoặc sách điện tử, tức là văn học không cần kỹ xảo cộng hưởng để tăng tính hấp dẫn.

@ Để đáp ứng được thị hiếu, nhất là với các bạn trẻ, nhiều hình thức đọc mới ra đời như: sách nói (audio book), sách tương tác, sách thực tế ảo và đặc biệt là sách điện tử (e-book)?

- Tôi vẫn thấy đọc sách in có thú vị riêng, so với việc đọc ebook. Riêng sách nói thì tôi nghĩ là sẽ xu thế đắc dụng. Sách nói phù hợp với nhịp sống bận rộn, người ta có thể vừa lái xe vừa nghe sách nói, người ta có thể vừa làm bếp vừa nghe sách nói. Đầu tư thỏa đáng cho sách nói, sẽ mở rộng biên độ cho văn hóa đọc. Sách nói là nhu cầu xã hội, chứ không chỉ đáp ứng thị hiếu. Tôi có nhiều người bạn lớn tuổi, thị lực không còn tốt, nên sách nói là chọn lựa để họ tiếp tục gắn bó với tình yêu sách.

@ Vậy các hình thức “đọc” mới này khác biệt như thế nào so với phương thức truyền thống, thưa anh?

- Mọi hình thức đọc đều bổ ích cho con người. Sách điện tử thuận tiện cho giới trẻ vẫn hay sốt ruột và thích thu nhặt gấp gáp nội dung từng tác phẩm. Phương thức đọc truyền thống dĩ nhiên ưu tiên cho giới nghiên cứu và giới học thuật. Muốn đọc kỹ và muốn đọc sâu một tác phẩm, nhất định phải cần sách in, để vừa đọc vừa ngẫm nghĩ về nhân vật, về cấu trúc, về ngôn ngữ.

@ Tuy nhiên, rất nhiều vấn đề được đặt ra, nhất là việc vi phạm bản quyền tràn lan trên không gian mạng?

- Bản quyền là vấn đề sống còn của sách nói và sách điện tử. Tôi hơi ngạc nhiên khi thấy ai đó hồn nhiên chia sẻ bản pdf cho nhau. Nếu chỉ một người mua ebook rồi phát tán tràn lan, thì tác giả và đơn vị xuất bản chỉ còn niềm vui nếm trải vị ngọt của bồ hòn. Còn sách nói trên mạng, có những kênh Youtube được đọc rất hay, nhưng lại quên mất bản quyền. Vì vậy, tôi cho rằng, để cơi nới cho thị trường sách với hai phiên bản sách nói và sách điện tử, thì ý thức bản quyền phải được cân nhắc ở mỗi độc giả, mỗi thính giả.

@ Cũng vì lý do đó mà dù các hình thức đọc qua công nghệ số đang phát triển nhưng nhiều tác giả Việt Nam vẫn muốn hình thức sách in cho việc xuất bản tác phẩm, thưa anh?

- Tác giả vẫn mong muốn sách in, vì hai yếu tố. Thứ nhất là tính lưu trữ tác phẩm. Thứ hai, sách in có một quy trình riêng biệt, mà sự thẩm định của người biên tập sẽ giúp tác giả "gạn đục khơi trong' những chỗ chưa ổn trong tác phẩm. Tôi cho đây là một điều cần thiết. Ít nhất, một độc giả khó tính như biên tập viên sẽ làm chỗ dựa đáng tin cậy hơn hàng trăm độc giả ẩn danh trên mạng.

@ Theo anh làm thế nào để các tác giả Việt Nam thêm yên tâm về bản quyền, thay đổi tư duy và sớm gia nhập thị trường sách số đặc biệt này?

- Đầu tiên cần đến thái độ chuyên nghiệp của đơn vị xuất bản. Khi đơn vị xuất bản sòng phẳng với từng tác giả về lộ trình công bố lẫn phương án tài chính, thì bản quyền sẽ được giải quyết cơ bản. Mặt khác, chúng ta cũng cần hành lang pháp lý và biện pháp chế tài để cả cộng đồng cùng tôn trọng bản quyền.

@ Xin cảm ơn những chia sẻ của anh!

 

Nguồn: Tinh Hoa Việt