Tác phẩm Hồ Biểu Chánh không chỉ được chuyển thể thành phim truyền hình và phim điện ảnh, mà còn liên tục tái bản với số lượng lớn để phục vụ độc giả.
Tác phẩm Hồ Biểu Chánh chủ yếu được sáng tác đầu thế kỷ
20, nhưng bước sang thế kỷ 21 lại lần lượt được đưa lên màn ảnh như “Con nhà
nghèo”, “Khóc thầm”, “Nợ đời”, “Chúa tàu Kim Quy”, “Cay đắng
mùi đời”… Vì vậy, không có gì quá lời khi nói rằng, tác phẩm Hồ Biểu Chánh như
một bộ lịch sử phong tục về miền Nam.
Nhà văn Hồ Biểu Chánh, tên thật Hồ Văn Trung, sinh
ngày 1/10/1885 tại Gò Công, Tiền Giang. Ông mất ngày 4/9/1958 tại Phú Nhuận,
Sài Gòn. Nhà văn Hồ Biểu Chánh thuộc thế hệ đầu mở đường cho dòng tiểu thuyết
Việt Nam hiện đại. Ông sử dụng ngôn ngữ bình dân một cách tự nhiên, phản ảnh
trung thực đời sống và tâm lý của những con người bất hạnh trong xã hội thực
dân nửa phong kiến. Vì vậy, tác phẩm Hồ Biểu Chánh gần gũi và xúc động với công
chúng.
Khởi nghiệp với tiểu thuyết “Ai làm được" xuất bản
năm 1912, nhà văn Hồ Biểu Chánh có hơn 70 tiểu thuyết trong suốt hai thập niên
sáng tác. Ngoài ra, ông còn viết nhiều thể loại khác như tuồng hát, hồi ký,
biên khảo, thơ, dịch thuật, phê bình, tùy bút...
Các tác phẩm của Hồ Biểu Chánh do Nhà xuất bản Tổng hợp
Thành phố Hồ Chí Minh xuất bản trong thời gian qua, có thể kể đến: Con nhà
nghèo; Con nhà giàu; Nợ đời; Ăn theo thuở, ở theo thời; Cay đắng mùi đời; Bỏ chồng;
Bỏ vợ; Chị Đào, Chị Lý; Chúa tàu Kim Quy; Chút phận linh đinh; Cười gượng; Đại
nghĩa diệt thân; Dây oan; Đoạn tình; Hai Khối tình; Nhân tình ấm lạnh; Kẻ làm
người chịu; Khóc thầm – Cha con nghĩa nặng; Mẹ ghẻ, con ghẻ; Ngọn cỏ gió đùa; Tại
tôi; Tỉnh mộng; Tơ hồng vương vấn; Thiệt giả, giả thiệt – Đóa hoa rừng – Một đời
tài sắc; Vì nghĩa vì tình; Ý và tình…
Tác phẩm Hồ Biểu Chánh vừa tiếp thu kỹ thuật thể hiện
phương Tây vừa trân trọng bảo tồn bản dân tộc. Văn chương của ông bao quát những
mảng hiện thực, những nét văn hóa đặc trưng của Nam Bộ vào những thập niên đầu
thế kỷ 20. Đó là sự tha hóa của con người trong sự lớn lên vùn vụt của của đầu
óc trọng thương, là số phận đáng thương của những thường dân rơi vào cảnh cùng
quẫn, là những câu chuyện thế sự giàu chất nhân văn của những con người trên
vùng đất mới. Tác phẩm Hồ Biểu Chánh luôn bao phủ ý hướng về phong tục và luân
lý đạo đức, hướng về hướng thiện trong con người. Bức tranh hiện thực xã hội và
"thương" cho thân phận con người còn chịu nhiều trái khuấy, bất công.
Chất liệu văn hóa trong các tác phẩm Hồ Biểu Chánh là
nguồn cảm hứng để chuyển thể thành nhiều loại hình như phim, kịch, cải lương...
Đạo diễn Hồ Ngọc Xum từng làm nhiều bộ phim từ tác phẩm Hồ Biểu Chánh như “Ngọn
cỏ gió đùa”, “Hai khối tình”, “Lòng dạ đàn bà” hoặc “Tơ hồng vương vấn” đã bày
tỏ: “Điểm đặc sắc ở tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh là chứa đựng hạt ngọc sau lớp
vỏ bình dân, cốt truyện cô đọng, bối cảnh sinh động, phản ánh chân cách ứng xử
của người miền Nam xưa”
Nhằm kế thừa và quảng bá di sản Hồ Biểu Chánh, nhiều
nhà xuất bản đã in lại tác phẩm của ông. Mới đây, Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM
đã giới thiệu một loạt tác phẩm Hồ Biểu Chánh được đầu tư thành những cuốn sách
giàu tính thẩm mỹ như “Tiền bạc, bạc tiền”, “Từ hôn”, “Cư Kỉnh”, “Con nhà giàu”,
“Con nhà nghèo”, “Cười gượng”, “Ăn theo thuở, ở theo thời”, “Nhân tình ấm lạnh”,
“Ý và tình”, “Dây oan”.
Ngoài những sáng tác mang tính cá nhân, nhà văn Hồ Biểu
Chánh cũng là bậc thầy Việt hóa các danh tác thế giới. Ví dụ, tác phẩm “Người
thất chí” được ông phỏng theo “Tội ác và hình phạt” của Dostoevsky. Ông biết
cách chọn lọc chi tiết gần gũi văn hóa người Việt, thay đổi hoàn cảnh để độc giả
tin câu chuyện có thể xảy ra ở Việt Nam. Cách Việt hóa danh tác thế giới của
nhà văn Hồ Biểu Chánh ít nhiều làm giàu thêm tinh thần cho tác phẩm gốc.
NNVN