Nhà thơ Thi Hoàng nhận định: “Tập thơ “Đồng” là tác phẩm
khá nhất của Trần Lê Khánh từ trước đến nay, chọn một hình thức truyền thống để
chuyển tải một nội dung hiện đại. Tác phẩm bộc lộ một địa chỉ tâm hồn, ở đó con
người thời hội nhập không xa lạ bản sắc dân tộc. Qua tập thơ “Đồng”, Trần Lê
Khánh thể hiện sự từng trải, không chỉ từng trải vốn sống mà còn từng trải văn
hóa, để thi ca đi qua cái “nhìn thấy” mà đến cái “cảm thấy”, vì vậy hạn chế được
nhược điểm của thể loại lục bát là thường ít thông điệp. Thể loại lục bát trong
tập thơ “Đồng” quy nạp lại cho cả người đọc lẫn người viết một tâm trạng tích cực
giữa xã hội bộn bề”.
XỨ 8
phố khuya đổ cơn mưa người
ta về trú dưới nụ cười thanh xuân
áo cay cơn gió thổi gần
ru người trăng lấy hết phần của đêm
gặp nhau trong phút yếu mềm
em se cuộn chỉ quấn thêm vào lòng
sông còn giữ sóng nổi không
bàn tay ta vỗ lên dòng nước xanh
XỨ 12
quả ớt đâu biết mình cay
người mặc áo đỏ hay day dứt lòng
em về sửa lại mùa đông
gắn chiếc eo nhỏ lên hông nhẹ nhàng
trời xé vụn áng mây vàng
xóa đi dấu vết của chàng hôm qua
ta ngồi vẽ những cánh hoa
kéo vệt mực đỏ xót xa chân trời
XỨ 13
trong ngôi đền của loài người
một đốm lửa nhỏ bằng mười đêm trăng
người đàn bà giấu xa xăm
đằng sau cánh cửa quét rằm vào mai
nhục thân mà tắm sơ sài
con sóng ngừng đuổi theo hai chuyến đò
con cá rửa mặt qua loa
nửa đêm thức giấc theo ta nhìn trời
XỨ 17
một mai mưa gió tơi bời
đong đưa chiếc võng cho trời rộng thêm
đừng làm nụ hỡi đóa sen
tuổi nào mới chớm cũng nghèn nghẹn hương
áo em kín cổng cao tường
kẻ trộm dễ kéo con đường ra xa
người đâu đựng nỗi hồn ta
nước chảy chỗ trũng dọ ra hình thù.
XỨ 100
ngoài khơi sóng nổi bão bùng
vầng trăng đi bộ trên lưng một người
nghe quen tiếng dế bao đời
những cành củi mục tự rơi một phần
ta ném đám lá xuống sân
mà mảnh trăng vỡ không cần nguyên do
ngôi chùa được dựng sơ sơ
cỏ đi vài bước vu vơ là thành.
TRẦN LÊ KHÁNH