Nhạc sĩ Trần Tiến ở tuổi 78 vẫn không ngần ngại hợp tác cùng ca sĩ Jimmii Nguyễn để thực hiện chương trình ‘Trần – Nguyễn du ca’ trước Nhà hát Lớn Hà Nội.


Nhạc sĩ Trần Tiến sinh năm Đinh Hợi 1947. Khi cùng ca sĩ Jimmii Nguyễn biểu diễn chương trình đầu tiên của show “Trần – Nguyễn du ca” vào đêm 19/1/2025 thì ông bước sang tuổi 78.

Từ ca khúc đầu tay “Bài ca thanh niên ra tiền tuyến” sáng tác thời đôi mươi, nhạc sĩ Trần Tiến đã có một hành trình dài chinh phục giới mộ điệu. Đặc biệt, nhạc sĩ Trần Tiến là một trong số ít những tác giả có khả năng trình bày tác phẩm của mình theo kiểu độc đáo nhất, ấn tượng nhất.

Vì vậy, không phải không có lý do để nhạc sĩ Trần Tiến tự tin suốt con đường nghệ thuật: “Từ khi nổi tiếng là khoảng những năm 1980, một mình tôi hát đến cả trăm buổi. Tôi lấy cát-sê rẻ nên các đơn vị tổ chức hay mời, mà đâu chỉ có rẻ, đúng ra phải là ngon - bổ - rẻ. Nói chung, tôi không quan tâm chuyện cát-xê, tôi chỉ thích gặp công chúng, nhất là sinh viên, bộ đội và giới trí thức. Hồi đó, có những đêm, tôi hát tới 33 bài. Tôi không chỉ hát mà còn trò chuyện với khán giả. Các ca sĩ có thể hát hay hơn nhiều nhưng họ vẫn muốn mời tôi để tìm về với nguyên gốc của tác phẩm. Đó là lý do, đến tận bây giờ, tôi vẫn còn được mời”.

Nhạc sĩ Trần Tiến từng thành lập nhóm Du Ca Đồng Nội đi xuyên Việt. Bây giờ, sau hơn ba thập niên, ông lại cùng ca sĩ Jimmii Nguyễn du ca. Không chọn khán phòng sang trọng, chương trình “Trần – Nguyễn du ca” tổ chức trước Nhà hát Lớn Hà Nội, nghĩa là người xem cũng không cần mua vé. Nhạc sĩ Trần Tiến bày tỏ, ông thích hát cho những người không có tiền mua vé, đấy mới là những người thương yêu của ông. Những người có tiền mua vé nghe Trần Tiến hát cũng là người thương yêu của ông, nhưng ông thương yêu người nghèo hơn người giàu.

Câu chuyện du ca của nhạc sĩ Trần Tiến không còn xa lạ với khán giả Việt Nam. Bởi lẽ, chính ông đã viết trong ca khúc: “Cao bồi sống trên lưng ngựa, chàng du ca sống bên cây đàn, cả hai sống đời lang thang. Cao bồi sống trong hoang mạc, chàng du ca sống xa quê nhà, cả hai sống đời dạt trôi. Tìm tự do cánh chim ngang trời, tìm lẽ sống dấn thân trên đời, tìm hạnh phúc hiếm hoi cõi trần gian”. Vậy còn ca sĩ Jimmii Nguyễn vì sao lại du ca?

Ca sĩ Jimmii Nguyễn nổi tiếng với những ca khúc nhạc Hoa lời Việt như “Nhớ về em”, “Tình xưa nghĩa cũ”, “Tình như lá bay xa”, “Hoa bằng lăng”… Giọng hát và phong cách ca sĩ Jimmii Nguyễn phù hợp với phòng trà. Thế nhưng, ca sĩ Jimmii Nguyễn cho biết đã ấp ủ chương trình du ca suốt 20 năm qua, và bây giờ mới khởi động cùng nhạc sĩ Trần Tiến.

Nhạc sĩ Trần Tiến và ca sĩ Jimmii Nguyễn có kênh thẩm mỹ khác nhau và cũng có khán giả khác nhau. Sự bắt tay của họ cũng là phép cộng thú vị. Ca sĩ Jimmii Nguyễn hé lộ, anh sẽ dịch sang tiếng Anh một số ca khúc của nhạc sĩ Trần Tiến để hát trong chương trình “Trần – Nguyễn du ca”. Còn đạo diễn Huy Nguyễn là người thiết kế chương trình “Trần – Nguyễn du ca” khẳng định, âm nhạc giữa nhạc sĩ Trần Tiến và ca sĩ Jimmii Nguyễn là những cuộc đối thoại, đưa mọi thứ trở về nguyên bản và không dàn dựng.

Ca sĩ Jimmii Nguyễn tuổi 55 thì vẫn còn trẻ trung trong mắt những kẻ si mê. Còn nhạc sĩ Trần Tiến tuổi 78 vẫn dạt dào khao khát cống hiến “Tôi nhìn thấy gái đẹp vẫn có cảm xúc như xưa, không thay đổi. Ông trời cho con người ta ham muốn, nhìn thấy gái mà như nhìn thấy cột đèn thì sao có thể viết nhạc, đánh đàn. Tôi vẫn cảm nhận được vẻ đẹp của một con gái. Tất nhiên, không phải vẻ đẹp bên ngoài mà là bên trong. Nhưng tôi không phải người lăng nhăng dù có đầy đủ tính xấu của một thằng đàn ông. Tôi rất mê gái vì không mê thì sao viết được nhạc. Tôi ham muốn nhưng tôi không làm bậy vì ông trời cho tôi khả năng viết nhạc và dặn tôi phải tập trung làm công việc của mình”.

Nhạc sĩ Trần Tiến từng du ca với các ca khúc “Mặt trời bé con”, “Sói con hoang vu”, “Trần trụi”, “Chuyện 5 người” hoặc “Rock đồng hồ”. Sau này, khi không còn nhóm Du Ca Đồng Nội, nhạc sĩ Trần Tiến tiếp tục thể hiện sự lạc quan bay bổng qua các ca khúc “Không gục ngã”, “Còn có một ngày”, “Phiêu bạt”, “Nào phượt thôi”…

Trong ca khúc “Có một thời như thế”, nhạc sĩ Trần Tiến viết: “Bao nhiêu năm ta lại về ngồi bên nhau/ Tay trong tay với những người bạn chiến đấu/ Để một thời nhớ một thời, để một đời nhớ một đời/ Tìm lại mình Trường Sơn ngày xưa ấy.../ Ngày xưa ấy bây giờ vẫn một khúc quân hành/ Vẫn lời thề với bạn bè cánh rừng đêm/ Ngày xưa ấy bây giờ vẫn một khúc quân hành/ Con đường rừng sẽ trở thành phố mộng mơ”.

Nhạc sĩ Trần Tiến hôm nay du ca, dĩ nhiên không còn sôi động như thuở nào. Thế nhưng, nhạc sĩ Trần Tiến luôn khai thác cái duyên sân khấu để trò chuyện cởi mở về từng ca khúc khiến người nghe hài lòng. Ví dụ, cách ông nói về chọn lựa của bản thân: “Con người không lớn lên trong bão tố hay chiến tranh. Con người lớn lên trong chính nỗi cô đơn của mình, nếu không tuyệt vọng. Những người du ca là những người tự do, dũng cảm nhất”.

                                                          NNVN