Nhà thơ Chế Lan Viên đưa ra giải pháp: “Tôi đề nghị mỗi thành viên Hội đồng để hai tập thơ trước mặt, xin các anh mở bất kỳ một trang trong tập thơ Huy Cận và đọc to lên, sau đó mở bất kỳ một trang trong tập thơ Thanh Thảo và đọc, chúng ta sẽ có kết luận”.


CHUYỆN VỀ HỘI ĐỒNG CHẤM GIẢI THƯỞNG VĂN HỌC

THANH THẢO

Tập thơ “Dấu chân qua trảng cỏ” của tôi được in năm 1978 ở NXB Tác phẩm mới. Đây là tập thơ đầu tay tôi viết suốt 5 năm ở chiến trường, từ lúc mới đặt chân lên Trường Sơn. Năm 1977 tôi được in tập trường ca đầu tiên “Những người đi tới biển” (NXB Quân đội Nhân dân). Cái viết trước lại được in sau, nhưng tôi vui lắm, vì tới năm 1978 tôi mới có hai tác phẩm này. Hồi đó, được in, được trả nhuận bút, là sướng lắm rồi.

Nhưng năm 1978 tôi gặp một tai nạn giao thông rất nặng, phải nằm bệnh viện từ mùa thu năm 1978 tới mùa hè năm 1979. Chuyện tập thơ “Dấu chân qua trảng cỏ” của tôi được Hội đồng chấm giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam xem xét, tôi hoàn toàn không biết. Hồi đó, thông tin là điều ai cũng muốn mà không có.

Mùa thu năm 1979, tôi rời Trại sáng tác Quân khu 5, từ Đà Nẵng chuyển về Quy Nhơn, từ anh chàng trung úy chuyển thành một cán bộ dân sự, tôi cũng chẳng có ý kiến gì. Trên vai một ba lô về Quy Nhơn, tôi tấp ngay vào căn phòng 12 m2 được báo Nghĩa Bình phân cho vợ tôi. Thế là có một gia đình, lại có nhà ở, dù nhà “nắng dột nắng mưa dột mưa” nhưng với vợ chồng tôi, thế cũng là quá ổn.

Về Quy Nhơn ít ngày, tôi mới biết mình được giải thưởng Hội Nhà văn, do đọc báo thấy in tin này. Chỉ biết vậy thôi chứ cũng chưa biết thêm tin gì. Tôi vui, dĩ nhiên, nhưng niềm vui cũng không hề ồn ào, vui vậy thôi.

Sau đó ít lâu tôi nhận được thư Hội Nhà văn thông báo chính thức mình được giải, đây là giải thường niên của Hội Nhà văn Việt Nam, nhưng được tổ chức xét thưởng và trao lần đầu. Có hai giải, giải thưởng thơ và giải thưởng văn xuôi. Tôi nhớ, có hai tác giả nhận giải văn xuôi, nhưng bây giờ không nhớ tên tác giả, vì đã 46 năm rồi còn gì.

Nếu chỉ được nhận giải thưởng, cả nhận tiền thưởng, thì cũng chưa có chuyện gì đáng nói. Phải mấy năm sau, hình như vào năm 1982 – 1983 gì đó, nhà văn Nguyễn Thành Long, quê Quy Nhơn, ông về công tác và thăm mẹ mình, người mẹ tảo tần bán tạp hóa ở chợ Lớn Quy Nhơn, ông gặp và tới nhà tôi chơi, anh em tâm sự, ông kể tôi nghe, tôi mới biết chuyện. Thì ra, tôi có được giải thưởng này cũng không hề dễ dàng.

Nhà văn Nguyễn Thành Long là thành viên Hội đồng chấm giải, từ sơ khảo tới chung khảo, nên “rành sáu câu” chuyện xét giải này. Ông kể, ở vòng chung khảo, tập thơ tôi đã may mắn lọt vào, nhưng bấp bênh lắm. Vì chỉ còn hai tập thơ, hai tác giả ở vòng cuối cùng này, và hai chọn một. Tôi phải đối đầu với một “cây đa cây đề” thơ Việt Nam, là nhà thơ Huy Cận.

Ông Huy Cận có tập thơ “Ngôi nhà giữa nắng” in ở NXB Văn học năm 1978. Tôi thì chỉ có một dấu chân nhỏ bé qua trảng cỏ hoang dại, coi bộ chuyện này là “trứng chọi với đá” rồi. Tôi lúc ấy là nhà thơ trẻ, nếu bị “out” (loại) cũng là chuyện bình thường. Nhưng câu chuyện nhà văn Nguyễn Thành Long kể với tôi, sau đó ông đã viết thành sách, có một chi tiết không có trong sách của ông, tôi sẽ nói sau.

Trong cuốn “Chế Lan Viên – người làm vườn thế kỷ”, ở bài “Hai câu chuyện về Chế Lan Viên”, nhà văn Nguyễn Thành Long viết:

“Câu chuyện thứ hai thuộc về văn học, sự lựa chọn một trong hai tác phẩm về thơ của Thanh Thảo và Huy Cận (giải thưởng thơ thường niên của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1979). Chế Lan Viên ở TP.HCM mới ra, hôm trước đã “xạc” tôi một trận không đúng phép tắc cho lắm: “Huy Cận dạy Thanh Thảo chứ Thanh Thảo dạy Huy Cận à?”.

Vấn đề này hôm sau chuyển vào cuộc họp. Xuân Diệu và Chế Lan Viên nói suốt buổi, Thanh Thảo có cơ mất giải thưởng. Đến phút quyết định, Chế Lan Viên cầm tập thơ của Thanh Thảo (Dấu chân qua trảng cỏ) đứng lên và nói: “Hãy khoan, những câu thơ như những câu này, Huy Cận không viết được thật, anh Xuân Diệu ạ”. Xuân Diệu đang phản bác hăng hái, bỗng trở nên hiền lành hẳn. Xuân Diệu nói: “Mà tôi không hiểu sao cái cậu Thanh Thảo ấy làm được những câu thơ như thế mà không biết”.

Trong câu chuyện nói riêng với nhau, anh Nguyễn Thành Long còn kể tôi nghe chi tiết này: Khi cuộc tranh luận ở Hội đồng xét giải có vẻ “bất phân thắng bại”, đột nhiên nhà thơ Chế Lan Viên đưa ra giải pháp: “Tôi đề nghị mỗi thành viên Hội đồng để hai tập thơ trước mặt, xin các anh mở bất kỳ một trang trong tập thơ Huy Cận và đọc to lên, sau đó mở bất kỳ một trang trong tập thơ Thanh Thảo và đọc, chúng ta sẽ có kết luận”.

Sau màn đối chất thơ vừa bất ngờ vừa thú vị này, cả Hội đồng xét giải thơ đã đi tới đồng thuận, rất nhẹ nhàng. Đó là sự lựa chọn vừa công bằng vừa nghiêm túc. Người có tác phẩm được chọn trao giải rất vui, mà người không được chọn cũng chẳng buồn.

Phải nói, 46 năm trước, Hội đồng chấm giải thưởng văn học của Hội Nhà văn đã lựa chọn tác phẩm ở vòng chung khảo như vậy. Các hội đồng xét giải của Hội Nhà văn chúng ta bây giờ rất nên tham khảo cách xét chọn vừa vô tư vừa thú vị này, để “không ai bị bỏ lại phía sau”, dù không nhận được giải thưởng.

Sau khi nhận giải thưởng mấy năm, tới năm 1983, tôi mới được gặp trực tiếp nhà thơ Xuân Diệu. Cuộc gặp gỡ bên ly bia rất vui, từ đó cho tới cuối đời, nhà thơ Xuân Diệu coi tôi như một đứa em ruột. Ông rất thương tôi, và tôi thường đi với ông về vùng quê Tuy Phước là quê mẹ của Xuân Diệu.