Qua ngòi bút như có ma lực của Ma Văn Kháng, hình ảnh cơn giông gió buổi chiều “đã hóa thân trở thành một cảnh tượng hoành tráng vô cùng”, “giải nồng xua tan oi nực, buồn bực, bứt rứt tích tụ cả ngày, cả tháng, cả đời người”, khiến cho “mặt ai nấy đều bừng dậy hoan hỉ”


 MA VĂN KHÁNG qua “Một chiều giông gió”

TRẦN ĐĂNG SUYỀN

“Một chiều giông gió” là một truyện ngắn giàu chất tiểu thuyết, in đậm cá tính sáng tạo của Ma Văn Kháng. Đó là một truyện ngắn có tư tưởng nhân văn sâu sắc, ôm chứa nhiều tình huống, dung lượng đời sống lớn được dồn nén trong số ít trang, khắc họa thành công những nhân vật và biểu tượng độc đáo, có giọng điệu riêng, ngôn ngữ đặc sắc, khá đa dạng và phong phú.

Con người trước thiên nhiên và cái đẹp

Nhà văn Ma Văn Kháng cho biết: “Hồi ấy, quãng sau năm 1985, tôi đang cộng tác với báo Đường sắt do nhà thơ Chu Thăng làm Tổng biên tập. Đến với các cơ sở của ngành giao thông quan trọng này là việc thường xuyên của các cộng tác viên như tôi. Lần ấy, vào giữa mùa hè, tôi đến một Cung đường ở Quảng Trị. Cung đường có tên 580, gồm 12 chàng trai lộc ngộc với cuộc sống lao động ngày ngày là duy tu bảo đảm an toàn cho con tàu chạy trên một quãng đường sắt dài 16 cây số còn đầy rẫy khuyết tật. Mãi mãi in trong trí nhớ tôi là khung cảnh một vùng đất cằn cỗi, nắng cháy khắc khổ và một công cuộc lao động vô cùng căng thẳng, ở ngoài tất cả các sinh thú và niềm vui trần thế của những con người ở nơi đây. Họ phải cắn răng lại để sống và làm việc trong một hoàn cảnh cơ cực đến mức không bao giờ nghĩ là sẽ có được một người con gái được cử đến đây. Rồi bỗng đến một ngày, như một giấc mơ lên thiên đường, có một cánh bướm xuất hiện… Tôi nhớ mãi cái cảnh con bướm vàng đột ngột từ đâu bay đến vờn vỡ trên dòng dây thép giăng qua cái sân bóng chuyền phơi toàn một thứ áo quần đàn ông lam lũ xanh bợt bạt. Và cả đám trai trẻ lúc ấy đang ngồi ăn cơm trên cái bàn gỗ như bừng thức cùng reo lên kinh ngạc, rồi sau đó khi con bướm bay đi, giống như một ánh chớp phù du, tất cả lại lịm đi như lại chìm vào cái không khí một đời sống lao khổ thường ngày.” (Tôi viết “Một chiều giông gió”- Thư ngày 16/5/2024 của nhà văn Ma Văn Kháng gửi cho người viết).

Đi thực tế từ năm 1985, nhưng mãi đến ngày 20/9/1997, Ma Văn Kháng mới viết xong thiên truyện ngắn này. Ấy là vì, không hẳn cứ đi thực tế, có nhiều vốn sống, là có thể viết được tác phẩm có giá trị. Đúng như Ma Văn Kháng viết trong truyện ngắn Trăng soi sân nhỏ: “Văn chương là truyện đời thông qua việc đào xới bản thể mình ở chiều sâu tâm hồn chứ đâu phải là đi hớt lấy cái váng nổi trên mặt của ngoại vật. Đâu có phải cứ lặn lộn xuống cơ sở, gần gụi cái búa, cái bay, sống giữa tiếng máy, mùi than thì mới viết được văn hay!”.

Đi thực tế đối với nhà văn, thực chất là đi tìm mình, phát hiện mình trong cái thực tế ấy. Nhà văn có tài là người không chỉ đơn thuần viết về cái gì xảy ra trong thực tế mà còn phát hiện ra những cái sâu sắc tỏa ra từ thực tế ấy, phải tạo ra được cái hồn lảng vảng ở ngoài truyện. Là soi rọi vào đấy cái nhìn riêng, có tính chất phát hiện về hiện thực và con con người, và bằng tài năng nghệ thuật của mình, kể cho người đọc một câu chuyện có ý nghĩa nhân sinh sâu sắc. 

*

Trong “Một chiều giông gió”, Ma Văn Kháng đã sáng tạo được ba tình huống truyện. Đó là tình huống sự xuất hiện của cơn giông gió buổi chiều. Đó còn là sự xuất hiện của con bướm vàng. Cuối cùng là tình huống sự xuất hiện của Thoa – một phụ nữ “kết tinh thành hình tượng một người đàn bà đẹp, có sức biến cải hoàn cảnh” và sự ra đi của cô. Từ ba tình huống nói trên, Ma Văn Kháng đã dẫn dắt câu chuyện qua sáu phần, khéo léo và tinh tế, khiến cho có một mạch ngầm, một dòng chảy, lúc âm thầm, lặng lẽ, khi mạnh mẽ, dữ dội từ đầu cho đến cuối thiên truyện. Cũng qua những tình huống đó, nhà văn đã khắc họa thành công những nhân vật chính, từ Tua, Hợi đến Thoa, để lại ấn tượng trong tâm trí người đọc; qua đó, làm nổi bật chủ đề và tư tưởng của tác phẩm.

Mở đầu tác phẩm là những dòng miêu tả cơn giông gió buổi chiều: “Tiếng sét nổ thình lình thoạt đầu nghe xa lắc, như ở đâu đó phía bên kia xứ sở. Tuy vậy sau đó, nhìn thấy đường nét ngoằn ngoèo như rễ cỏ của tia lửa điện hiện hình trên nền mây đen thẳm nơi chân trời, mọi người liền nhận ra, cuộc biến động thời tiết đã gần kề và sứ giả đầu tiên của nó là gió”. Ngòi bút nhà văn tập trung miêu tả cảnh tượng khác thường của một cơn giông gió: “Gió từng cơn lớn lao hoang dại thốc đến ngay cùng tiếng trống chiêng sấm sét liên hoàn rung trời đất. Cơn kinh giật đất trời khởi sự có hình vẻ một chấn động tâm thần. Theo cùng luồng gió hú những âm thanh dài từ xa tới là những hạt mưa lớn, nặng, xiên chéo như mũi tên bắn, nổ gọn như tiếng vỡ của kim loại, tòe toẹt hình ngôi sao nhiều cánh trên đá sỏi”. Nhà văn gợi cái cảm giác của của con người trước sự tác động của cơn giông gió, không phải là một con người cụ thể mà cái cảm giác chung của mọi người: “Đã tan biến tất cả cái thực tại phồn tạp nóng hổi, chỉ còn lại một thế giới tràn đầy hình tượng được trực giác cảm nhận đơn thuần và mát rượi”.

Vậy là, với đoạn văn mở đầu đầy ấn tượng như thế, Ma Văn Kháng đã tạo được không khí, dựng nên bối cảnh để làm nền cho nhân vật chính là Tua xuất hiện. Cái hay của đoạn văn mở đầu này không chỉ là miêu tả được một cơn giông gió với những chi tiết điển hình mà còn gợi lên được tinh thần chung của tác phẩm, gợi ra được cái chiều hướng của ngòi bút nhà văn là đi tìm, phát hiện sự ảnh hưởng, tác động của thiên nhiên, của cái đẹp, đối với tâm hồn, tính cách con người. 

Đến đoạn văn sau, ngòi bút nhà văn hướng đến tác động của thiên nhiên, của cơn giông gió với một con người cụ thể: Tua, cung trưởng cung đường 580. “Tua đã bật dậy ngay khi một hơi gió đẫm hơi nước, trong suốt, vi vút vượt qua. Y như Tua là tù nhân vừa nhận được một năng lượng để giải thoát mình ra khỏi cảnh tù đày chật hẹp. Y như một khối lượng tinh thần to lớn vô biên của Tua vừa được ra khỏi cái vỏ chật chội, hữu hạn của cơ thể, để không còn bận tâm đến cái lợi lộc vụn vặt hằng ngày, để trước hết nhận ra cơn giông gió chiều nay đã hóa thân thành một cảnh tượng hoành tráng vô cùng”.

Cơn gió ràn rạt thổi qua sườn Tua, qua thân thể Tua, thổi đến cái vùng đất khô cằn mà Tua cùng những người công nhân trong đội bảo dưỡng đường sắt đang sống và làm việc, “cái vùng đất sỏi đá cằn cỗi lưa thưa đây đó đôi nét chấm phá cố tình và lạc lõng những bụi mua còi, khóm cây keo tai trâu và những vạt thông non xơ xác, thoi thóp tự khẳng định”. Ngòi bút nhà văn đầy hào hứng, say mê diễn tả tâm trạng của Tua hòa hợp với thiên nhiên: “Sau cái sơ ngộ là một giây ngưng thần hòa tan bản thể với ngoại vật, ngoại cảnh dữ dội có tầm vóc vô định, một cơn điên rồ can đảm đã hình thành và Tua phút chốc đã trở thành một hình nhân ở trạng thái xuất thần […].

Tua chạy đi đón cơn giông. Trên đầu Tua, những đám mây vằn đen như khói của đám cháy rừng bay tới tấp giữa tiếng sấm lục ục sâu trầm tức ngực và tiếng sét nổ oành oành, vỡ óc inh tai”. Có thể nói, những đoạn văn miêu tả cảnh giông gió đã phát huy cao độ sự quan sát tinh tế, trí tưởng tượng phong phú của một cây bút truyện ngắn tài năng. Ma Văn Kháng hướng cái nhìn vào thế giới tâm hồn của nhân vật: “Giờ thì cơn giông gió xoáy đảo đất trời chiếm trọn hồn Tua. Giờ thì chính Tua đã biến thành cơn hưng phấn có kích tấc khổng lồ. Tưởng như Tua có thể cứ nguyên vẹn như thế, với nỗi hoan lạc thần bí không thể giải thích được, phăm phăm như ngựa băm vó, ngược xuôi trên con đường tàu xuyên Việt chạy qua dải đất miền Trung dằng dặc này, cho đến kì đứt hơi thì thôi”. “Cảnh tượng diễm ảo ở ngoài tầm khí chất khiến Tua bị choáng ngợp. Tua dừng lại, giơ cao hai cánh tay gầy, mắt rỡ ràng tia sáng hân hoan đón chào”. Không chỉ Tua, cơn giông gió còn tác động đến mười một chàng trai dưới quyền Tua, “thuần trai đồng quê mới lớn, tâm trí khô cằn, cả một đoạn đời thiếu niên chưa hề chú mục quan chiêm đến cảnh trí thiên nhiên đã gọi nhau ra sân, ngước nhìn chiếc cầu vồng về giữa trời cao, với một niểm thích thú và thiêng liêng lạ lùng”.

Đây không phải là cơn giông bình thường nữa, không phải cơn gió thổi qua chẳng để lại chút ấn tượng, ảnh hưởng gì. Nó là một cơn giông gió “giải nồng xua tan oi bức, buồn bực, bứt rứt tích tụ cả ngày, cả tuần, cả tháng, cả đời người. Mặt ai nấy đều bừng dậy hoan hỉ”. Cơn giông gió đã làm thay đổi nhận thức, suy nghĩ của Tua. Anh yêu cầu Hợi hôm nay phải dọn cơm lên bàn đá ở ngoài hành lang ăn uống cho đàng hoàng. Hợi phải cắt tóc đi; Tần, Tuyền, Nhượng, Triệu, Hàn… sửa sang tóc tai đi. “Cam chịu không có nghĩa là tùy tiện. Càng gian khó càng phải ra con người!”. 

Hình ảnh thiên nhiên, từ cơn giông khiến đất trời nghiêng ngả, đến đây, được thu lại, hiện hình cụ thể và sinh động qua cánh bướm: “Cuối cùng thì chính những con người lao động chất phác khổ hạnh ở cung đường nọ cũng đã không còn phân biệt được là hư hay thực, là phép lạ hay chỉ là thường lệ, hoặc có cả hai yếu tố trong một cánh bướm vừa hiện diện ở đây lúc chiều tà…”. Ngòi bút của nhà văn đã miêu tả tinh tế và tài hoa đường bay của con bướm: “Những đường nét rối rít tài hoa của nó dẫn con người vào một chiêm bao rực rỡ ánh vàng. Cuối cùng, con bướm lượn ra góc sân, ở đây căng chéo cánh sẻ một chiếc dây phơi; ở đây con bướm múa vũ khúc cung đình nghiêm trang và mực thước, nó sà xuống rồi lại nhấc mình lên, đều đặn những động tác nhịp nhàng và say đắm”.

Từ cánh bướm, ống kính của người trần thuật lại hướng tới sợi dây phơi căng chéo một góc sân, “sợi dây thép căng như dây đàn thường ngày chịu sức nặng của mười hai bộ quần áo bảo hộ vải dày như vải bạt, bê bết bụi cát mồ hôi, to sều, nặng trịch, không hề động đậy theo hơi gió. Hôm nay, ở cuối sợi dây phơi nọ, khiêm nhường lất phất mấy vệt vải màu mềm mại, mong manh như sương khói”. Tiếp đến, người trần thuật lại dõi ống kính theo đường bay của con bướm vàng. Con bướm bay từ đầu kia của sợi dây phơi tới đầu này thì dừng lại, “vẩn vơ một nét phấp phới phiêu bồng, rồi nhẹ nhàng dang rộng đôi cảnh lớn, nhón chân hạ xuống.

Ở đó, một chiếc may ô con gái màu hồng nở khép nép bên cạnh chiếc quần phụ nữ tỏa bóng đen tuyền lấn át khiến chiếc quần lót mỏng mảnh xinh xinh màu hạt dẻ chỉ còn lấp ló và nhè nhẹ đung đưa theo cảm hứng hoan lạc của chiếc nịt ngực phổng phao hai vầng tròn mẩy mang màu trắng huyết, ngát thơm như hoa”. Sau cả một chặng dài nín thở dõi theo đường bay của con bướm, “Tua bừng dậy, lâng lâng. Tua sung sướng”. Nhưng niềm hưng phấn của Tua lập tức bị hụt hẫng khi nghe tiếng gọi và tiếng cười rất thô lỗ của Hợi. Sự hụt hẫng này cũng là sự chuẩn bị, là bước đi dẫn đến “khúc đứt gãy phũ phàng” ở sau.

Đến đoạn thứ ba, Ma văn Kháng lại quay về nói đến đời sống lao khổ thường ngày của những người công nhân. Từ bút pháp lãng mạn ở những đoạn trên, đến đây, đoạn văn được viết bằng bút pháp hiện thực. “Thật tình là cuộc sống đã ở trên mức khổ cực! Khổ đến cái mức không bao giờ dám ước ao có được một người phụ nữ đến đây cùng ăn ở, làm việc với mình; không bao giờ”. Nơi đây, “thời chiến là bãi giao đấu, phân tranh khốc liệt. Giờ đây, đâu đâu cũng là tha ma nghĩa địa. Hài cốt người táng ở đây không hao. Nơi đây, thuận với người chết nhưng không thuận cho người sống”. Nơi đây, “cây cối thì có thể không mọc, cư dân có thể không tụ họp thành xóm thôn, còn con đường vẫn cứ phải ròng ròng sự sống đi qua. Con đường vẫn phải có mặt như ở bất cứ một vùng quê trù phú nào. Và Tua cùng anh em, do vậy, không thể vắng mặt ở nơi này”. Họ phải sống trong môi trường sống thật khủng khiếp. “Gió ở đây là gió hoang dại, nó bốc cả một núi cát lớn, bay mù mịt phủ kín mít từng đoạn đường dài. Nắng hoang mạc cháy khét đến cả không khí, còn thịt da thì bị thiêu đốt đến mức không còn phân biệt được đâu là cái nóng bên ngoài, đâu là cái nóng bên trong…”. 

Trong hoàn cảnh sống và làm việc cơ cực, khắc nghiệt như vật, tưởng rằng những con người ở đây chỉ còn biết chịu đựng, “phải cắn răng mà chịu đựng! Chịu đựng để làm việc, để bảo vệ sự sống của đoạn đường”. Nhưng còn hơn cả mơ ước, khởi đầu là cơn giông, rồi một con bướm vàng bay tới, tiếp đến một cô gái xuất hiện. Nhà văn đã miêu tả sự biến đổi về tâm hồn của những con người ở cung đường này.

Trước đó, cuộc sống của họ nghèo nàn, khổ cực biết bao. “Một đời sống không lời khích lệ. Một đời sống không ân cần, nuông nịnh. Không sinh thú. Không khoái lạc. Không tu hành mà tự nguyện kiềm thúc, kiềm chế tối đa. Nhân cách đo bằng sự nhẫn nhịn, được duy trì không phải thói khát muốn đồng tiền, cũng không phải bằng thứ chủ nghĩa anh hùng lửa rơm mà bằng chất men say âm thầm bền bỉ”. Ma Văn Kháng đã nhận ra sự đổi thay ở những con người này, “một biến thể để lộ ra sau cái đời sống nhìn thấy là chốn thăm thẳm của bản thể bị phong bế. Con người luôn có khả năng biến thành kẻ khác với chính nó”. Kể từ một chiều giông gió nọ, “Một linh hồn xa lạ từ đâu đó đã nhập vào thể xác khô cằn và héo hắt của Tua, khiến Tua bồng như cây cỏ gặp cơn mưa móc trở nên tươi nhuần”. Không chỉ có Tua. “Kí ức bừng sáng, Tần, Tuyền, Nhượng, Triệu, Hàn, Hợi,… lần lượt trở thành kẻ xa lạ với chính mình. Hóa ra họ đều là trai tơ. Nhận ra điều đó, tất cả bỗng trở nên vui vẻ, tươi mưởi, rộng rãi khác thường”.

Một chiều đi làm về sớm, “mọi người nhất loạt thanh toán hết lũ râu tóc vô kỉ luật”. Sinh hoạt thể thao hằng ngày cũng khác trước: “Cái sân bóng chuyền ồn ĩ, chia hai bên thi đấu, vừa đủ mỗi bên sáu, cùng loạt may ô trắng quần đùi xanh, không còn ai thừa để làm trọng tài […]. Lần đầu tiên trong đời, các đấu thủ ở đây chơi bóng không chỉ là vui mà còn để người khác xem. Người này là người khác đến”. Chính sự xuất hiện của Thoa, người con gái mới đến, đã làm thay đổi sâu sắc đời sống lao khổ thường ngày của những chàng trai ở đây. Vì có người con gái này “mà từ nay chấm dứt hẳn việc áo cơm lúi xùi ở trong bếp…”. Cũng nhờ sự có mặt của người con gái này mà thức ăn, dẫu chỉ có rau dưa, củ lạc, con cá khô “cũng dọn thành hai mâm đặt ngay ngắn trên một chiếc bàn đá dài”, “người ngồi ăn tất thảy đều áo quần tinh tươm, sạch sẽ, trịnh trọng đón bát cơm xới, lại ý tứ nhìn về phía đầu nồi như có ý cám ơn”.

Đến đây, nhà văn mới đặc tả ngoại hình của nhân vật: “Ngồi đầu nồi là một phụ nữ tầm thước, mặt trái xoan tươi hồng, vai thon, ngực tròn, eo thắt, hông nở, đầy đặn nữ tính. Tay cầm cái quạt nan, như người mẹ, như người chị, như em gái nhỏ, người nọ phẩy hơi mát cho tất cả mọi người. Vui sướng tràn trề trong cặp mắt đen láy, vẻ tần tảo hiện hình ở lớp mồ hôi rịn nơi chân tóc, ở hai bả vai áo ướt đầm nổi hẳn đường nét duyên dáng bí ẩn của vệt dây đỡ chiếc nịt ngực, người phụ nữ đưa đôi bàn tay nhỏ nhắn đón đỡ kịp thời mỗi chiếc bát và thoát ra từ đôi môi xinh xắn một tiếng nói hậu tình: “Để em xới ạ.””. Sống trong bầu không khí ấy, chứng kiến sự đổi thay ấy, “Tua thấy cay cay cánh mũi”. Không chỉ riêng anh, Tua nhận ra bạn bè anh “đều  chung một trạng thái rưng rưng: Ôi, hạnh phúc, đó là những cử chỉ thân ái, nhân hậu nho nhỏ hợp thành, xa lạ và quen thuộc biết bao!”. Khi đón bát cơm người phụ nữ đưa, đặt xuống, Tua “bỗng thấy má trái vương vướng một ánh nhìn mềm mại, liền quay lại và ho hó cái miệng tròn ngạc nhiên không nói nên lời”. 

Đến đoạn văn thứ tư, thứ năm và thứ sáu, mỗi đoạn văn lại mở ra một khung cảnh, một cảnh ngộ của những người công nhân, trong quan hệ với hình ảnh con bướm vàng và nhân vật Thoa. Cứ như thế, Ma Văn Kháng đã khéo léo dẫn dắt câu chuyện “Một chiều giông gió”, vừa phơi ra được cái hiện thực đang có, cái dòng nổi, cái mạch lộ thiên, vừa tạo được cái dòng chìm, mạch ngầm của văn bản.

*

Có thể xem đoạn văn sau là sự tóm tắt bối cảnh, những sự kiện, tình tiết chính của truyện ngắn “Một chiều giông gió”: “Chiều lồng lộng diệu cảnh cơn giông gió. Đêm mơ màng trong ánh trăng ngưng. Ngày đi qua ăm ắp sự kiện và ấn tượng. Một bữa cơm quây quần. Một hơi quạt phất. Một câu chuyện thời thơ ấu. Những tiếng gà lích rích ngoài hàng rào quây luống đất mới gieo hạt rau cải. Mảnh sân phong quang lụp bụp tiếng bóng rơi. Bóng hình người phụ nữ óng ả vào ra. Đời sống bỗng nhiên trở nên lạ lùng và khó hiểu, vì thực cảnh trộn lẫn với chiêm bao”.

Sau khi đã tạo dựng thành công bối cảnh chung của câu chuyện, dẫn dắt câu chuyện qua nhiều sự kiện, tình tiết, đến đây, Ma Văn Kháng cất tiếng bình luận: “Người phụ nữ, cho đến giờ, vẫn là một hư ảnh nhòe mờ giữa hiện thực và ảo thể. Chưa một ai trong bọn họ, kể cả Tua trong vai cung trưởng, nhìn rõ gương mặt đẹp của chị. Người phụ nữ từ đâu đến, do ai giới thiệu đến, tất cả đều có câu trả lời chính xác mà vẫn cứ mu mơ, lờ mờ. Nhập vào đời sống cần lao của những người lao động khốn khổ ở cung đường này, chị biến hóa thành một bà mẹ, một người chị, một cô em gái, và cuối cùng kết tinh thành hình tượng một người đàn bà đẹp, có sức biến cải hoàn cảnh, khiến cả tá con người lao động như bừng tỉnh, nhận ra mình là những kẻ độc thân trẻ tuổi bấy lâu nay vẫn âm ỉ trong mình những khát vọng sống mà tự mình không biết”.

Viết về nhân vật Thoa, Ma Văn Kháng say sưa tung ra những lời nồng nàn, say đắm ca ngợi người phụ nữ là hiện thân, biểu tượng của cái đẹp, nơi “hội tụ” của tình đời, tình người. Nhà văn đã nói đến sự kì diệu của cái đẹp đối với cuộc sống. Chính nhờ có Thoa mà cuộc sống của những người công nhân nơi đây mới thực sự đổi thay. “Suốt sáu tháng liền đoạn đường sắt tồi tệ không xảy ra một sự cố, dù là nhỏ nhoi. Mười hai người thợ đều đạt danh hiệu Lao động tiên tiến”. Nhưng đối với họ, sự biến đổi tâm hồn mới thực sự sâu sắc, mới thực sự có ý nghĩa lớn lao. “Nhưng trên thực tế, họ đã trở thành những dũng sĩ, thiên thần lập những công tích kì lạ. Họ biến đổi âm thầm, tự mình không hay”. Ngòi bút miêu tả và phân tích tâm lí của Ma Văn Kháng đã chỉ ra, sự biến đổi âm thầm của những con người này là do sự xuất hiện của cơn giông gió và con bướm vàng, nhưng sự xuất hiện của Thoa, người phụ nữ xinh đẹp, đầy nữ tính, là biểu tượng của cái đẹp và tình thương yêu là quan trọng nhất, có ý nghĩa quyết định. Những ảnh hưởng, tác động này, vừa là sự nối tiếp, vừa là sự bổ sung, theo chiều hướng càng lúc càng tập trung vào yếu tố hạt nhân là cái đẹp. Chỉ có người phụ nữ “kết tinh thành hình tượng người đàn bà đẹp”, là hiện thân của cái đẹp xuất hiện mới đủ sức “biến cải hoàn cảnh, khiến cả tá con người lao động như bừng tỉnh, nhận ra mình là những kẻ độc thân trẻ tuổi bấy lâu nay vẫn âm ỉ trong mình những khát vọng sống mà tự mình không biết”.

Cái đẹp, trong quan niệm của Ma Văn Kháng có khả năng kì diệu trong việc cải tạo hoàn cảnh, có khả năng khơi gợi, làm bùng cháy niềm khao khát sống lành mạnh, sống có văn hóa, nhân văn ở mỗi con người. Chính cái đẹp đã khơi dậy, nuôi dưỡng nhân tính, chất nhân văn trong mỗi con người.

Không có nỗi đau nào lớn hơn nỗi đau đánh mất cái đẹp!

Về kết cấu hình tượng, Một chiều giông gió đã xây dựng được những nhân vật, vừa có quan hệ tương phản, vừa có quan hệ bổ sung cho nhau. Trong đó, ngòi bút nhà văn tập trung khắc họa ba nhân vật chính: Tua, Hợi và Thoa. Về mặt nào đó, có thể xem cơn giông gió, con bướm vàng cũng là những nhân vật. Cơn giông gió buổi chiều, chiếc cầu vồng ngũ sắc tráng lệ, diễm ảo, con bướm vàng, người phụ nữ đẹp tên Thoa là những hình ảnh vừa có sự tiếp nối, vừa là sự bổ sung. Trong quan hệ tương phản, tiêu biểu nhất là nhân vật Tua và Hợi. Ma Văn Kháng đã dày công xây dựng hình tượng nhân vật Tua, nhân vật trung tâm của tác phẩm, theo chiều hướng tích cực, ngày càng bộc lộ chất nhân bản, nhân văn.

Ngược lại, nét tính cách hư đốn, thô lỗ của Hợi, qua ngòi bút của nhà văn, cũng càng lúc càng bộc lộ rõ hơn. Sau cơn giông chiều, khi Tua yêu cầu dọn bàn đá ra ngoài ăn uống cho đàng hoàng, nhân vật Hợi xuất hiện với “một mái đầu tổ quạ và một cái mặt tròn mảnh như đồng xu với hai con mắt rắn cùng với một câu hỏi nhiễm chút khó chịu”. Đây là tín hiệu ban đầu báo hiệu sự xung đột không sao tránh khỏi giữa Tua và Hợi mà thực chất là sự mâu thuẫn, xung đột giữa tư tưởng nhân văn và thái độ thô bỉ, phàm tục, hẹp hòi, đầy định kiến với người phụ nữ. Đến khi, con bướm vàng cánh nhung điểm những chấm tròn đen láy, từ đâu đó bay đến, Tua “bừng dậy, lâng lâng”, thì Hợi lại “cười khành khạch rất thô lỗ”, ném ra nhận xét, đó là “con bướm đực” “ranh ma quỷ quái”.

Té ra, cùng một hiện tượng nhưng mỗi người lại nhìn nhận theo cách riêng, tùy thuộc vào tâm hồn, tính cách của mình. Đến đây, Tua đã nhận ra: “Thì ra đã tồn tại một trạng thái đối đầu ngấm ngầm giữa Tua và anh chàng ba mươi tuổi, cao niên nhất đám thợ ở cung đường này”. Khi Tua, bằng một giọng trầm dịu xốn xang kể với Thoa về nỗi sợ từ thuở ấu thơ của mình khi nhìn thấy trăng, “một khối vàng tròn đầy, lơ lửng liền tụt khỏi tay bố, chạy tọt về nhà”; “Bây giờ cũng vậy, lúc ấy cũng thế. Không hiểu tại sao tôi lại bỏ chạy!” thì Hợi lại “bình phán và cười phá lên thô lỗ”.

Giữa Tua và Hợi đã xảy ra những “cuộc cãi cọ gay gắt”, “mắng mỏ, chửi rủa nhau”, “cuộc ẩu đả dữ dội” vì thái độ khác nhau đối với Thoa, vì chuyện biến mất cái nịt vú và bộ quần áo của Thoa. Tua yêu cầu Hợi “chấm dứt trò thô lỗ hạ đẳng ấy. Đó là bệnh hoạn, chứ yêu đương cái gì. Trả quần áo cho người ta!”. Khi Hợi không tiếc lời xúc phạm Thoa, cho rằng: “hạng ấy giỏi lắm cũng chỉ là cave hoặc gái bia ôm”, chỉ là bọn “phò phạch, bọn đĩ điếm” thì ngay lập tức Tua xông tới, “tay túm cổ áo gã trai bợm bãi, cùng với tiếng thét như vỡ họng, Tua vung nắm đấm…”. Lời nói và hành động của Tua là phản ứng quyết liệt với kẻ ngang nhiên xúc phạm Thoa, để bảo vệ danh dự và phẩm giá cho Thoa.

Bằng hình tượng nghệ thuật, Ma Văn Kháng đã phân tích đời sống, đã nói lên sâu sắc, thấm thía nỗi đau của con người khi đánh mất cái đẹp. Con bướm vàng lại xuất hiện, nó được tái sinh nhờ phép lạ, “vẫy cánh ra khỏi hộp kính và bay thẳng đến với những người ở cung đường này”. Nhưng tiếc thay, con bướm vàng không tìm được nơi đậu. Trên cái dây phơi bây giờ “Chỉ có mười hai bộ quần áo đàn ông, xanh bạc, cứng quèo, sặc mùi mồ hôi, tuyệt nhiên không một thoáng hương thơm”. Cũng như con bướm vàng không tìm được nơi đậu, Thoa cũng phải bỏ đi vì không tìm được nơi yên ổn. Không có Thoa, cuộc sống của những người công nhân lại quay về với nhịp sống cũ nhưng nặng nề hơn, uể oải hơn nữa, nhàm chán hơn nữa. “Cả đội mệt rã rời vì công việc, vì cái nóng lửa lò, vì bỗng nhiên thấy người cứ như bã nhủn ra, không còn hơi sức”.

Không có Thoa, cuộc sống của những người công nhân không có nơi liên kết, hội tụ. “Bốn bề trơ trống như thiếu nơi hội tụ. Cái dây phơi thưa thớt mấy chiếc áo, mấy cái quần đàn ông vắt xiêu vẹo, chăng chớ, ướt sũng nước”. Không có Thoa, Tua cũng như tất cả những người công nhân ở đây trở nên đổi khác, nhưng đổi khác theo một chiều hướng khác: “Tua đã chẳng còn là Tua hôm qua và bạn đồng nghiệp, những kẻ dưới quyền y cũng hoàn toàn giống y, kể cả Hợi, gã con trai hư đốn. Tuổi trẻ bỗng nhiên như rời bỏ họ…”. Thoa bỏ đi, Tua “mới nhận ra nỗi thống khổ đối với sự mất mát một hi vọng, sự thiếu vắng niềm vui với cái đẹp, còn muôn lần dai dẳng, đau đớn hơn, nếu so với cơn đói khát của dạ dày”, nếu so với nỗi đau đớn về thể xác.

Con người, để thật sự xứng đáng với danh hiệu cao cả, kiêu hãnh là CON NGƯỜI, nhu cầu với cái đẹp nhiều khi còn lớn hơn những cái khác, kể cả nhu cầu về vật chất. Không có nỗi đau nào lớn hơn nỗi đau đánh mất cái đẹp! Đánh mất cái đẹp là một trong những nỗi đau lớn nhất của con người. Đối với những con người mà cuộc sống đã quá đỗi cực khổ, lại không biết giữ gìn, trân trọng cái đẹp, đối xử thô bạo với cái đẹp, đánh mất cái đẹp, thì cuộc sống càng trở nên nhàm chán, chỉ còn trơ ra cái phần con tầm thường, thô bỉ. Khi Thoa vì bị đối xử thô bạo mà bỏ đi, những người công nhân như bừng tỉnh, nhận ra và thấm thía đến tận cùng tình cảnh của con người khi bị đánh mất cái đẹp. Thoa bỏ đi, Tua và những người thợ dưới quyền anh đều cảm thấy, “Tuổi trẻ bỗng nhiên như rời bỏ họ, một sớm mai trở dậy, tất cả đều rậm rì râu ria, già sọm hẳn đi. Ngày vui như một ánh chớp ngắn ngủi, như một cơn giông hạ nhiệt thoáng qua. Giấc mơ đã có ý tưởng, cuộc sống đã được đánh thức, nhưng đã tuột ra khỏi tay nắm. Tất cả đều là thật mà không sao nắm bắt được, vì nó là ánh sáng, là ngọn gió, là cái vô hình vô ảnh…”.

Thoa bỏ đi, Tua mới thấu hiểu vai trò, ý nghĩa của cái đẹp đối cuộc đời mỗi con người. Cuộc sống khi có cái đẹp sẽ lung linh, kì diệu, rực rỡ như chiếc cầu vồng ngũ sắc, nhưng khi mất nó thì cuộc sống sẽ biến thành địa ngục, không có gì tồi tệ hơn, tối tăm hơn. Tua lâm vào bi kịch của một con người bị đánh mất cái đẹp. Hai con mắt Tua “đỏ bầm như vừa bị ăn đấm. Y vung tay và giọng y bỗng trở nên hung dữ, cộc cằn vô cùng”. Tua chất vấn gay gắt mọi người lí do vì sao mà Thoa bỏ đi. Tua cho rằng việc Thoa bỏ đi, dù là vì lí do gì đi nữa, cũng là việc “Vô lí hết sức!”. Tua lên án những ai dám xúc phạm Thoa. “Rồi giữa cái im lặng của mọi người, y lệt sệt đôi chân trần trên sỏi đá, một mình đi giữa khoảng sân rộng. Đưa hai con mắt ra bốn bề mênh mông, bỗng như nhìn thấy cảnh tượng lạ lùng giông gió chiều nào, y giơ hai cánh tay gầy lên cao cất tiếng gào thật lớn, thật ai oán, não nề: “Các người có con mắt mà không có con ngươi! Các người mù lòa cả rồi! Mù lòa tất cả rồi! Mù lòa hết cả rồi!””.

Qua việc xây dựng hai nhân vật Tua và Hợi trong mối quan hệ tương phản và có tính cách đối lập với nhau, Ma Văn Kháng cất tiếng nói riêng, đối thoại, tranh luận với ý thức xã hội đầy thành kiến, định kiến với con người, nhất là đối với người phụ nữ. Tiếng gào lớn của Tua ở cuối tác phẩm là sự kết án nghiêm khắc đối với thái độ thiếu tôn trọng, đầy định kiến đối với con người. Từ trong trang sách của Ma Văn Kháng vang lên tiếng nói khẩn thiết: Phải khoan dung với con người! Tiếng gào lớn của Tua còn là nỗi đau tột độ của con người khi đánh mất cái đẹp của cuộc sống, là lời cảnh báo nghiêm khắc về một môi trường, hoàn cảnh sống cằn cỗi, khô khốc, phi nhân văn trở lại khi con người không biết nâng niu, giữ gìn và trân trọng cái đẹp. Tiếng gào thét lớn đó không chỉ hướng đến những con người cụ thể đang sống cùng với Tua mà còn hướng tới mọi người đang sống quanh ta; không chỉ vang vọng ở thời của Tua mà còn vang vọng đến bây giờ; không chỉ vang vọng ở thời đại chúng ta, mà còn vang vọng mãi đến muôn thuở, muôn đời.

*

“Một chiều giông gió” là một tác phẩm xuất sắc, in đậm cá tính sáng tạo, thể hiện sâu sắc một số phương diện chủ yếu của phong cách nghệ thuật truyện ngắn Ma Văn Kháng. Ma Văn Kháng là nhà văn yêu thích và trân trọng cái đẹp, nhạy cảm với cái đẹp, nhất là cái đẹp bị vùi dập. Trong Một chiều giông gió, Ma Văn Kháng đã nhìn thấy, đã phát hiện ra khát vọng về cái đẹp, khát vọng đầy tính nhân văn của con người trong một hoàn cảnh sống khắc nghiệt, cùng cực nhất. Nhà văn đã khám phá ra, chìm sâu bên dưới cái dòng đời ồn ào, xô bồ của cuộc sống hằng ngày là cái mạch ngầm, cái dòng chảy tự nhiên của cuộc đời, khi âm thầm, thao thiết, lúc mãnh liệt, ào ạt. Trong quan niệm của nhà văn, cái mạch ngầm, tự ngàn xưa cho đến bây giờ, cái mạch sống muôn thuở, muôn đời ấy chính là cái đẹp vốn tiềm tàng, ẩn sâu trong tâm hồn mỗi con người chân chính. 

Ma Văn Kháng là một cây bút truyện ngắn có năng lực nắm bắt, cảm nhận tinh tế bản chất đời sống; phóng khoáng, linh hoạt, đầy sáng tạo trong việc dựng cảnh, dựng người. Sự việc, cảnh vật và con người, qua ngòi bút ông hiện lên một cách tự nhiên, cụ thể, sinh động, thấm đượm cảm xúc. Từ trang đầu đến trang cuối của tác phẩm, nhà văn đắm mình trong tình huống, sống sâu sắc với nhân vật và run lên qua từng chi tiết. Ở truyện ngắn đặc sắc này, Ma Văn Kháng đã kết hợp hài hòa bút pháp hiện thực và bút pháp lãng mạn. Khi thì nhà văn dẫn con người vào thế giới bay bổng diệu kì, đầy huyền ảo; lúc khác, ông lại hướng con người tiếp cận với hiện thực trần trụi, nghiệt ngã, phơi bày hiện thực “cuộc sống đã ở trên mức khổ cực”. Ngòi bút sâu sắc và tài hoa của nhà văn đã khắc họa thành công những hình ảnh, nhân vật, tiêu biểu là hình ảnh cơn giông, hình ảnh con bướm vàng, các nhân vật Tua, Hợi và Thoa.

Qua ngòi bút như có ma lực của Ma Văn Kháng, hình ảnh cơn giông gió buổi chiều “đã hóa thân trở thành một cảnh tượng hoành tráng vô cùng”, “giải nồng xua tan oi nực, buồn bực, bứt rứt tích tụ cả ngày, cả tháng, cả đời người”, khiến cho “mặt ai nấy đều bừng dậy hoan hỉ” đã trở thành một biểu tượng về sức mạnh kì diệu của thiên nhiên có khả năng làm thay đổi đời sống tinh thần của con người. Thiên nhiên kì diệu có khả năng thức tỉnh, kích hoạt những mầm mống tươi sáng, nhân văn trong mỗi con người. Khi chiếc cầu vồng ngũ sắc tráng lệ, diễm ảo hiện ra, cái sân rạng rỡ ánh sáng huyền ảo, những người công nhân ùa ra. “Và tất cả như vừa bước ra khỏi cái vỏ bơ thờ, u oải thần trí bỗng trở nên quang minh sáng láng, cùng rổn rang nói cười”. Hình ảnh con bướm vàng, “cánh nhung điểm những chấm tròn đen láy, không hiểu từ cõi hoàn vũ nào đã tới đây bằng cách nào, cứ mỗi nhịp vỗ đôi cánh lớn như hai chiếc lá đa, lại tỏa ra một làn hào quang sáng dạng”, nhất là hình ảnh Thoa, đã trở thành những biểu tượng về cái đẹp, thể hiện niềm khao khát mãnh liệt, nhu cầu về cái đẹp của con người trong mọi hoàn cảnh. 

Một chiều giông gió thể hiện ngòi bút miêu tả và phân tích tâm lí khá tinh tế và sâu sắc của Ma Văn Kháng. Một trong những nét riêng của ngòi bút Ma Văn Kháng là ông “thường miêu tả tướng hình để thể hiện tính người, tình người” (Lã Nguyên). Với nhân vật Hợi, chỉ qua vài nét miêu tả: “mái đầu tổ quạ”, “cái mặt tròn mảnh như đồng xu”, “hai con mắt rắn”, “tiếng cười khành khạch rất thô lỗ”… cũng đã gợi lên phần nào tính cách của “một gã trai bợm bãi”, một “gã con trai hư đốn”. Diện mạo của Thoa, qua những nét vẽ của nhà văn, hiện ra với “mặt trái xoan tươi hồng, vai thon, ngực tròn, eo thắt, hông nở, đầy đặn nữ tính”, “cặp mắt đen láy”, “đôi tay nhỏ nhắn” là những biểu hiện của một người phụ nữ đẹp người đẹp nết, “kết tinh thành hình tượng một người đàn bà đẹp”.

Qua ngòi bút nhà văn, tâm lí của Tua hiện ra rõ nét và có cả một quá trình. Đó là một chàng trai hai mươi tám tuổi, cao một mét bảy mươi lăm, “đen cháy, sắt seo, sản phẩm đích thực của mảnh đất cằn khô, khắc nghiệt”, “vô cảm như ao không cá, như đá không màu, lì ra, như không thèm biết đến thời gian, hoàn cảnh”. Vậy mà, kì lạ thay, con người ấy khi gặp cơn giông gió buổi chiều như “nhận được một năng lượng để giải thoát mình ra khỏi cảnh tù đày chật hẹp”, bỗng trở nên một con người yêu đời, có tâm hồn rộng mở.

Do tác động của cơn giông gió, do sự xuất hiện của con bướm vàng, và nhất là sự xuất hiện của Thoa, là hiện thân, biểu tượng của cái đẹp, tâm lí nhân vật Tua được miêu tả phù hợp với từng sự kiện. Quá trình tâm lí đó diễn ra hợp lí, từ chỗ vô cảm chuyển sang bừng tỉnh khi gặp cơn giông, thực sự thức tỉnh trước sự xuất hiện của con bướm vàng, và nhất là khi Thoa xuất hiện, cuối cùng, rơi vào bi kịch khi Thoa bỏ đi. 

Một chiều giông gió tạo được sự kết hợp hài hòa giữa mạch kể và mạch tả, giữa phân tích, lí giải và trữ tình ngoại đề. Đọc Một chiều giông gió, không thể không nói đến tài năng ngôn ngữ của Ma Văn Kháng. Giọng văn Ma Văn Kháng khi thì đầy hào hứng, choáng ngợp, pha chút li kì; khi thì gay gắt, chát chúa; lúc lại êm dịu, nhẹ nhàng, đậm chất thơ; lúc lại say sưa tranh biện. Ma Văn Kháng có một vốn ngôn ngữ giàu chất tạo hình, khá đa dạng và phong phú. Có cảm tưởng, có lúc sức sống của ông như trút vào những từ ngữ. Người đọc có thể nhận ra hơi thở hào hển của ông, nhịp đập của trái tim ông, những xúc động, run rẩy của ông trong từng con chữ. Những ngôn từ, có lúc được đẩy lên tới cao trào, cuộn lên những lớp sóng dào dạt. Có lúc lại tinh tế, uyển chuyển, đằm sâu trong mỗi từ, trong từng câu văn.

Đọc Ma Văn Kháng, ta không chỉ bất ngờ trước tư tưởng sâu sắc, cái nhìn riêng về con người và cuộc đời mà còn thích thú với ngôn từ nghệ thuật đẹp, đa dạng, phong phú, ngồn ngộn chất đời sống của ông. Những truyện ngắn hay của Ma Văn Kháng thường có cái hồn lảng vảng, thấp thoáng hiện ra qua những hình tượng và biểu tượng độc đáo, đầy ám ảnh, đọng nhiều cảm xúc và suy ngẫm. Đó là sự kết tinh của một tâm hồn nhạy cảm và từng trải về sự đời, giàu suy tư và yêu tha thiết cái đẹp.

 

Nguồn: Tuần báo Văn Học Nghệ Thuật VN