Tác giả trẻ Nguyễn Đinh Khoa với truyện dài ‘Dị bản’ vừa được Hội Nhà văn TP.HCM trao giải thưởng văn học dành cho các cây bút dưới 40 tuổi.


Tác giả trẻ Nguyễn Đinh Khoa là một kiến trúc sư. Năm 2018, tác giả trẻ Nguyễn Đinh Khoa xuất hiện với tác phẩm “Độc hành” trong cuộc thi “Văn học tuổi hai mươi”. Gần đây, tác giả trẻ Nguyễn Đinh Khoa có thêm hai tác phẩm “Trở về một đứa trẻ” và “Con kiến xây” trước khi có truyện dài “Dị bản” được trao tặng giải thưởng văn học năm 2024 của Hội Nhà văn TP.HCM.

Với truyện dài “Dị bản”, tác giả trẻ Nguyễn Đinh Khoa chia sẻ: Tôi bắt đầu ấp ủ tác phẩm từ một ý niệm rất đơn giản là viết về những nỗ lực tội cùng của một kẻ từng bị bạo hành về mặt tinh thần muốn kết nối lại với người thân của mình. Từ bi kịch của một gia đình, tôi đặt nhân vật vào bức tranh của thời đại: dịch bệnh, sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo cho đến viễn cảnh diệt vong của con người. Chúng ta đang mất dần sự kết nối giữa con người với con người, và giữa con người với điều kiện sống xung quanh mình. Và giữa sự xoay chuyển của thế giới, họ học được những bài học, để tồn tại và được thấu hiểu”.

Truyện dài “Dị bản” có dung lượng 250 trang, chia làm 15 chương. Nhân vật chính của “Dị bản” là Phúc Giang, một kỹ sư cầu đường, trong lần nghiệm thu hiện trường thi công cây cầu dây văng thì xảy ra tai nạn sập dàn giáo của trụ cầu vừa mới thi công trước đó không lâu. Do bị va đập trong tai nạn nên khi rớt xuống sông, anh đã ngất đi. Phúc Giang được Frank, một tay bác học thiên tài cứu sống.

Khi tỉnh dậy và trở lại cuộc sống bình thường, Phúc Giang gần như ở trong trạng thái nửa tỉnh nửa mơ. Trong thời gian đó, những ký ức về gia đình và cuộc sống ở vùng quê sông nước lần lượt quay trở lại. Dư ảnh của quá khứ cùng những day dứt không có lời đáp về những người thân xung quanh khiến Phúc Giang khao khát muốn tìm thấy lời đáp.

Sự thật về con người của Phúc Giang dần được hé mở và những ký ức rời rạc lần lượt được ráp nối lại với nhau khi anh gặp EVIV, một cá thể được nhân bản vô tính. Từ đây anh bước vào một thế giới khác - một thế giới hiện đại và thông minh được Frank sáng tạo, nhằm chuẩn bị một đội ngũ hoàn toàn mới để thay thế loài người trên Trái đất. Một cuộc chiến âm thầm nhưng khốc liệt chuẩn bị bùng nổ từ đây...



“Dị bản” là câu chuyện trong một thế giới viễn tưởng không chỉ viết về tình yêu, tình thân và sự mất mát - những điều tất yếu mà bất cứ ai cũng phải trải qua, cũng như cô đơn là cái giá mà ta phải trả khi trưởng thành. Đây còn là một câu chuyện về vai trò và trách nhiệm của con người với thế giới mình đang sống. Tác giả trẻ Nguyễn Đinh Khoa dẫn dắt độc giả đối diện với những thách thức, hệ lụy của thế giới hiện đại như chiến tranh, môi trường, sự phát triển của trí tuệ nhân tạo… trong một giọng văn đầy cảm xúc.

Tác giả trẻ Nguyễn Đinh Khoa thổ lộ, anh đặt nhân vật vào hoàn cảnh, hay đúng hơn là viễn cảnh. Đối với “Dị bản”, thay vì tập trung vào nhân vật chính, anh chú trọng nhiều hơn vào việc xây dựng viễn cảnh cho tuyến nhân vật phụ để từ đó làm bật lên nhân vật chính. Và như thế, độc giả như xem một bộ phim với hai nửa màn hình, hai thước phim song song, và có thể chọn đứng ở một bên này để nhìn về nửa bên kia, hoặc ngược lại. Giữa một bên là thế giới đang bị tàn phá bởi con người, và một bên là một thế giới đang dần được xây dựng mới bởi trí khôn nhân tạo. Và giữa một bên là con người đang loay hoay trong nỗi đau đớn mất mát, và một bên là khí trôn nhân tạo muốn sống và được trải nghiệm như là con người. Vậy thì đâu là những đặc điểm riêng của nhân tính? Và chúng ta đã bao giờ cảm nhận là mình đang được sống hay chưa?

Ở tuổi 40 nhận được giải thưởng văn học của một tổ chức nghề nghiệp, tác giả trẻ Nguyễn Đinh Khoa bày tỏ: “Mẹ tôi có lần khuyên sao không thử viết gì đó tươi sáng hơn. Tôi không rõ văn của mình buồn như thế nào, nhưng có lẽ nỗi buồn làm người ta nhớ mình lâu hơn. Khi bắt đầu viết, tôi không chủ đích viết về nỗi buồn, nhưng có lẽ từ trong vô thức những trải nghiệm của mình đều dẫn đến những câu chữ như thế.

Tôi nghĩ, hiếm có nhà văn nào thực sự hạnh phúc, vì họ sẽ chẳng bao giờ viết khi họ hạnh phúc. Có thể ở những đoạn đời ngắn, họ vui. Còn với tôi, viết lách là một cách để thoát ly khỏi nỗi buồn, có thể tạm gọi là một liều thuốc xoa dịu những xây xát. Khi ta học cách viết xuống những nỗi đau của mình, thì nó cũng dần tan đi. Và đến một lúc nào đó, chúng chỉ còn là cảm giác về trải nghiệm mà thôi.

Văn học hay bất cứ loại hình nghệ thuật biểu đạt nào cũng hướng về con người, mà thông qua đó thế giới nội tâm của con người được biểu đạt ra bên ngoài, để con người được lắng nghe và được thấu hiểu. Tôi nghĩ giữa người viết và người đọc luôn cần có sự kết nối đó. Hơn ai hết thì người viết như tôi cũng được lắng nghe”.

                                                    NNVN