Nhà văn Văn Chinh nhắn nhủ Dạ Thảo Phương: “Bạn đã không
nói toàn bộ sự thật. Trong các bài viết xung quanh vụ Dạ Thảo Phương – Lương Ngọc
An, bạn đều nhân danh sự thật để tố cáo, đó là một lạm dụng quyền nhân danh vì
nhiều chủ ý nhưng tuyệt không có chủ ý vì sự thật”.
THƯ NGỎ GỬI DẠ THẢO PHƯƠNG
VĂN CHINH
Tôi không xưng “anh em” với bạn, vì rồi sẽ phải giải
thích rằng tại sao lại là “anh em” khi đã gấp gần hai lần tuổi nhau và rằng có
ngụ ý gì ... mặc dù, cho đến lúc này, tình anh em trong tôi vẫn còn. Tôi ngại
phải chứng minh rằng mình vô tội [chứng minh mình có tài, mình quan hệ trong sáng
với mọi nhà thơ đàn ông đàn bà...v.v.] và rất may rằng luật pháp đã cung cấp
free cho mọi công dân cái quyền ấy.
Dăm bảy năm trước, khi làm cuộc thi thơ của Tạp chí Nhà
văn & Tác phẩm, tôi nhớn nhác tìm bạn [số điện thoại] qua rất nhiều bạn
chung; tiếc là đã không tìm được để mời gửi thơ tham gia. Bởi vì, sau gần ba mươi
năm, trong ký ức tôi vẫn sáng bừng lên một hình ảnh: Anh sinh viên Nhật [có lẽ
cùng học? Hay đang đơn phương yêu bạn?] đã quỳ gối giữa sân vườn trong đám
tang, mặt hướng về linh cữu bà nội bạn, hướng và cúi đầu đẫy một buổi sáng. Hôm
ấy trời mưa, về trưa mưa tầm tã hơn.
Đúng như bạn nói, thời gian đã làm thay đổi nhiều người.
Nhưng, mượn cách nói của bạn, thời gian không thể thay đổi được sự thật. Nó chỉ
trợ giúp thói ăn gian, che giấu mặt này, dọi sáng hơn mặt nọ. Vì trong thời
gian có cái chết. Hai người trong số ba cán bộ chủ chốt báo Văn nghệ hồi ấy họp
giải quyết đơn tố cáo lần thứ ba của bạn đã chết. Bà Trưởng ban Văn nghệ Trẻ - đơn
vị chủ quản của hai bên đương sự thời điểm xảy ra vụ việc hiện đã cao tuổi, lại
trọng bệnh. Có thể bảo tôi quên tiệt mà không thể hoặc khả thể thì rất khó chứng
minh rằng bà ta không quên; nên đã hiên ngang tuyên bố, đại ý Im lặng lúc này có
nghĩa là đồng lõa với cái ác [xâm hại tình dục.] Nhưng những người nghe được câu
bà ta mắng bạn, đại ý: “Như cuốn băng ghi âm thì rõ ràng hai đứa có quan hệ [tình
nhân] cô tin cháu nên mới bênh vực cháu mà nay sự việc ra như này thì cháu bảo
cô ăn làm sao nói làm sao với mọi người bây giờ”, thì còn sống nhiều lắm, trẻ nữa,
họ còn sống lâu.
Thời gian giúp xóa nhiều chứng cứ, cuốn băng ghi âm bạn
đã rất trinh thám tạo ra cùng ba biên bản xung quanh ba lần họp giải quyết đơn
của bạn lưu tủ hồ sơ báo Văn nghệ đã mất nên bạn mới có thể hiên ngang thách thức
đưa ra chứng cứ chứng minh rằng Dạ Thảo Phương – Lương Ngọc An từng là một cặp
[1999 – 2002] Hẳn bạn tin rằng không ai dại gì mà chứng minh là CÓ hay KHÔNG một
sự việc bí mật, lại sau 24 năm, vì bảo CÓ thì sẵn sàng bị bạn tố cáo rằng đã vu
khống bạn.
Ở đây, tôi không bảo CÓ hay KHÔNG nhưng tôi để sẵn đây
lời hẹn, tôi sẽ nói CÓ hay KHÔNG có quan hệ bồ bịch giữa Lương Ngọc An - Dạ Thảo
Phương trước một phiên tòa hình sự xử tội vu cáo của Lương Ngọc An [nếu có].
Tại thư ngỏ này, tôi xin nói, tôi tin bạn đã không nói
TOÀN BỘ SỰ THẬT. Trong các bài viết xung quanh vụ Dạ Thảo Phương – Lương Ngọc
An, bạn đều nhân danh sự thật [viết hoa] để tố cáo, đó là một lạm dụng quyền nhân
danh vì nhiều chủ ý nhưng tuyệt không có chủ ý vì sự thật. Vì, như chúng ta đều
biết câu chuyện sự thật và 1/2 chiếc bánh mì!
Bạn cũng không hoàn toàn lên tiếng vì nỗi đau như bạn
nhân danh. Tôi chưa hề nói với bạn, nhưng vợ chồng tôi từng mấy lần nói với
nhau; chúng tôi thương xót bạn xung quanh vụ việc này hồi giao thời hai thiên
niên kỷ, đó là nỗi đau của bạn và nó cần được chia sẻ để bạn đỡ đau hơn. Anh chị
em báo Văn nghệ, anh chị em lãnh đạo và Văn phòng Hội Nhà văn Việt Nam cùng hết
thảy bè bạn chung của hai bạn đã cư xử như thế với nỗi đau của bạn.
Họ đã cư xử như các nhà văn trí thức chính nhân quân tử
trước nỗi đau của bạn. Bây giờ, họ bị những đồng thanh tương khí với bạn cạnh
khóe rằng đã im lặng = đồng lõa trước tội ác xâm hại tình dục là một sự vô ơn,
vu cáo tàn nhẫn. Có thể nào lại có nỗi đau cũ, gặp lại bạn bè cũ của nó, lại bị
nó chửi vỗ mặt là bọn mày đồng lõa với xâm hại tình dục không, có thể nào không?
Đằng khác, tôi nhớ rất rõ là Hữu Thỉnh + báo Văn nghệ
và lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam đã xử lý nghiêm minh, đúng quy trình Khen thưởng
Kỷ luật do Nhà nước ban hành về vụ Dạ Thảo Phương – Lương Ngọc An. Tổng biên tập
Hữu Thỉnh đã đuổi Lương Ngọc An khỏi báo Văn nghệ, hẳn nhiều người còn nhớ thái
độ, cơn phẫn nộ của Hữu Thỉnh xung quanh vụ việc này.
Lời văn miêu tả hành vi cưỡng hiếp bất thành được uyển
ngữ thành “gây rối trật tự” cơ quan là một biểu hiện của sự tế nhị trước nỗi đau
người bị xâm hại - đây là truyền thống Việt, là án lệ của người Việt xung quanh
tội hiếp dâm [nạn nhân, nếu có thể chỉ viết tắt tên họ và có thể không cần có mặt
tại tòa.] Nhưng ngay cả khi được uyển ngữ thành “gây rối trật tự” cũng không hề
đồng lõa cái ác, không bao che cho cái ác khi cùng với nó là hành động đuổi việc
đương sự. [Sau hai năm viết báo tự do, được Giải nhất bút ký Người câu cá ngừ của
báo Văn nghệ; Lương Ngọc An mới được ký Hợp đồng lao động với phòng Hành chính
của báo chuyên đi nhà in theo dõi in lịch sổ tay, không phải/ được theo dõi in
báo.]
Bây giờ, BCH Hội Nhà văn Việt Nam, Chủ tịch Nguyễn
Quang Thiều có quyền xem xét, phúc tra lại một vụ kỷ luật của hơn 20 năm trước
không? Nếu có, thì nên xử lý ở mức độ kỷ luật nào? Tôi không biết rõ, không có
thẩm quyền cũng như không có nghĩa vụ phải biết rõ. Nhưng tôi biết rõ, những đồng
thanh tương khí với Dạ Thảo Phương để quy kết rằng bổ nhiệm Lương Ngọc An làm
Phó tổng biên tập Tạp chí Nhà văn & Cuộc sống là đồng lõa, bao che tội hiếp
dâm là một đám đông quyền năng mà vô năng, không hiểu biết về pháp luật, bất cận
nhân tình và do đó, không hề đồng cảm với nỗi đau mà Dạ Thảo Phương muộn mằn cất
lên!
Bạn Dạ Thảo Phương quý mến,
Tôi trộm nghe, lời đồn dừng lại ở người thông minh.
Nay xin thêm, “và kẻ có lương tri.” Hôm qua, tại Lễ kết nạp hội viên 2024, nhà
văn mới Lưu Vĩ Lân nói tôi viết văn nên được sống nhiều kiếp người trong một đời
người, đó là phúc phần của tôi. Bạn cũng hay nói đến nhà văn và trí thức, nhưng
có lẽ quan niệm về nhà văn và trí thức của bạn khác tôi?
Tôi thì vẫn là học trò già của tri thức, học được rằng
TV nói giá điện ở Viêt Nam không cao hơn khu vực, vào loại thua xa các nước trên
thế giới. Tôi mang máng rằng hình như đúng. Họ chỉ sai khi không nói rằng, thu
nhập người trung lưu của Việt Nam là 10 triệu, của thế giới là 100 tr VND. TV
không cho người nghe biết rõ, ví dụ người Việt trả 2,5 tr tiền điện mỗi tháng là
đủ tiền ăn cho 1 người/ tháng, là trả hết 1/4 lương tháng cuả anh ta. Còn 1 người
trung lưu Mỹ, họ nhận lương tháng 100 tr VND, nên nếu chi 2,5 tr VND thì họ chi
cho tiền điện là 1/ 40 lương và chỉ bằng 1/ 4 tiền ăn mỗi tháng cho 1 người
trung lưu Mỹ.
Vâng, nhà văn mà bất cận nhân tình, trí thức mà tin vào
1/2 sự thật và giá 1 kW điện ở Việt Nam thua xa 1 kW điện ở các nước phát triển
thì thế nào nhỉ, Dạ Thảo Phương?
Chúc sức khỏe và hạnh phúc năm mới.
Nguồn: Facebook Văn Chinh