Họa sĩ Bùi Tiến Tuấn tổ chức triển lãm cá nhân lần thứ 12 có tên gọi ‘Một hành trình’ vào sáng 22/2 tại TP.HCM, với bộ sưu tập nhiều chất liệu và nhiều đề tài khác nhau.
Họa sĩ Bùi Tiến Tuấn định vị trong lòng công chúng bằng sở trường vẽ tranh lụa. Từ cuối thập niên đầu tiên của thế kỷ 21, vài họa sĩ cùng thế hệ Bùi Tiến Tuấn đã có công giúp hồi sinh và canh tân tranh lụa Việt Nam. Với dấu ấn ấy, tên tuổi Bùi Tiến Tuấn được mặc định với tranh lụa, cũng là điều dễ hiểu.
Thế nhưng nhìn lại hành trình 30 năm sáng tác, họa sĩ Bùi
Tiến Tuấn không chỉ có tranh lụa, mà còn có tranh sơn dầu, giấy dó, sơn mài, gần
đây là tranh acrylic khổ lớn. Hơn nữa, họa sĩ Bùi Tiến Tuấn không chỉ có chủ đề
thiếu nữ thị thành, phù phiếm, yêu kiều, mà còn có phong cảnh Hội An thơ mộng,
hiện thực đường phố trần trụi, tinh thần hậu biểu hiện và cả trừu tượng. Ở bất
kỳ chất liệu nào hoặc đề tài nào, họa sĩ Bùi Tiến Tuấn cũng tỏ rõ sự sung mãn,
quyến rũ và đặc biệt là giữ được bản sắc, phong cách cá nhân.
Họa sĩ Bùi Tiến Tuấn thổ lộ, sau triển lãm “Nguyệt sáng
gương trong” vào năm 2021, khi cùng cộng đồng đi qua đại dịch Covid-19, anh đã
chiêm nghiệm và thay đổi. Anh thấy mình như sống chậm lại hơn với những chiêm
nghiệm về đời sống, đặc biệt là cuộc sống thị thành sôi động đương thời. Trong
anh luôn có hồi tưởng về ký ức với những sáng tác suốt thập niên 1990 và những
năm đầu thiên niên kỷ. Những hình ảnh hồi tưởng không ngừng đan xen với những
thước phim về đô thị phồn hoa chuyển động liên tục trong tâm tưởng, thôi thúc
anh dùng ngôn ngữ nghệ thuật để biểu lộ cái thế giới đang căng đầy tâm hồn mình.
Với “Một hành trình” diễn ra tại Nhà trưng bày triển lãm
TP.HCM, họa sĩ Bùi Tiến Tuấn mong muốn giới thiệu thêm nhiều khía cạnh khác của
anh. Ngoài một Bùi Tiến Tuấn của “tân mỹ nhân” trên lụa, mọi người sẽ thấy Bùi
Tiến Tuấn của thời kỳ hậu sinh viên với sự trăn trở về hiện thực thị thành cùng
những “hình nhân đường phố”. Nghĩa là công chúng sẽ được nhìn thấy nhiều mảng
ghép hơn, toàn cảnh hơn về hành trình sáng tạo của họa sĩ Bùi Tiến Tuấn.
Nhà văn – họa sĩ Nguyễn Thị Châu Giang với tư cách một đồng
nghiệp, chia sẻ: “Ba mươi năm chơi với nhau, tôi thấy tính cách của Bùi Tiến Tuấn
vẫn như ngày đầu. Vẫn là sự hồn hậu, trong sáng, thuần khiết mà đáng lẽ trải
qua bể dâu, so đo tính toán của cuộc đời, thường sẽ bị thay đổi. Có lẽ nhờ thế
mà màu sắc trong tranh của Bùi Tiến Tuấn vẫn luôn đẹp và trong veo”.
Nhà nghiên cứu Lý Đợi nhận lời làm giám tuyển cho triển
lãm “Một hành trình”, đánh giá: “Phụ nữ trong tranh Bùi Tiến Tuấn thường không
có dấu vết của nông thôn và nông nghiệp, mà thường là dân thị thành, chuộng thời
trang, đôi khi hơi phù phiếm, thụ hưởng. Họ yêu mến và đề cao bản thân, tự lập
trong suy nghĩ và hành vi của mình. Vì tự lập nên nỗi niềm, sự hân hoan, thậm
chí sự cô đơn của họ cũng rất khác với những người phụ nữ lao động, tảo tần vì
cuộc sống. Vì vậy mà bảng màu tranh lụa Bùi Tiến Tuấn cũng khác, thời trang
hơn, tân kỳ hơn, tạo được sự phá cách”.
Những ai đã quen thuộc với tranh lụa Bùi Tiến Tuấn, không
thể nào che giấu sự ngạc nhiên khi xem triển lãm “Một hành trình”. Nhà phê bình
Nguyễn Thanh Sơn bày tỏ: “Có một đô thị ẩn giấu trong tranh của Bùi Tiến Tuấn,
một đô thị mà ta không nhìn thấy nhà cửa hay ánh đèn, nhưng lại cảm nhận được
nhịp sống của nó qua từng nhân vật. Phụ nữ trong tranh của anh là hiện thân của
đô thị ấy: họ vừa đẹp đẽ, quyến rũ, lại vừa mang một chút gì đó xa cách và mơ hồ.
Không còn là những dáng hình e ấp, khép nép, phụ nữ trong tranh anh xuất hiện với
sự tự tin, những ánh nhìn xa xăm nhưng đầy kiểm soát, và rất nhiều tư thế gợi cảm
nhưng không dung tục. Họ tô son, họ kẻ lại mi mắt, họ chìm trong những khoảnh
khắc rất riêng tư nhưng lại để cho người xem một cảm giác như đang đứng ngoài
khung cửa sổ, dõi theo một bí mật nào đó.
Cái tài tình của Bùi Tiến Tuấn nằm ở việc anh không
"gói gọn" người phụ nữ trong bất kỳ một định nghĩa nào. Họ vừa hiện
thực, vừa siêu thực. Có lúc họ như bước ra từ một giấc mơ, lúc khác lại mang
dáng dấp của những người bạn gái, người vợ, người tình, thậm chí những cô gái
trong quán bar mà ta đã từng gặp đâu đó. Anh tôn vinh vẻ đẹp của họ, nhưng cũng
để lại khoảng trống đủ lớn để người xem tự lấp đầy những suy tưởng của mình.
Nhưng không thể không nhận thấy một sự phản kháng âm thầm của những gương mặt
phụ nữ ấy, những “gái hư” của thời hiện đại trong tất cả cái vẻ xa cách và
thách thức của họ”.
Ở góc độ khác, nhà sưu tập Đỗ Tú Anh khá hào hứng: “Tạo
hình của Bùi Tiến Tuấn, vừa ngọt ngào và phóng khoáng, lại vừa lãng mạn và
đương đại. Những nhân vật nữ của anh, vừa nữ tính và tinh nghịch, vừa phồn thực
và ngây thơ. Không có một khuôn khổ nào khi anh lựa chọn góc nhìn cho người ngắm
tranh. Bùi Tiến Tuấn ấn tượng và cảm hứng với mọi khoảng khắc bất chợt trong
chuyển động của người con gái, như anh chụp được một khoảng khắc thoáng qua.
Ngắm một triển lãm của Bùi Tiến Tuấn như ngắm vô số chuyển
động nhanh và hào hứng, vui nhộn tới mức trạng thái khỏa thân đầy tế nhị hầu
như biến mất. Không một gợi cảm tính dục nào làm xao động tâm trí, những nhân vật
của anh như vô số nàng tiên thuần khiết trong vườn địa đàng, trước khi thủy tổ
của chúng ta ăn trái táo. Cảm giác duy nhất là dòng nhựa sống chảy tràn, làm hồng
cả những đôi má u sầu nhất.
Trái ngược với chất liệu lụa thường nền nã và gợi chi tiết,
Bùi Tiến Tuấn chọn một phong cách thủy mặc, đối lập một cách tao nhã trên nền đồ
họa. Mô tả thịt da với những nét bút thủy mặc dứt khoát, thường thấy trong những
ký họa giấy dó, từ các bậc cha chú của làng hội họa, đến đám sinh viên mỹ thuật
hào hứng với khám phá khỏa thân”.
NNVN