Nhà văn Đỗ Bích Thúy chọn
lối kể chuyện từ tốn. Những nhân vật được gọi ngắn gọn là Pháng, Thào, Xây hoặc
những nhân vật được gọi đầy đủ như Hầu Nhìa Thò, Vừ Mí Tủa, Cháng A Sình lần
lượt đi qua “Hoa xuân trong gió xuân” vừa sinh động vừa gần gũi.
Tập truyện ngắn “Hoa xuân
trong gió xuân” được họa sĩ Lê Thiết Cương chăm chút mỹ thuật, trang nhã và
sang trọng. “Hoa xuân trong gió xuân” về hình thức là một quý bà đô thị, nhưng
về nội dung lại là một sơn nữ vùng cao. Không gian Đông Bắc được nhà văn Đỗ
Bích Thúy phác thảo bằng những mảnh ghép nho nhỏ của nhiều số phận đồng bào dân
tộc thiểu số.
Có tổng cộng 19 truyện
ngắn, “Hoa xuân trong gió xuân” có ba truyện “Chiếc hộp khảm trai”, “Gió
thoảng” và “Đàn bà đẹp” rơi khỏi mạch cảm xúc chung của toàn tập. Có lẽ vì một
lý do nào đó, hoặc một kỷ niệm nào đó, tác giả đưa ba truyện ngắn mang chất liệu
miền xuôi này bên cạnh 16 truyện ngắn đậm đà hương vị miền ngược, như một phần
quà khuyến mãi. Giá trị cộng thêm ấy, giống như thực khách xì xụp quanh nồi
thắng cố lại được tặng bánh mì phô mai.
16 truyện ngắn chủ đạo của
“Hoa xuân trong gió xuân”, không có tình huống nào gay cấn, cũng không có chi
tiết nào độc đáo. Vậy mà, từng truyện ngắn vẫn lôi cuốn người đọc, vẫn để lại
dư âm thú vị cho người đọc. Kỹ thuật điêu luyện chăng? Cũng không, mỗi truyện
ngắn đều cấu trúc đơn giản. Vậy bí quyết của nhà văn Đỗ Bích Thúy nằm ở đâu?
Thưa rằng, nằm ở chính tình yêu vùng cao Đông Bắc luôn chất chứa trong trái tim
tác giả.
Nhà văn Đỗ Bích Thúy sinh
ra và lớn lên ở Hà Giang. Chị học đại học báo chí và có mấy năm lang thang khắp
các huyện Vị Xuyên, Bắc Mê, Quản Bạ, Đồng Văn, Mèo Vạc, Xín Mần... để viết các
loại bài phản ánh đúng chất truyền thông. Tuy nhiên, từng ngọn đồi, từng cánh
rừng, từng ánh mắt, từng lầm lỡ, từng hắt hiu... không đưa lên trang báo thì
nằm lại lòng chị mà thành văn chương.
Ba truyện ngắn “Sau những
mùa trăng”, “Ngải đắng ở trên núi” và “Đêm cá nổi” đoạt giải nhất cuộc thi
truyện ngắn Văn Nghệ Quân Đội năm 1999, đã tạo điều kiện cho Đỗ Bích Thúy nhập
cư Hà Nội và bây giờ chị đã đeo lon thượng tá quân đội. Trở thành công dân Thủ
đô, chị cũng từng viết về cuộc sống phố phường, như tiểu thuyết “Cửa hiệu giặt
là” nhưng không ấn tượng lắm. Sở trường của chị vẫn là đề tài miền núi, từ
truyện ngắn kiểu “Tiếng đàn môi sau bờ rào đá” đến tiểu thuyết kiểu “Lặng yên
dưới vực sâu”.
Dường như khoảng cách địa
lý giữa nhà văn Đỗ Bích Thúy và Hà Giang càng giúp chị thêm thấu hiểu và thêm
gắn bó những cảnh vật và những con người mảnh đất địa đầu Tổ quốc. Vì vậy, “Hoa
xuân trong gió xuân” được chị viết khá nhẹ nhàng mà vẫn quyến rũ. Chị cũng
không cần dụng công đặt tên cho mỗi tác phẩm, cứ đại khái những cái tựa vu vơ
như “Máy xay ngô”, “Mẹ kế”, “Khách quý”, “Người yêu”, “Mèo đen” hoặc “Ấm nước
đang sôi”, “Đi qua ngày sang đêm”, “Cạnh bếp có cái muỗi gỗ”. Thậm chí, lấy một
địa danh “Há Khó Cho” làm tên tác phẩm.
Cách đặt tên truyện ngắn
của nhà văn Đỗ Bích Thúy ở tập “Hoa xuân trong gió xuân” không thể hiện sự dễ
dãi hay sự tùy tiện, mà thể hiện sự tự tin. Thứ nhất, chị tự tin mình đã có
thương hiệu, không thèm làm hãng mỹ ký và càng không cần khua chiêng gióng trống
quảng cáo. Thứ hai, chị tự tin chất lượng câu chuyện mình chia sẻ. Chị viết về
vùng cao Đông Bắc như kể về tâm sự của chị, về máu thịt của chị, về tài sản của
chị, thì đâu cần đãi bôi rào đón và đâu cần phấn son diêm dúa.
Nhà văn Đỗ Bích Thúy chọn
lối kể chuyện từ tốn. Những nhân vật được gọi ngắn gọn là Pháng, Thào, Xây hoặc
những nhân vật được gọi đầy đủ như Hầu Nhìa Thò, Vừ Mí Tủa, Cháng A Sình lần
lượt đi qua trang văn Đỗ Bích Thúy, vừa sinh động vừa gần gũi. Đó là những con
người miền núi bình thường mang vẻ đẹp lương thiện.
Mùa xuân Ất Tỵ đọc “Hoa
xuân trong gió xuân”, không chỉ thấy một tài năng văn chương chín muồi ở tuổi
50 của nữ tác giả Đỗ Bích Thúy, mà còn cảm nhận được một vùng cao Đông Bắc
nhiều đổi thay. Một vùng cao Đông Bắc với những địa danh Lũng Phìn, Dìn Sán, Mò
Só Tủng hiển lộ "Hoa xuân trong gió xuân" không còn lầm lũi và gieo
neo giữa các hủ tục, bởi gia đình Tày đã biết kinh doanh homestay, bởi cô gái
Mông đã biết theo đuổi hạnh phúc cá nhân.
TUY HÒA