Khai bút đầu năm luôn mang lại một tâm trạng mới mẻ cho người sáng tạo ở các lĩnh vực nghệ thuật, nhưng mùa xuân Ất Tỵ mấy ai dám vẽ rắn thêm chân?


Khai bút đầu năm gần như một mỹ tục của giới văn nghệ. Mặc dù, cũng có nhân vật nghĩ khác, ví dụ thi sĩ Đông Hồ (1906-1969) khảng khái: “Làm chi năm một lần khai bút/ Bút đã khai từ thiên địa khai”.

Khai bút đầu năm, có người chọn ngày hoàng đạo, có người chọn giờ hoàng đạo. Tuy nhiên, phần lớn chọn ba ngày tết để khai bút đầu năm, vì ai cũng tin rằng mùng một, mùng hai hoặc mùng ba đều tạo ra không gian kích hoạt đam mê sáng tạo trong lành nhất, thánh thiện nhất, đậm đà nhất.



Giới văn chương khai bút đầu năm theo kiểu giới văn chương, còn giới hội họa cũng có cách khai bút đầu năm của giới hội họa. Tết Ất Tỵ, dĩ nhiên cảm hứng để khai bút là vẽ linh vật của năm mới.

Con rắn vốn xuất hiện trong dân gian bằng những truyền thuyết khá ly kỳ. Được tán tụng nhiều nhất là các câu chuyện “rắn báo oán”. Vậy mà, khi hình tượng rắn xuất hiện trong bài thơ chữ Nôm “Rắn đầu biếng học” thuở niên thiếu của danh nhân Lê Quý Đôn (1726-1784) thì mọi người bỗng có một quan niệm khác về loài động vật này: “Chẳng phải liu điu cũng giống nhà/ Rắn đầu biếng học lẽ không tha/ Thẹn đèn hổ lửa đau lòng mẹ/ Nay thét mai gầm rát cổ cha/ Ráo mép chỉ quen tuồng lếu láo/ Lằn lưng cam chịu vệt dăm ba/ Từ nay Trâu, Lỗ xin siêng học/ Kẻo hổ mang danh tiếng thế gia”.



Tết Ất Tỵ, một tinh thần “rắn đầu biếng học” phong cách hội nhập quốc tế, đã được các họa sĩ Việt khai bút đầu năm rất sinh động. Các con rắn qua nét vẽ Đặng Mậu Tựu, Lê Thiết Cương, Lê Trí Dũng, Đỗ Ngọc Dũng uốn lượn cùng các con rắn qua nét vẽ Nguyễn Quang Thiều, Ngô Xuân Khôi, Hoàng A Sáng đã tạo nên vẻ đẹp mùa xuân 2025 nhiều màu sắc rực rỡ tương lai.

                                               NNVN