Lấy cảm hứng từ bài thơ “Nguyên tiêu” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ năm 2003 đến nay, Ngày Thơ Việt Nam tổ chức vào rằm tháng giêng trở thành sự kiện văn hóa quen thuộc với công chúng.


Trước khi tinh thần “kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên” thúc đẩy Ngày Thơ Việt Nam phổ biến toàn quốc, thì nhiều địa phương cũng đã có phương pháp tôn vinh thi ca. Đêm thơ Nguyên Tiêu ở Phú Yên hình thành từ năm 1981, còn Ngày Thơ Quảng Ninh ra đời năm 1988. Cho nên, mùa xuân Ất Tỵ, Ngày Thơ Việt Nam chung của cả nước tổ chức lần thứ 23 thì Ngày Thơ Việt Nam ở Phú Yên lên tuổi 45 và Ngày Thơ Việt Nam ở Quảng Ninh lên tuổi 38.

Có sứ mệnh cầm trịch Ngày Thơ Việt Nam, mỗi năm Hội Nhà văn Việt Nam đưa ra một chủ đề, và các tỉnh nương theo thiết kế sân chơi riêng. Nếu Ngày Thơ Việt Nam 2025 được Hội Nhà văn Việt Nam chọn chủ đề “Tổ quốc bay lên” (dựa theo câu thơ “Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân” của nhà thơ – liệt sĩ Lê Anh Xuân) thì Ngày Thơ Việt Nam ở Đồng Tháp có chủ đề “Đất sen hồng cất cánh bay lên” và ở Đắk Lắk có chủ đề “Đắk Lắk bay lên cùng đất nước”.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên trò chuyện với các nhà thơ tại Ngày Thơ VN 2025.


Câu hỏi đặt ra, sau 23 năm thực hiện, Ngày Thơ Việt Nam đã thực sự trở thành một lễ hội thi ca thu hút sự chú ý của công chúng chưa? Câu trả lời sòng phẳng là chưa. Thời gian hơn hai thập niên dường như không đúc kết được kinh nghiệm gì cho một số tỉnh, nên có nơi Ngày Thơ Việt Nam chỉ diễn ra cho có lệ, đầy miễn cưỡng và tẻ nhạt. Lý do gì, người Việt đã hết yêu thơ chăng? Không phải. Muốn có một Ngày Thơ Việt Nam hấp dẫn đám đông, đòi hỏi có đủ ba yếu tố, thứ nhất là nhân lực, thứ hai là tài chính và thứ ba là địa điểm. Cả ba yếu tố này cộng hưởng với nhau, mà chỉ cần thiếu một yếu tố thì giá trị Ngày Thơ Việt Nam sẽ chênh vênh ngay.

Về nhân lực, một số tỉnh chỉ có vài tác giả thơ, không thể tạo ra một chương trình đầy đặn, nên bù đắp bằng các tiết mục ca khúc truyền thống. Về tài chính, với kinh phí vài chục triệu đồng thì không thể dàn dựng một không gian thu hút đám đông. Về địa điểm, ngoài tỉnh Phú Yên có di tích Núi Nhạn ngay thành phố Tuy Hòa và tỉnh Quảng Ninh có di tích Núi Bài Thơ ngay thành phố Hạ Long, thì nhiều tỉnh khác chỉ tổ chức trong một hội trường khép kín, không thể nào có được một sự kiện khai thác tối đa phẩm chất thi ca và đặc thù văn hóa địa phương.

Ngày Thơ VN ở Đắk Lắk.


Ngày Thơ Việt Nam do Hội Nhà văn Việt Nam đăng cai luôn vượt trội Ngày Thơ Việt Nam ở các nơi, vì có đủ ba yếu tố nói trên. Sau khi đưa thơ vào Văn Miếu, Hội Nhà văn Việt Nam trong hai năm 2023 và 2024 đã đưa thơ vào Hoàng Thành Thăng Long và mời đạo diễn Lê Quý Dương triển khai sân khấu hóa rất ấn tượng. Năm nay, Hội Nhà văn Việt Nam đưa Ngày Thơ Việt Nam về tỉnh Ninh Bình và tổ chức chương trình chính ở Nhà hát Phạm Thị Trân (thành phố Hoa Lư) có sức chứa khoảng 700 người. Nghĩa là, “Tổ quốc bay lên” về sức lan tỏa không thể nào so sánh với “Sông núi trên vai” ở Văn Miếu năm 2019 hoặc “Bản hòa âm đất nước” ở Hoàng Thành Thăng Long năm 2024.

Ngày Thơ Việt Nam luôn gồm hai phần, “lễ” và “hội”. Phần “lễ” dành cho giới cầm bút và phần “hội” dành cho công chúng. Nơi nào ban tổ chức cảm thấy tự tin đều xây dựng phần “lễ” với một cuộc tọa đàm về thi ca. Mọi năm trước, tọa đàm chỉ có Hà Nội và TP.HCM, thì năm nay khá nhiều địa phương cũng mạnh dạn tổ chức tọa đàm. Ví dụ, tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức tọa đàm “Thơ Việt Nam 50 năm sau ngày đất nước thống nhất”, còn tỉnh Đắk Lắk tổ chức tọa đàm “Thơ ca Việt Nam và Đắk Lắk – 50 năm sau ngày thống nhất đất nước”. Nói chung, phần “lễ” hơi khô khan và mang tính chuyên môn riêng biệt, nên người yêu thơ chủ yếu quan tâm phần “hội”.

Có thể khẳng định, phần “hội” sẽ quyết định thành bại của Ngày Thơ Việt Nam. Bởi lẽ, dùng hình tượng để đánh giá, thì thi ca giống như tuấn mã, nhưng công chúng đến Ngày Thơ Việt Nam không có mục đích tìm kiếm thiên lý mã, mà muốn xem ngựa vằn. Do đó, lễ hội thi ca cần cả dáng ngựa lẫn nét vằn. Dáng ngựa không hiếm, nhưng nét vằn phải có sự đầu tư. 

Nữ sĩ Ba Lan đoạt giải Nobel văn học Wisława Szymborska​​ từng cảm thán “làm thơ là nghề không ăn ảnh một cách tuyệt vọng”. Nếu các nhà thơ thay phiên nhau đọc thơ kiểu ngẫu hứng trên một sân khấu tạm bợ, thì Ngày Thơ Việt Nam chỉ có giới làm thơ quây quần với nhau. Để lôi kéo công chúng, Ngày Thơ Việt Nam phải có bàn tay một tổng đạo diễn, để đưa ra ý tưởng trình diễn, để xâu chuỗi các tiết mục, sao cho thật hấp dẫn. 


Nhà thơ Hoài Vũ tại Đường Thơ "Bài ca thống nhất".


Với một dân tộc có truyền thống thi ca, thì Ngày Thơ Việt Nam là một nỗ lực góp phần đa dạng và phong phú thêm thói quen thụ hưởng văn hóa cho người Việt Nam. Thế nhưng, sau những rộn ràng lễ hội, Ngày Thơ Việt Nam sẽ vô nghĩa, nếu người làm thơ không ý thức sâu sắc hơn trách nhiệm nghề nghiệp của mình. 

Từ Ngày Thơ Việt Nam, vẻ đẹp thi ca phải gần gũi hơn với cộng đồng, xóa nhòa những sang hèn và nối gần những xa lạ. Thi ca đã đồng hành lịch sử non sông, thi ca đã theo chân tiền nhân những ngày khẩn hoang mở cõi, thi ca đã cùng cha ông xông pha bom đạn đánh đuổi ngoại xâm, thì nhà thơ hôm nay không thể vẩn vơ bao vần điệu du dương tán tụng riêng tư. 

Từ Ngày Thơ Việt Nam, công chúng có quyền đòi hỏi nhiều hơn sự cống hiến, sự suy tư ở từng người làm thơ, để mỗi tác phẩm có ý nghĩa một biên bản tâm hồn như Nguyễn Du từng nhắc nhở “Ngổn ngang trăm mối bên lòng/ Nên câu tuyệt diệu ngụ trong tính tình”./.

                                                   LÊ THIẾU NHƠN