Nhà thơ Dương Kỳ Anh, người khơi mở cuộc thi Hoa hậu Việt Nam, vừa qua đời ở tuổi 77 vào sáng 25/2 tại Hà Nội, sau một thời gian chống chọi bệnh hiểm nghèo.

Nhà thơ Dương Kỳ Anh có tên khai sinh là Dương Xuân Nam, quê quán Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Trong thời gian làm Tổng Biên tập báo Tiền Phong, nhà thơ Dương Kỳ Anh đã có công xây dựng thương hiệu cuộc thi Hoa hậu Việt Nam. Ông làm Trưởng ban tổ chức kiêm Trưởng ban giám khảo của cuộc thi Hoa hậu Việt Nam từ năm 1988 đến năm 2008.

Cứ hai năm một lần, cuộc thi Hoa hậu Việt Nam dưới sự cầm trịch của nhà thơ Dương Kỳ Anh đã tôn vinh những nhan sắc rực rỡ mà bây giờ công chúng vẫn nhớ tên như Bùi Bích Phương, Nguyễn Diệu Hoa, Hà Kiều Anh, Nguyễn Thu Thủy, Nguyễn Thiên Nga, Nguyễn Ngọc Khánh, Phan Thu Ngân, Nguyễn Mai Phương, Nguyễn Thị Huyền, Mai Phương Thúy, Nguyễn Thùy Dung…

Được mệnh danh là “ông trùm” Hoa hậu Việt Nam, nhà thơ Dương Kỳ Anh chia sẻ: “Với tôi, cuộc thi hoa hậu Việt Nam năm 1992 diễn ra ở TP.HCM là một trong những cuộc thi đáng nhớ. Nhà thi đấu Phan Đình Phùng chỉ có hơn 4000 chỗ ngồi nhưng khán giả muốn vào xem có hàng vạn người, tạo ra cơn sốt vé bùng nổ. Ban đại diện báo Tiền Phong ở đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa bị vây kín, mọi người phải trốn lên tầng ba vì vé đã bán hết mà dòng người vẫn đổ về không ngớt... Lần đó ban tổ chức phải mắc loa mấy điểm ở ngoài hội trường nhà thi đấu Phan Đình Phùng để người dân có thể đứng ngoài theo dõi...

Đêm trình diễn đầu tiên có một thí sinh đẹp nổi trội, hơn cả Hà Kiều Anh và Vi Thị Đông, Ban giám khảo bảo nhau lần này đã tìm thấy hoa hậu rồi. Bỗng sáng hôm sau tôi nhận được một lá thư nặc danh nói cô này đã có con, tuy chưa lập gia đình. Như vậy là vi phạm quy chế thi hoa hậu. Tôi liền cử người của báo cùng đại diện chính quyền và công an phường đi kiểm tra...Thì đúng như đơn tố cáo, người đẹp đã có một đứa con nhỏ. Phải thuyết phục mãi, người đẹp mới chịu nhận lời xin rút khỏi cuộc thi”.

Ngoài sự thành đạt trong nghề báo, nhà thơ Dương Kỳ Anh cũng là một gương mặt được chú ý trong giới văn chương. Tập thơ đầu tay của Dương Kỳ Anh có tên gọi “Và anh đợi” xuất bản năm 1978, khi ông tròn 30 tuổi. Tuy nhiên, sau ngày từ giã vị trí Tổng Biên tập báo Tiền Phong năm 2008, ông mới dồn hết tâm huyết cho viết lách.

Khi đương chức, nhà thơ Dương Kỳ Anh có tiểu thuyết “Xuyên Cẩm” tái dựng một giai đoạn cam go của nông thôn Bắc Trung bộ mà ông từng chứng kiến. Nghỉ hưu, ông làm một khu nhà vườn ở Sóc Sơn, Hà Nội và miệt mài sáng tác: “Ta phơi áo mỏng cùng sương núi/ Nắng dệt tằm tơ tấm lụa mềm/ Bát cơm chan ánh trăng vàng rượi/ Ta- người thơ của chốn điền viên”.

Nhà thơ Dương Kỳ Anh quan niệm: “Thời nào, ở đâu cũng vậy, không có tài thì không thể trở thành nhà văn theo nghĩa đích thực của từ này. Nhưng chỉ tài chưa đủ. Càng ngày, tôi càng tâm đắc với thi hào Nguyễn Du khi ông viết “chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”. Văn chương nghệ thuật không có sản phẩm trung bình. Nhà văn lớn phải là một nhà văn hóa lớn. Phải sống thế nào trong cuộc đời mới có thể sáng tạo ra một cuộc đời khác trong văn chương”.

Tính từ năm 60 tuổi đến khi trút hơi thở cuối cùng, nhà thơ Dương Kỳ Anh ra mắt 18 tác phẩm, bao gồm thơ, truyện ngắn, phê bình và tiểu thuyết. Thậm chí, ông còn trình bày những suy ngẫm cá nhân thành cuốn sách “Minh triết của tôi” với nhiều ưu tư:Xưa nay viên mãn trên quyền lực là con đường dẫn đến tàn hại. Ở đâu có quyền lực, ở đó có người đến luồn cúi. Quyền lực của những người không có quyền lực chính là quyền lực tối thượng, quyền lực của nhân dân. Quyền lực của nhân dân nằm trong pháp luật, quyền lực của mỗi người chính ở lương tâm”.

Mùa xuân Ất Tỵ, nhà thơ Dương Kỳ Anh hoàn thành bản thảo tập truyện ngắn “Mỹ nhân và cháo hành Thị Nở”. Khi tác phẩm này chưa rời khỏi nhà in, thì ông đã rời khỏi dương gian. Những bài thơ viết trên giường bệnh của ông vẫn dạt dào tình yêu cuộc sống Bao mùa cây lúa đâm bông/ Bao nhiêu mưa nắng ngoài đồng em ơi/ Bao nhiêu thế kỷ qua rồi/ Câu chèo ngọt miệng vẫn lời riêng em”.

                                                          TUY HÒA