Tôi thường gặp nhà biên kịch Đào Phương Liên mỗi khi Hội
Điện ảnh Hà Nội tổ chức tọa đàm hay đi trại sáng tác. Thú thực, mỗi khi gặp và
quen một ai đó, tôi chẳng bao giờ hỏi: “Bố chị là ai?” hay “Mẹ chị tên là gì?”.
Bởi vậy, khi được biết nhà biên kịch Đào Phương Liên là con gái thứ hai của nhà
thơ Lê Đạt, tôi không khỏi ngỡ ngàng.
Nhà thơ Lê Đạt tên thật là Đào Công Đạt, sinh năm
1929, quê gốc ở thôn Á Lữ, một thôn nhỏ “bên kia” sông Thương, nay là tổ dân phố
Á Lữ, phường Trần Phú, TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang. Vốn quê gốc là thế nhưng
ông lại sinh ra và lớn lên ở Yên Bái, gần bến Âu Lâu, một bến sông nổi tiếng thời
kháng chiến chống thực dân Pháp.
Năm 12 tuổi, nhà thơ Lê Đạt được gia đình cho về Hà Nội,
theo học Trường Bưởi (Trường THPT Chu Văn An hiện nay). Cậu thiếu niên quê Bắc
Giang, sinh ra ở Yên Bái và theo học ở Hà Nội ấy dường như được “tận hưởng” những
giá trị văn hóa “đa vùng miền” nên ngay từ nhỏ đã tỏ ra có năng khiếu thơ ca.
Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, như bao trí thức yêu nước
khác, ông Đạt hào hứng tham gia cách mạng: “Tôi đi kháng chiến, chủ yếu hoạt động
trong ngành tuyên huấn. Năm 1949, tôi về công tác tại Ban Tuyên huấn của Ban Chấp
hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Năm 1952, tôi chuyển hẳn về Hội Văn nghệ
Việt Nam và bắt đầu cuộc đời sáng tác của nhà văn chuyên nghiệp” (Trích tiểu sử
nhà thơ Lê Đạt).
Trong kháng chiến, ông Đào Công Đạt làm công tác tuyên
huấn và hình như bút danh Lê Đạt xuất hiện trên văn đàn từ những ngày tháng đó!
Tôi hỏi nhà biên kịch Đào Phương Liên: “Chị có biết gì về bút danh Lê Đạt?”.
Nhà biên kịch Đào Phương Liên lắc đầu, chị sinh năm
1959 (đúng vào cái năm trường ca “Cửa hàng Lê Đạt” ra đời và sau đó sóng gió đến
với cuộc đời văn nghiệp của Lê Đạt khi ông bị tước danh hiệu hội viên Hội Nhà
văn Việt Nam trong vụ Nhân văn - Giai phẩm, nên dĩ nhiên cô bé Đào Phương Liên
chẳng hiểu câu chuyện “đấu tranh chống Nhân văn - Giai phẩm” là như thế nào.
Thuở đi học, cô trò nhỏ Đào Phương Liên không hề biết
và cũng không tin bố mình là nhà thơ Lê Đạt chỉ bởi một suy nghĩ đơn giản mình
họ Đào thì bố cũng phải họ Đào và ông đã nói không có bút danh khi con gái khai
lý lịch, dù đôi khi có người hỏi thăm hoặc xa xôi nhắc tới vì trong nhà đến một
cuốn sách, một tờ báo cũng không có.
Thậm chí, cho đến tận năm 1975, nghe bạn bè xì xào về
trường ca “Cửa hàng Lê Đạt” “vướng” gì đó với “chiến dịch” cải tạo công thương ở
Hà Nội, cô bé ngẩn ngơ đứng ngắm tấm biển ghi mã số cửa hàng 9 Lãn Ông nhà mình
và vẫn không thể liên tưởng được ông bố hiền lành rất nông dân, cười to nói to
của mình với ông nhà thơ có “vấn đề” về tư tưởng kia!
Nhà thơ Lê Đạt hay Đào Công Đạt lấy người vợ đầu hồi
ông tham gia cải cách ruộng đất. Bà tên Nguyện, một phụ nữ đầy nhiệt tình với
cách mạng và là cán bộ cốt cán của phong trào cải cách ruộng đất. Bà Nguyện,
theo lời kể của người bà con bên nhà biên kịch Đào Phương Liên, thì đó là một
“cô gái chân quê” đậm nét với răng nhuộm đen, đầu vấn khăn. Về sống giữa Thủ đô
hoa lệ nên “vẻ quê” của bà Nguyện dường như không thích hợp và khó hòa đồng với
họ hàng gia đình nhà chồng. Có lẽ, vì thế nên bà Nguyện đã chủ động chia tay với
nhà thơ Lê Đạt sau thời gian rất ngắn chung sống.
Cuộc chia tay của đôi vợ chồng vốn rất bình thường
nhưng dạo đó lại gây sóng gió bởi có nhiều người cho rằng nhà thơ Lê Đạt “ruồng
rẫy cô vợ quê mùa”. Ông bị “chụp mũ” về chuyện đó rất nhiều, trong cơ quan và
trong các “cuộc họp”, nhà biên kịch Đào Phương Liên kể: “Chuyện bố tôi lấy mẹ
tôi là diễn viên Thúy Thúy (Nguyễn Thị Thúy), cũng bị coi là “có vấn đề”, là vi
phạm đạo đức vì họ cho rằng bố tôi “mê sắc bỏ bần”.
Thế là chuyện tưởng nhỏ lại trở thành trầm trọng. Nhất
là khi bài thơ “Nhân câu chuyện mấy người tự tử” đăng trên Báo Nhân dân số 822
của ông đã gây sóng gió suốt thời kỳ Nhân văn - Giai phẩm, bài thơ có thể hiểu
là sức phản kháng mãnh liệt của nhà thơ đối với chế độ phong kiến ấu trĩ, ngăn
cấm tự do luyến ái, can thiệp vào đời tư của con người, khởi đi từ những sự kiện
có thật trong đời Lê Đạt. Rồi đến bài thơ “Ông bình vôi” của Lê Đạt ra đời với
những câu thơ: “Những kiếp người sống lâu trăm tuổi/ Y như một cái bình vôi/
Càng sống càng tồi/ Càng sống càng bé lại” thì quả là “tai ương” lớn, bởi người
ta suy diễn này nọ.
Nhà biên kịch Đào Phương Liên kể: “Bố tôi sống rất đơn
giản và chất phác, nhất là hay cười to. Điều đó khiến tôi không thể tin bố tôi
là một nhà thơ nổi tiếng, không thể tin bố tôi là một người có vấn đề. Vả lại,
lúc đó tôi cũng chưa hề được đọc câu thơ nào của bố”. Chị Liên cười: “Sự hồn
nhiên của ông trong cuộc sống khiến tôi không tin những điều người ta phán xét
ông! Và, có đến chục thầy cô là người cùng phố rồi bạn bè bố luôn nhắc tôi phải
kính trọng yêu mến bố vì ông là người tử tế, tốt lắm, giỏi lắm”.
Thuở ban đầu vợ con nhà thơ Lê Đạt chỗ ở không có, chị
Liên cho hay: “Mẹ tôi phải bế con ở nhờ nay nhà người này mai nhà người khác,
nhiều nhất là ở nhờ nhà bác Trần Dần. Những đêm con quấy khóc, sợ ảnh hưởng đến
gia đình mình ở nhờ, mẹ tôi thường bế con ra đường để dỗ. Chính những đêm ngoài
phố đó, mẹ tôi tình cờ gặp được một chú bộ đội trẻ. Nghe chuyện nên chú ấy rất
cảm thông, giao chìa khóa ngôi nhà bỏ không của mình cho mẹ tôi.
Sau đó, bà nội bảo mẹ tôi dọn đến ở số 9 phố Lãn Ông,
một căn nhà bỏ hoang đã 10 năm để giữ nhà cho người bạn của bà vì sợ bị thu khi
cải tạo. Nhưng, cũng chỉ có mấy mẹ con tôi, mãi sau bố mới về sum họp cùng gia
đình. Hiện mẹ tôi vẫn sống ở đó, chị em chúng tôi hằng ngày qua lại chăm lo đỡ
đần mẹ”.
Cho mãi đến năm Đổi mới thì cô con gái Đào Phương Liên
mới chính thức được biết cha mình, ông Đào Công Đạt là nhà thơ Lê Đạt. Chị Liên
bảo: “Năm 1989, khi tôi sinh con gái đầu lòng, thấy con quấy khóc mà tôi chẳng
biết cách nào dỗ con nín khóc và ru cho con ngủ. Tôi vốn thích thơ Nguyễn Bính
nên tìm mua thơ Nguyễn Bính rồi ê a ngâm ru con ngủ. Bố tôi tình cờ ngang qua
nghe thấy thì nói: “Bố cũng là bạn của nhà thơ Nguyễn Bính đấy”. Tôi hơi bất ngờ
vì xưa nay có thấy bố tôi đọc thơ bao giờ đâu. Tôi đã nghĩ: Chắc bố nói vậy cho
vui thôi”.
Khi bố mình được phục hồi hội viên Hội Nhà văn Việt
Nam, Đào Phương Liên đã hỏi bố: “Chắc ngày xưa bố cũng phải có gì sai sai thì
giờ mới được “phục hồi” chứ?”. Nhà thơ Lê Đạt cười hóm hỉnh: “Có lẽ người ta phục
hồi nhầm”. Chị Liên nghe bố nói vậy cũng chẳng hiểu “nhầm” ở câu nói của bố là
“nhầm” cái gì.
Phải đến năm 1994, khi tập thơ “Bóng chữ” của nhà thơ
Lê Đạt được xuất bản, cùng với các tác phẩm khác của các nhà thơ Nhân văn -
Giai phẩm thì chị mới thực sự tin bố mình là nhà thơ.
Chị Liên bảo: “Bố tôi đã quyết định công bố các tác phẩm
của mình, đó là những suy ngẫm, tìm tòi, trải nghiệm được bố tôi viết trong thời
gian bị “treo bút”. Lúc này, tôi mới biết là bố tôi vẫn “âm thầm” viết và đó đều
là những tác phẩm “cách tân” thơ, điều mà bố tôi theo đuổi từ năm bố tôi mới 20
tuổi”.
Ông đã viết: “Chia xa rồi anh mới thấy em/ Như một
thời thơ thiếu nhỏ/ Em về trắng đầy cong khung nhớ/ Mưa mấy mùa, mây mấy độ
thu/ Vườn thức một mùi hoa đi vắng/ Em vẫn đây mà em ở đâu/ Chiều Âu Lâu bóng
chữ động chân cầu”. (bài thơ “Bóng chữ” này đã được nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc
thành bài hát cùng tên).
“Năm 2007 nhà thơ Lê Đạt được trao Giải thưởng Nhà nước
về Văn học nghệ thuật cùng với Trần Dần, Phùng Quán, Hoàng Cầm, thì lúc đó bố
tôi đã già rồi. Nhưng, cũng may, trước khi ông mất, danh hiệu Giải thưởng Nhà
nước là món quà ông kịp nhận. Năm 2008 bố tôi mất, tôi tin ông thanh thản sau tất
cả những sóng gió văn nghiệp”.
NGUYỄN TRỌNG VĂN
Nguồn: Văn Nghệ Công An