Sức khỏe Nguyễn Thụy Kha khá nguy kịch, đang được điều trị ở Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Tôi không muốn đưa hình ảnh Nguyễn Thụy Kha héo úa và bất động giữa chằng chịt dây nhợ hỗ trợ níu kéo sự tồn tại dương gian. Tôi muốn mọi người chỉ nhớ đến hình ảnh Nguyễn Thụy Kha luôn rộn ràng, quảng giao và hoạt ngôn.
Nguyễn Thụy Kha rời khỏi biên chế từ năm 1990, mà không
phải đợi bất kỳ đợt tinh gọn sốt ruột hay phen sáp nhập lâm ly nào. Ông hành
nghề tự do để mưu sinh, nên đôi lúc chấp nhận khua môi múa mép mua vui cho những
kẻ có tiền và những kẻ có quyền.
Chính hoàn cảnh ấy, hình thành ở Nguyễn Thụy Kha khả năng
vận dụng chữ nghĩa khéo léo để đu bám thời sự và chiều chuộng thời thế, một cách
uyển chuyển. Cho nên, số người yêu Nguyễn Thụy Kha cũng nhiều và số người ghét
Nguyễn Thụy Kha cũng lắm.
Tôi không yêu cũng không ghét Nguyễn Thụy Kha, dẫu tính
cách khác biệt. Vì giữa chúng tôi có những người bạn chung Thanh Tùng, Đỗ Nam
Cao, Nguyễn Thế Khoa, Lê Quân… Vì tôi biết, sau những cuộc rượu xuyên trưa xuyên
chiều thì nửa đêm Nguyễn Thụy Kha bật dậy chong đèn để viết bù lại thời gian
rong chơi.
Dù yêu dù ghét thì Nguyễn Thụy Kha vẫn là một nhân vật
có thương hiệu, có đẳng cấp. Những kẻ cầm bút tầm thường thích ăn theo đề tài được
ưu ái đầu tư hòng kiếm chút lợi ích, không thể nào so kè với Nguyễn Thụy Kha.
Thẩm mỹ thiên bẩm của Nguyễn Thụy Kha bị dàn trải và bị
pha loãng, vẫn đều đặn cho ra tác phẩm trên mức trung bình. Có thể nêu những tác phẩm được
Nguyễn Thụy Kha gọi là “trường ca ngắn”, như “Lòng chảo” viết về Điện Biên Phủ,
“Cực sóng” viết về tàu không số trên biển, “Biến tấu Souliko” viết về nữ liệt sĩ
Đặng Thùy Trâm, “Màu Quảng Trị” viết về bom đạn 81 ngày đêm bảo vệ thành cổ năm
1972, “Hà Nội tháng chạp nóng” viết về trận B52 ném xuống phố Khâm Thiên, “Gió
Tây Nguyên” viết về giai đoạn mở màn giải phóng miền Nam, hoặc “Mùa xuân trắng”
viết về chiến dịch chống lại bọn diệt chủng Pol Pot…
Dù yêu dù ghét thì Nguyễn Thụy Kha vẫn là một nhân vật có đóng
góp cho đời sống văn hóa Việt Nam suốt mấy chục năm qua. Nhìn bề ngoài, Nguyễn
Thụy Kha đa tài đa nghệ, được gọi bằng nhiều danh xưng. Nhìn thực chất, ca khúc
Nguyễn Thụy Kha không đáng kể, văn xuôi Nguyễn Thụy Kha cũng hời hợt. Gọi cho chính
xác, Nguyễn Thụy Kha là nhà thơ kiêm nhà nghiên cứu tân nhạc Việt Nam.
Về thơ, khi không làm dáng và quên trình diễn, thì Nguyễn
Thụy Kha có được những câu thơ song hành số phận mình: “Giật cửa tận đền đài/
Chiến tranh/ Lôi con người ra ngoài yên tĩnh/ Một thế hệ chợt rùng mình thành lính…/
Một thế hệ hiến dâng trọn vẹn, hiến dâng vô danh/ Cắn chặt răng không khóc/ Cháy
thành lửa, tắt thành vuông cỏ mọc/ Chín muộn như không thể chín tự nhiên” và có
được những câu thơ sẻ chia cộng đồng lương thiện: “Cứ thế gió chà đi xát lại/
Trên Tây Nguyên chiều cao trần trụi/ Để tìm ra trung thực con người”.
Về nghiên cứu tân nhạc Việt Nam, Nguyễn Thụy Kha chịu
khó tìm hiểu và trí nhớ siêu phàm. Trừ vài giây phút bốc đồng, Nguyễn Thụy Kha giống
như một Google khi muốn tham khảo dữ liệu về nhạc sĩ nào đó, ca khúc nào đó
trong dòng chảy non một thế kỷ tân nhạc Việt Nam. Thậm chí, Nguyễn Thụy Kha còn
tường tận hoàn cảnh sáng tác của mỗi nhạc sĩ và chủ thể cảm hứng của từng ca khúc.
Khi Nguyễn Thụy Kha đã nằm trên giường bệnh ở tuổi 76,
thì công chúng bỗng xót xa trước một sự thật: Trong vòng một, hai thập niên nữa
cũng chưa chắc có một Nguyễn Thụy Kha thứ hai, đủ tầm thêm hương thêm vị cho những
câu chuyện hậu trường âm nhạc Việt Nam.
Nguyễn Thụy Kha đã có được
những tháng ngày la đà phóng túng, theo đúng sở nguyện của ông. Một
ngày Sài Gòn hiu hiu nắng, nghĩ đến Nguyễn Thụy Kha, càng thương hơn những câu
thơ ông viết từ năm 1977: “Đưa người yêu qua nhà người yêu cũ/ Rơi cơn mưa ban
trưa/ Chợt thấy mình tách thành hai nửa/ Nửa ướt bây giờ, nửa ướt xa xưa”.
LÊ THIẾU NHƠN