Di sản hội họa của vua Hàm Nghi được Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế tổ chức tại không gian điện Kiến Trung, với tên gọi ‘Trời, Non, Nước’.
Di sản hội
họa của vua Hàm Nghi gồm 21 tác phẩm, được quy tụ từ 10 bộ sưu tập tư nhân, thực
sự khiến giới yêu tranh thích thú. Bởi lẽ, ít ai ngờ, vua Hàm Nghi trong những
năm tháng lưu đày viễn xứ lại thể hiện được một phẩm chất nghệ sĩ đắm đuối và
tài hoa.
Quyết định
đưa di sản hội họa của vua Hàm Nghi trưng bày tại điện Kiến Trung vừa được phục
chế rực rỡ, những nhà tổ chức cho rằng, chuyến hồi cố của các tác phẩm nghệ thuật
được sáng tác bởi vua Hàm Nghi tại Đại nội Huế không chỉ là một cuộc hội ngộ đầy
xúc cảm giữa nghệ thuật và lịch sử, mà còn là lời tri ân sâu lắng gửi đến vị
vua bị lưu đày nhưng không lạc mất hồn quê.
Các bức
tranh của vua Hàm Nghi được ký bút hiệu Tử Xuân (con trai của mùa xuân) từng xuất
hiện trên thị trường mỹ thuật Pháp và được các nhà sưu tập Việt Nam săn lùng để
mua lại. Có mặt tại triển lãm “Trời, Non, Nước”, tiến
sĩ Amandine Dabat là hậu duệ đời thứ năm của vua Hàm Nghi chia sẻ: “Rất ít
người Việt biết rằng vua Hàm Nghi còn là một nghệ sĩ và được các đồng nghiệp tại
Pháp công nhận. Ông học điêu khắc với danh họa Auguste Rodin và đã nhiều lần
triển lãm tác phẩm lúc sinh thời. Tài liệu lưu trữ cá nhân của ông, cũng như
báo chí lúc bấy giờ, đều có thể chứng minh sự quan tâm từ các nghệ sĩ Pháp đối
với các tác phẩm của ông”.
Tiến sĩ
Amandine Dabat từng có công trình nghiên cứu về vua Hàm Nghi với tên gọi “Hoàng
đến lưu vong, nghệ sĩ ở Alger” được xuất bản tại Pháp. Cuốn sách “Hoàng đế lưu
vong, nghệ sĩ ở Alger” hé lộ cuộc đời và tác phẩm của vua Hàm Nghi, thông qua
hơn 2.500 lá thư, bản nháp, giấy tờ cá nhân.
Vua Hàm
Nghi (1871-1944) tên thật là Nguyễn Phúc Ưng Lịch. Vua Hàm Nghi là vị hoàng đế
thứ tám của triều Nguyễn. Vua Hàm Nghi từ nhỏ sống cảnh thanh bần trong dân dã
với mẹ, chứ không được hưởng phú quý như hai người anh ruột ở trong cung đình. Ngày
2/8/1884, tại điện Thái Hoà, Nguyễn Phúc Ưng Lịch 13 tuổi được hai phụ chính đại
thần là Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường phò tá lên ngôi, lấy hiệu Hàm Nghi.
Khi ngồi
lên ngai vàng, vua Hàm Nghi đã chủ trương chống lại sự đô hộ của Pháp. Sau cuộc
tấn công đồn Mang Cá thất bại vào tháng 7/1885, vua Hàm Nghi ban chiếu Cần
Vương tại vùng rừng núi Tân Sở (nay thuộc thôn Mai Đàn, xã Cam Chính, huyện Cam
Lộ, tỉnh Quảng Trị) bày tỏ tấm lòng son sắt với non sông: “Nước ta gần đây bỗng
gặp nhiều việc. Trẫm tuổi trẻ nối ngôi, không lúc nào nguôi nghĩ đến tự cường tự
trị”.
Tinh thần
bất khuất trước ngoại xâm của vua Hàm Nghi lúc ấy được ghi nhận trong cuốn
“L’Empire de l’Annam” xuất bản bằng tiếng Pháp: “Tên của ông ấy đã trở thành ngọn
cờ của nền độc lập quốc gia. Từ Bắc chí Nam, đâu đâu dân chúng cũng nổi lên
theo lời gọi của ông vua xuất hạnh”.
Đáng tiếc,
phong trào Cần Vương không được như ý nguyện của vua Hàm Nghi. Ngày 25/11/1888,
vua Hàm Nghi bị Pháp đưa xuống tàu ở Lăng Cô để bắt lưu đày. Ngày 13/1/1889,
vua Hàm Nghi đến thủ đô Alger của Algérie, và mãi mãi không được trở lại cố
hương. Tâm trạng ấy được vua Hàm Nghi thể hiện qua những vần thơ: “Nước tan,
nát cả giống nòi/ Bình minh vấy máu, cuộc đời tang thương/ Rồng quằn quại giữa
chiến trường/ Chàng tuổi trẻ đấng quân vương sáng ngời/ Lớn trong đau đớn nỗi
người/ Mở ra cả một chân trời vô biên”.
Di sản hội
họa của vua Hàm Nghi có ý nghĩa cả về lịch sử lẫn văn hóa. Tiến sĩ Amandine
Dabat bày tỏ: “Tranh của ông là di sản gia đình, giúp chúng tôi tiếp cận được
tâm hồn nghệ thuật của tổ tiên. Là một nhà sử học nghệ thuật, tôi ngưỡng mộ
công trình của ông vì ông là nghệ sĩ Việt đầu tiên được người Pháp đào tạo, trước
khi Trường Mỹ thuật Đông Dương ra đời. Vua Hàm Nghi bị lưu đày từ năm 18 tuổi,
kéo dài trong 55 năm. Nghệ thuật là cách ông thể hiện cảm xúc của mình.
Chúng ta
có thể cảm trong tranh của ông nỗi nhớ quê hương, nỗi đớn đau của cuộc sống lưu
đày. Nhưng vua Hàm Nghi cũng muốn thể hiện tình yêu với vẻ đẹp thiên nhiên. Ngắm
nhìn và vẽ thiên nhiên là cách ông tìm ý nghĩa cho cuộc sống của mình. Tôi
không nghĩ vua Hàm Nghi vẽ để truyền tải một thông điệp nào đó. Ông vẽ cho
chính mình, để nhớ lại, để thể hiện cảm xúc. Hơn nữa, ông chưa bao giờ bán tác
phẩm, chỉ thỉnh thoảng tặng cho bạn bè”.
Ở góc độ
chuyên môn, nhà nghiên cứu mỹ thuật Ace Lê đánh giá về ý nghĩa của triển lãm đặc
biệt: “Cựu hoàng vẽ cảnh nhưng thật ra là vẽ tình, cả tình riêng và tình chung.
Đây là lý do tôi quyết định đặt tựa "Trời, Non, Nước” cho triển lãm, lấy cảm
hứng từ tứ thơ của Bà Huyện Thanh Quan. Vua Hàm Nghi là ví dụ tiên phong và điển
hình cho lối tiếp cận giao thoa mỹ thuật Á - Âu, tiếp thu mà không hòa tan, vẫn
giương cao được ngọn cờ bản sắc theo cách riêng của mình. Trong nền kinh tế vị
Tây phương và vị thị trường, vua Hàm Nghi và các tác phẩm của ngài đã bị phủ bụi
một thời gian dài, và bây giờ là lúc chúng ta cần kể lại câu chuyện bằng chính
ngôn ngữ và góc nhìn bản địa, như đức vua đã từng làm hơn một thế kỷ trước”.
NNVN