Văn học để
làm gì?
PHAN ĐĂNG
Mấy ngày
hôm nay, câu hỏi này cứ vang lên trong tâm trí tôi một cách ngỡ ngàng. Dĩ
nhiên, ở nhà trường phổ thông hơn 20 năm về trước, tôi đã phải làm những đề văn
như thế, nhưng bây giờ có lẽ tâm trí tôi muốn rà soát lại. Thật ra tôi nhận ra
trong khoảng 1 năm trở lại đây, có rất nhiều vấn đề tưởng là “tất, lẽ, dĩ, ngẫu”
luôn được tâm trí tôi mời dậy, rà soạt lại và tái sáng tạo một cách trong sáng,
không định kiến.
Từ nhiều
năm nay, kể cả hồi còn làm báo “bận tưởng chết đi được”, luôn có một thói quen
mà không bao giờ tôi từ bỏ, đó là tháng nào cũng phải mua và đọc tất cả các
truyện ngắn trên tạp chí Văn nghệ Quân Đội. Trong quan điểm thẩm mĩ của riêng
tôi (tuyệt đối không dám so sánh với người khác), đây vẫn là ngôi đền văn
chương số 1 Việt Nam đương đại. Những truyện ngắn ở đây luôn được chọn lựa khắt
khe, kỹ lưỡng. Các anh biên tập viên sống cùng bản thảo đến từng câu, từng chữ,
và thường gợi mở cho tác giả những đề xuất sửa chữa thông minh. Tôi không viết
điều này một cách võ đoán, mà viết trên tâm thế của một người đã từng nhiều lần
cộng tác với Văn nghệ Quân Đội, và thấy rằng những truyện ngắn của mình sau khi
được các biên tập viên cao tay của tạp chí này xử lý đều như lột xác. Nhiều năm
gắn bó với chữ nghĩa, tôi biết chắc chắn là không phải toà soạn nào cũng có tiềm
năng và nhân lực xứng tầm để làm điều đó. Mỗi truyện ngắn trên tạp chí do vậy đều
có một sức gợi rất lớn. Và việc mỗi tháng một lần được chạm vào những văn bản
đó, sống với sức gợi mênh mang phát ra từ đó luôn là một sở thích không thể bỏ
qua của tôi. Có thể nói, tôi sống với văn học đương đại chủ yếu qua Văn nghệ
Quân đội.
Khoe một
chút thói quen văn chương cá nhân, giờ trở lại với một câu hỏi mà tôi muốn trả
lời nó một cách trong sáng nhất: Vật rốt cuộc văn học tồn tại để làm gì?
Theo tôi,
đầu tiên là để chúng ta biết thêm, thậm chí là có thể bước vào những cuộc đời
khác. Mỗi chúng ta đều chỉ có một cuộc đời để sống. Ta biết rõ về cuộc đời ấy.
Ta cũng có thể biết rõ về những cuộc đời xung quanh chúng ta: bố mẹ ta, anh chị
em ta, bạn bè đồng nghiệp của ta. Có thể với một số lượng người nào đó, biết thể
là đủ rồi. Họ không có nhu cầu biết thêm, nên không có nhu cầu bước vào văn học.
Không sao cả. Đấy là câu chuyện của họ, chúng ta cần tuyệt đối tôn trọng, không
phán xét.
Nhưng có một
sự thực: dù chúng ta có quan hệ xã hội bao la đến thế nào chăng nữa thì cái biết
trực quan cũng luôn có những giới hạn.Với cái biết trực quan ấy, làm sao ta hiểu
được cuộc đời của những người sống cách mình 50 năm, 100 năm, vài trăm năm. Mà
ngay cả khi ta có thể lờ mờ biết thì sự rung cảm của ta với cái biết ấy cũng đầy
giới hạn. Văn học hoá giải 2 giới hạn này. Văn học vừa giúp chúng ta biết, vừa
khiến chúng ta, ở những cấp độ khác nhau, phụ thuộc vào từng tính cách khác
nhau, rung cảm với cái biết. Ta đang sống trong một thời đại mà việc yêu một ai
đó rồi tổ chức đám cưới với một ai đó là chuyện rất bình thường. Làm sao ta biết
được rằng khoảng 80 năm trước thôi, trong nạn đói 1945 ở Việt Nam, người ta có
thể đi nhặt vợ như nhặt một món đồ giữa chợ. “Vợ nhặt” – một tác phẩm kinh điển
của Kim Lân cho ta biết điều đó. Thả mình vào thế giới của “Vợ nhặt”, biết về một
đêm tân hôn được bao bọc bởi mùi tử khí rờn rợn và tiếng khóc người ch.ê.t, ta
sẽ rùng mình nghĩ về sự sống, cái c.he.t, và đường biên giới mong manh của nó.
Ta sẽ nghĩ về cái hạnh phúc trong tột cùng khốn khổ của đồng bào mình trước
đây.
Và tới
đây, có thể rất nhiều vấn đề tinh thần của ta lập tức được hoá giải. Có thể ta
nghĩ rằng mình đang rất đau khổ, rồi cứ thế phóng đại nỗi đau khổ, thảm hoạ hoá
tất cả những gì diễn ra xung quanh. Không! Văn học nói với ta rằng, trong kiếp
người tàn tạ, ta không phải là người khổ nhất như mình vẫn tưởng đâu. Phong phú
hoá đời sống tinh thần giúp ta đối diện và giải quyết vấn đề của mình một cách
khôn ngoan, bình tĩnh hơn. Vì thế chăng mà những đứa trẻ sớm được làm quen với
văn chương, lớn lên với văn chương luôn có thể (chỉ là có thể thôi nhé, vì
không ai dám chắc điều gì) trở thành những con người giàu nội lực hơn so với những
đứa trẻ chỉ có Iphone, Ipad?
Có một nhà
thơ nọ, khi đối diện với giai đoạn bi kịch nhất của đời người đã từng nói: “Có
những lúc tôi vịn câu thơ mà đứng dậy”. Thật may cho ông, vì những lúc đó, ông
đã có thơ để vịn vào. Như vậy, văn chương không chỉ thoả mãn cái biết, không chỉ
tập rượt năng lực rung cảm, mà còn có chức năng cứu rỗi con người.
Để tránh mọi
tranh cãi không đáng có, tôi muốn nói thêm, chức năng này không phổ cập. Tức là
nó chỉ có thể cứu rỗi những người thực sự rung cảm với nó, biết tựa vào nó và
có năng lực để tựa vào nó. Những người không có năng lực này sẽ không thấy bất
cứ sự cứu rỗi nào, dù có thể dùng cả cuộc đời để sống với văn chương.
Bây giờ
tôi sẽ kể về một trải nghiệm của mình khi đọc tác phẩm văn chương, cụ thể là
các tác phẩm của Bảo Ninh. Do yêu cầu của giảng viên mà sinh viên Đại học năm
thứ hai, tôi phải đọc tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh”, và từ đó đã đọc lại
tác phẩm này 2 lần. Với tôi, cho đến tận bây giờ, “Nỗi buồn chiến tranh” vẫn là
một tác phẩm đầy ám ảnh. Nhưng rất lạ là khi chuyển sang đọc truyện ngắn Bảo
Ninh thì tôi đọc không vào. Suốt nhiều năm qua tôi để tập truyện ngắn Bảo Ninh ở
một góc xa lắc trên giá sách, nơi khó lấy nhất. Tôi xác định, sẽ không trở lại
với truyện ngắn Bảo Ninh thêm bất cứ lần nào. Nếu là một người trẻ, đọc những
dòng này có thể bạn sẽ bất ngờ lắm. Nhưng sự thật là, có những tác giả kinh điển,
được rất nhiều khán giả văn chương hâm mộ, nhưng đọc tác phẩm của họ, bạn vẫn
thấy không phù hợp. Không sao cả. Đừng yêu một nhà văn vì người khác yêu nhà
văn ấy, kể cả ông ta/bà ta là tác giả Nobel. Bạn chỉ nên yêu một nhà văn từ những
rung cảm trong sáng (nếu có) của bạn, và cứ trung thực với trải nghiệm của
mình. Văn chương suy cho cùng là những trải nghiệm cá nhân!
Trở lại với
tập truyện ngắn Bảo Ninh, mới đây lũ trẻ nhà tôi lục lọi giá sách, và chẳng hiểu
thế nào lại ném tập truyện này trên bàn nước. Thế là tôi thử bước qua định kiến
của mình, mở ra đọc lại. Lạ lùng sao, tôi lại thấy rung cảm ghê gớm với một Hà
Nội u hoài, một Hà Nội bàng bạc, một Hà Nội với những phận người bao cấp vừa đẹp
đẽ, vừa cô đơn, vừa khốn khổ, vừa tinh ma, vừa cao thượng, vừa đạo đức giả…trong
những trang văn này. Cũng từ những trang văn này, lần đầu tiên tôi thực sự nhận
ra Bảo Ninh đã kỹ lưỡng và cao tay như thế nào trong việc tổ chức từng câu văn
trong một đoạn văn, và từng chữ, từng từ trong một câu văn.
Vậy tại
sao trước đây mình lại không thích những trang văn này?
Truy vấn
câu hỏi này tôi nhận ra trước đây, mình đã đọc những dòng này bằng một con người
khác - ồn ã, vội vàng, đầy mong cầu; bây giờ, bằng một cách nào đó, không chủ
ý, mình lại đọc nó bằng một con người khác – tĩnh lặng và thản nhiên. Như thế một
trải nghiệm văn chương đã giúp tôi nhìn ra những góc rất khác nhau của chính
mình. Đây có thể lại là một chức năng nữa của văn chương, đó là nó có thể giúp
ta hiểu chính ta hơn. Thật đấy, đôi khi ta cứ nghĩ mình hiểu mình lắm rồi.
Nhưng trải nghiệm văn chương và những phút loé sáng từ trải nghiệm đó sẽ giúp
ta nhận ra sự thật không phải như vậy. Hoá ra ta cũng chẳng hiểu mình lắm đâu.
Đào sâu
vào văn học tưởng chừng là đào sâu vào những trang viết ở ngoài mình, những cuộc
đời ở ngoài mình, những thế giới ở ngoài mình, nhưng thực ra nó đồng thời cũng
là quá trình đào sâu vào chính mình. Nói một cách thô thiển nhưng dễ hiểu thì
văn chương là một công cụ trong khá nhiều công cụ giúp ta khám phá ra những góc
bí ẩn của chính ta.
Mới đây
tôi đã tổ chức một series đặc biệt có tên “Đọc lại Truyện Kiều” trên kênh
Youtube “Diễn giả Phan Đăng” cùng Tiến sĩ, nhà hoạt động văn hoá Bùi Trân Phượng.
Rất nhiều khán giả đã nhắn tin cảm ơn tôi về Series này, rằng nhờ Series này mà
họ đã nhìn rất khác về Truyện Kiều. Tôi trả lời rất trung thực: Tôi đã thuyết
phục TS Bùi Trân Phượng giúp mình làm Series này trước tiên vì chính tôi, chứ
không phải vì khán giả đâu. Thực sự là vì chính tôi, bởi cứ mỗi giai đoạn trong
cuộc đời, đọc lại Truyện Kiều, tôi lại khám phá ra một giá trị rất khác.
Ví dụ như
trước đây, tôi chẳng thích gì cô Kiều. Cô giáo dạy văn càng tô vẽ cô Kiều, càng
dẫn luận những lời phê bình văn học này nọ để ca ngợi cô Kiều, tôi càng không
thích. Nhưng vài năm trước, trong một đêm mất ngủ, tình cờ chạm vào tâm trạng của
cô Kiều: “Khi tỉnh rượu lúc tàn canh/ Giật mình mình lại thương mình xót xa”
thì bỗng nhiên tôi lại thấy mình trong cô Kiều. Tôi cảm thấy được chia sẻ, được
đồng cảm, được nương tựa. Thế là tôi đọc lại một mạch. Đó hoàn toàn là những trải
nghiệm rất cá nhân, và việc mời TS Bùi Trân Phượng phân tích lại Truyện Kiều dưới
góc nhìn rất cởi mở của cô cũng xuất phát từ những mong mỏi rất cá nhân của
tôi.
Chẳng sao
cả, văn chương cho phép chúng ta cá nhân như thế. Hãy cứ trung thực với những
trải nghiệm cá nhân như thế, thay vì ảo tưởng, ảo giác, và quàng vào mình quá
nhiều thứ giá trị đao to búa lớn.
Ngay cả
bài viết này cũng xuất phát từ mục đích cá nhân, vì tôi rất muốn một buổi sáng
đầu tuần ngồi cafe một mình và viết về những tiếng nói văn chương xuất hiện
trong đầu mình gần đây. Tôi viết hoàn toàn cho tôi, dựa trên trải nghiệm của
tôi, chứ tuyệt đối không có ý đồ ca tụng những vẻ đẹp, những chức năng này nọ của
văn chương, càng không có mong muốn thuyết phục những người trẻ tìm đến văn
chương.
Tôi chẳng
thuyết phục ai cả. Tôi viết để cho mình.
Biết ơn bạn đã đọc, đã sống với những trải nghiệm cá nhân của một người tự nhận là đến tận lúc này vẫn giữ trong mình một tình yêu cùng thói quen thưởng thức văn chương đều đặn.