Ông như một
cái cây trụi cành, người ta công kênh đi như thể triển lãm di động từ ngày ông
lấy lại quyền công dân, tôi đoán vậy trong sự tò mò ngày càng trầm trọng. Kín
tiếng nhưng tao nhã. Khỏe mạnh so với tuổi nhưng rất hay nhìn xuống. Hình như
không còn thói quen ngước nhìn khi trò chuyện với người đối diện.
DẤU TÙ
Truyện ngắn
của DẠ NGÂN
Bạn thân của
chồng tôi ở P lên. Đi cùng T là một ông già năm ấy chừng tám mươi tuổi, thâm thấp,
tóc rễ tre, tráng kiện. Khi chồng tôi reo lên tên của ông già và chạy xuống
chân cầu thang chung cư săn đón, tôi mới biết thế là dù có muộn tôi cũng được
diện kiến một con người đáng để tò mò nhất trong số những người Hà Nội bí ẩn. Một
ý nghĩ lóe lên như một ánh dao: Trời ơi, hai vị tù nhân nổi tiếng đang cùng đi
với nhau và cùng đến nhà tôi, thật là vinh dự nhưng là thứ vinh dự chết tiệt
nào đây?
T hăm hở
đi trước, dù anh đã sắp lên thất tuần thì so với Ông già, người tù nhiều thâm
niên kia, anh cũng còn trẻ chán. Gương mặt thâm trầm, ánh nhìn điềm đạm, T như
một người đã đi qua một cuộc chiến của chính mình và đã tìm lại được những gì
thân thuộc nhất. Tôi ôm lấy vai T, cảm thấy sự ấm áp đặc biệt giữa tình bạn của
anh và chồng tôi, những người đàn ông có cùng mẫu số chung: thời niên thiếu
trong cuộc chiến thứ Nhất, thời thanh xuân trong cuộc chiến thứ Hai và thời
trung niên cơ khổ dù người ở trong song sắt và người kia, cũng dưới một cái lồng
mà nhà văn nào cũng cảm thấy.
Chung cư
cũ đất Hà Nội, phòng khách “nhỏ bằng lỗ mũi” - chữ của chồng tôi, đúng hơn, đó
là một cái tổ của hai con kiến cần mẫn. Có khu nhà, chạm toilet trước rồi mới
phòng khách sau, nghe đâu hồi đó là sáng kiến đầy tinh thần hữu nghị của người
Bắc Triều Tiên anh em. Ở chỗ chúng tôi không đến nỗi như thế nhưng một căn hộ họ
phân phối cho hai gia đình và chúng tôi đã mua lại cả sự phiền toái ấy.
Đang ngày
áp Tết, hai lớp chiếu trên nền gạch, chủ và khách đều không lấy đó làm ngượng,
T còn nói vui, đó là văn hóa Hà Nội có từ thời ước mơ Thế giới đại đồng. Tôi để
ý đến chiếc túi vải màu nâu trên tay T, nó khá nặng nhưng có vẻ rất kín đáo và
anh đang lui cui xem nên cất nó vào chỗ nào. Sao vậy T? Sao anh lóm khóm với
cái túi đó vậy? Tôi nói to lên và T vẫn cứ mắt trước mắt sau khi tìm chỗ cho
cái túi.
- Sách mới
của cậu hả? - chồng tôi đoán - Hay quá, bọn mình đã đọc nó từ cô bạn đầu nậu.
Tuyệt vời!
Lúc này T
mới lấy lại bộ dạng bình thường, hào sảng:
- Thế a?
Mình phải cảm ơn cậu đã khuyên mình viết lại nó với tâm thế khoan hòa. Chính vì
vậy mà mình phải đến tận nơi để biếu sách cho vợ chồng cậu. Chuyện đó để sau,
bây giờ bọn mình phải dành thời gian cho ông anh đây đã.
Từ nãy đến
giờ, Ông già vẫn chưa nói tiếng nào. Ông như một cái cây trụi cành, người ta
công kênh đi như thể triển lãm di động từ ngày ông lấy lại quyền công dân, tôi
đoán vậy trong sự tò mò ngày càng trầm trọng. Kín tiếng nhưng tao nhã. Khỏe mạnh
so với tuổi nhưng rất hay nhìn xuống. Hình như không còn thói quen ngước nhìn
khi trò chuyện với người đối diện. Chúng tôi vui mừng thực sự, chúng tôi ngưỡng
mộ và quan tâm đến ông thực sự nhưng ông vẫn ngồi cúi gằm như thể đang “đi
cung” vậy. Đó là dấu hiệu lạ đầu tiên, đập vào mắt tôi về một người liên quan đến
vụ án văn chương và là người đi tù lâu đến nỗi còn không hay đất nước đã hòa
bình, đã hết chiến tranh, đã ai về nhà nấy!
Đã đến lúc
tôi xin phép để vào bếp. Chồng tôi xuống theo, như thể van cầu:
- Tủ lạnh
nhà mình có cá không? Anh biết Ông già đặc biệt thích cá. Em xem đi tù cả một đời
thì gì mà chả thèm. Nhưng ông không vợ không con, cá chắc là thứ đàn ông độc
thân khó thực hiện nhất.
Tôi không
khó chịu khi chồng bỗng dưng lắm lời. Trông anh đặc biệt ân cần và trang trọng.
Anh có bốn người bạn chí cốt, một người độc thân để nói mọi chuyện ngả ngốn về
đàn bà; một người để tranh cãi và “khai sáng anh ta” – chữ của chồng tôi – về
triết lý sống nhập cuộc hay đi ở ẩn; một người cùng thời thơ ấu để thù tạc chuyện
quê và những món ăn “dân tộc Nghệ Tĩnh”. Riêng T là để tri kỷ về mọi lẽ, về nghề,
về đời, về thời và thế. Tôi thuộc lòng những vấn đề mà chồng và T nói với nhau
và tôi ít khi rời mắt khỏi T vì dấu tù không thể phai mờ trong cung cách của
anh, thậm chí trong con người anh. Nhưng nay, trước mắt tôi, bên cạnh Ông già
thì T lại giống một “bệnh nhân đã cũ”, có thể nói, so với ông, T đã “hồi phục”
hoàn toàn. Chồng tôi trọng thị Ông già không phải vì trắc ẩn. Anh có nhiều lý
do để cảm ơn sự can trường của ông trong lao tù để ông trở thành một người như
hôm nay, một tượng đài về ý chí và sự ngay thẳng.
Dạo ấy cá
mè Hồ Tây của Hà Nội còn được kính trọng. Hồ khá sạch nên cá còn thơm. Tôi đặt
các thứ lên mâm rồi đưa nó lên tấm chiếu trong phòng khách, nơi Ông già chưa rời
khỏi nó từ nãy đến giờ. Nguyên cái đầu và đuôi cá nấu riêu, tôi đưa chúng ra để
trên hai cái dĩa, tô nước canh để ở giữa, lất phất rau thì là và hành tươi. Cả
khúc giữa của cá tôi hấp gừng, ăn kèm với xà lách và rau kinh giới. Tôi từng được
T khen là “nhà văn nữ có biết nấu ăn”. Chồng tôi rất hay tiếp bạn ở nhà cũng vì
tôi giỏi gói ghém và tươm tất. T nhìn chai rượu nếp chủ nhà khoe mua từ một nhà
hàng xóm, T bảo chỉ thiếu cái nút lá chuối nữa thì không khác thời của Nguyên Hồng.
Chồng tôi tự trào, hôm nay không nói chuyện Tội tù và Chính trị, chỉ nói chuyện
vụ văn chương. Chúng tôi cười lớn, riêng Ông già vẫn ngồi lắc lư và gừ gừ trong
cổ họng. T khẽ lắc đầu:
- Tớ không
dại nói chuyện văn chương ấy, tớ không muốn đi tù nữa đâu.
Thực ra T
chỉ là nạn nhân của hai vị lãnh đạo công an ở P, kiểu “trâu bò húc nhau ruồi muỗi
chết”. Ông già mới thực sự bén duyên với “bè lũ văn chương”, có lẽ vì vậy mà
ông mới lập kỷ lục về thâm niên tù. Xem ra ông không còn thiết đến những chuyện
ông đã trải qua và phải kể đi kể lại khi nhiều người tìm đến để an ủi, cảm
thông và giúp đỡ. Xem ra ông chỉ muốn nhanh chóng được cầm đũa mà thôi.
Màn nâng
ly thuần túy thủ tục vì Ông già vẫn dán mắt vào mâm. Có thể nghe cả tiếng ông
nuốt nước miếng. Chúng tôi đưa mắt cho nhau và lẳng lặng để ông bắt đầu hành
trình tự bù đắp của người kinh niên thiếu thốn. Hình như T đã quen với cung
cách của ông nên anh đứng dậy, đi lấy sách để ký tặng chúng tôi. Thế là hai con
người tri kỷ đã có đề tài riêng để nâng lên và đặt xuống. Tôi giành lấy phần ngồi
yên với Ông già. Hình như người tù lâu năm đặc biệt thích đầu cá. Ông lặng lẽ xộc
đũa vào mọi góc, lặng lẽ và mê mải. Một đũa cho cái môi. “Đầu trôi môi mè”. Tại
sao tôi lại có vẻ mất lịch sự khi không rời mắt khỏi ông, cái thói quen nghề
nghiệp chết tiệt đây mà. Hai lần đũa cho hai hố mắt. Đừng sợ ông mắc xương, ông
rất thạo và rất giỏi, như một con báo với miếng mồi của nó. Tôi đẩy sang phía
ông cái đuôi cá. Ông đặc biệt thích xương, cái chút đuôi béo ngậy. Nhanh và
khéo. Đến khúc cá hấp thì ông chậm lại, và xộc thẳng vào phần bụng, nơi trắng
nhất và ngon nhất của con mè.
Tôi chợt
nhớ một người cũng từng bị tù. Nhưng mà là tù của chế độ Ngô Đình Diệm. Khi tôi
vào Cứ ở miền Tây thì ông đã ở đó, tức là đã thành cựu tù nhân Chí Hòa. Ba tôi
là liệt sĩ Côn Đảo nên ai bị tù mà thoát được, tôi phục lắm. Sâu xa, tôi thấy gắn
bó với người này chỉ vì ông có cái mác tù, giống ba tôi. Ông hiểu rộng, biết
nhiều, Việt văn giỏi, nói chung tôi học được ông rất nhiều từ kiến thức đến
cách hành văn, đặt chữ. Nhưng tôi đặc biệt khó chịu khi đến bữa cơm mà có ông.
Ông ăn uống quá cần mẫn, không khi nào gát đũa để dừng lại chuyện trò và rất
hay ngồi xổm trên nền tấm liếp, chỗ đặt mâm ở chòi Cứ. Tình cảm với ông trong
tôi lên bổng xuống trầm mỗi ngày như vậy. Đơn giản vì ngày luôn có hai bữa cơm
và hai buổi làm việc. Ông là thầy của tôi về nghề nhưng ông là đứa con nít
không biết kềm chế khi ăn uống. Một lần đang khuya, bỗng tôi nghe thấy từ trong
chiếc mùng của ông vọng ra tiếng cắn và tiếng nhai lóc cóc. Thời đó người Kháng
chiến hay bù đắp năng lượng bằng những gói kẹo đậu phộng mua ở xuồng hàng của
phụ nữ nông dân, từng gói nửa ký một, ăn tới đâu ngọt thao miệng mồm tới đó.
Người ở Cứ không lương, ai được gia đình chu cấp nhiều thì xênh xang trà lá kẹo
thuốc, ông chú thầy chữ của tôi cũng có bà vợ đảm đang ở hậu phương nên ông
luôn có kẹo đậu phộng trong ba lô. Nhưng ăn cùng với đồng đội khác với ăn chui
ăn lén một mình, trong đêm. Từ phát giác đó, tình cảm với ông trong tôi cạn kiệt
hẳn. Hòa bình, ông trả áo cán bộ về quê với vợ, chắc sự thiếu đói trong ông đã
tới đáy, ông không chịu đựng nổi nữa. Tôi vẫn nhớ ông, loáng thoáng ân hận đã lạnh
nhạt mà không giải thích, vì cái tiếng nhai kẹo lóc cóc trong đêm khó diễn tả
quá. Cho đến khi tên tuổi ông lại nổi lên, ông là Hội đồng nhân dân huyện và
ông “bị” mang tiếng là “đầu têu cho dân khiếu kiện đất đai”. Một lần ông tìm đến
chỗ tôi, bảo phải giúp ông, nghĩa là giúp dân huyện trị mấy thằng quan quyền nó
cướp hết đất đai của dân. Tôi mời ông ở lại. Và ông ăn, bữa cơm ông vẫn ngồi xổm
trên ghế, vẫn cần mẫn không thôi. Sao lại có hai con người trong ông như vậy,
nhiệt thành với người khác với lẽ phải nhưng riêng với cái nết ăn thì ông không
phải chút nào?
Khi T và
chồng tôi quay lại với mâm cơm thì Ông già đã tấn công gần xong khúc cá hấp
trên dĩa. Cái đầu con mè trơ lại một đống xương trắng hếu. Tôi đã hình dung được.
Bạn tù Côn Đảo của ba tôi sau này kể rằng, một ngọn cỏ bên miệng cống họ cũng
ngấu nghiến được vì thèm rau xanh quá. T cũng từng kể, rằng đang đi lao động,
anh vớ được con rắn mối nhỏ xíu, thế là ép trong ống tay áo và khi các bạn tù
không để ý, anh đã nhai sống nó, nhai từng chút. Còn Ông già, ông đã lén ăn gì
để vẫn chịu đựng được từng ấy năm và vẫn có sức khỏe khác thường kia? Im lặng
đã là thuốc, không sợ bẩn cũng là một phương thuốc và có thể cúi đầu trước sự
nhục mạ, cũng là thuốc để vượt qua tháng ngày. Chính vì vậy mà mới có hôm nay -
một cây khô trụi cành được người đời công kênh lên giữa trời và đất! Ông đâu phải
loại tù chết cũng vinh quang, ông là người bị cho là phản loạn, ông chết người
ta sẽ vui mừng. Nhưng ông đã không chịu chết!
T đứng lên
để lại tìm chỗ cất kín cái túi vải màu nâu dù là anh đang ở trong nhà của chúng
tôi, không việc gì phải sợ. Dấu tù ở T dù nhạt, nhưng vẫn còn đó, sự cóm róm
quen thuộc và luôn sợ bị lấy đi cái quý nhất của mình. Dấu tù của Ông già đậm
quá, tôi nghĩ, đậm đến nỗi ông không còn biết nó đang tồn tại dai dẳng trong
ông, ông không biết để mà điều chỉnh hay tẩy rửa nó nữa.
Có tiếng đập
cửa. Người cùng căn hộ, tức cùng cửa chính với chúng tôi đang về. T hốt hoảng bảo
tối nay bọn mình ngủ lại thì có cần đăng ký với công an không? Chồng tôi cười lớn,
sắp sang thế kỷ hai mốt rồi ông bạn ơi. Ông già mặc hết, khúc cá hấp đã được
thanh toán, gọn gàng, sạch sẽ, mớ xương lại được thu xếp một cách ngăn nắp trên
mâm nữa chứ. Ông sợ gì mà dọn cả xương vậy Ông già?
Nhưng tôi,
tôi đã sợ gì mà mãi tới bây giờ tôi mới dám viết về loại chuyện này, tôi chần
chừ hay tôi cũng có dấu tù mà không biết?
Kim Giang tháng 12/ 2001
(Trích từ tập truyện "Sẽ mang theo", do NXB Phụ Nữ ấn hành)