Văn Nghệ Giải Phóng từng quy tụ một đội ngũ văn nghệ sĩ tham gia kháng chiến ở Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, vừa có buổi họp mặt tại TP.HCM sáng 30/3.


Văn Nghệ Giải Phóng có địa chỉ trung tâm là Hội Văn nghệ Giải Phóng được thành lập năm 1961 do soạn giả Trần Hữu Trang (1906-1966) làm chủ tịch đầu tiên. Tham gia lãnh đạo Hội Văn nghệ Giải phóng qua các thời kỳ, gồm những tên tuổi Lưu Hữu Phước, Nguyễn Văn Bổng, Lý Văn Sâm, Bùi Kinh Lăng, Giang Nam, Hoài Vũ…

Tiến sĩ Phan Xuân Biên, nhà thơ Hoài Vũ và nhà văn Thạch Cương.


Ngoài tờ báo Văn Nghệ Giải Phóng tập hợp các cây bút đang hoạt động khắp chiến trường miền Nam như Lê Anh Xuân, Diệp Minh Tuyền, Nguyễn Quang Sáng, Lê Văn Thảo, Phan Tứ, Đinh Quang Nhã, Viễn Phương, Chim Trắng, Thạch Cương, Nguyễn Duy, Trần Mạnh Hảo, Thanh Thảo, Nguyễn Chí Hiếu, Văn Công, Y Điêng, Trần Văn Tuấn… thì Hội Văn nghệ Giải phóng còn thành lập Giải thưởng Nguyễn Đình Chiểu để vinh danh nhiều tác phẩm nổi tiếng như “Sống như anh” của Trần Đình Vân, “Người mẹ cầm súng” của Nguyễn Thi, “Rừng Xà Nu” của Nguyên Ngọc, “Hòn đất” của Anh Đức, “Bài ca chim Chơ Rao” của Thu Bồn, “Những đồng chí trung kiên” của Thanh Hải…

Nhà thơ Nguyễn Duy và Phó Giáo sư Phan An.


Từ năm 1971, lực lượng Văn Nghệ Giải Phóng được bổ sung một đội ngũ trẻ được đào tạo ở miền Bắc như Phan An, Vũ Ân Thy, Lê Quang Trang, Dương Trọng Dật, Hà Phương, Trần Thị Thắng, Khuynh Diệp, Lê Điệp, Đỗ Nam Cao, Trần Đức Cường, Hà Công Tài, Phùng Đức Thắng, Phạm Quang Nghị, Nguyễn Khắc Thuần, Phan Xuân Biên…

Sau ngày đất nước thống nhất, Hội Văn nghệ Giải phóng trở thành Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TP.HCM và báo Văn Nghệ Giải Phóng sáp nhập vào báo Văn Nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam. Dù đã thực sự hoàn thành nhiệm vụ lịch sử giao phó, nhưng nhắc đến Văn Nghệ Giải Phóng là nhắc đến một thế hệ vàng.

Nhà thơ Nguyễn Chí Hiếu.


Nhân dịp kỷ niệm 50 năm non sông liền một dải, những người một thời gắn bó Văn Nghệ Giải Phóng đã có cuộc tương phùng sau nửa thế kỷ, tại TP.HCM sáng 30/3. Buổi họp mặt thật cảm động, vì họ đã thành những bậc cao niên, người nhiều tuổi nhất đã 90 và người ít tuổi nhất cũng đã 75. Có những nhà thơ phải có con cháu dìu đi. Có những nhà văn chống gậy từng bước chậm.

Nhà thơ Lê Quang Trang.


Nhà thơ Hoài Vũ, người từng viết trong bom đạn “Ở tận sông Hồng, em có biết/ Quê hương anh cũng có dòng sông/ Anh mải gọi với lòng tha thiết/ Vàm Cỏ Đông, ơi Vàm Cỏ Đông”, bày tỏ: “Hôm nay được thấy nhau đã đủ để mừng vui và hạnh phúc. Nhiều anh em Văn Nghệ Giải Phóng không còn nữa, nhưng tác phẩm sáng tạo và tinh thần dâng hiến của mỗi người vẫn ở lại với cộng đồng”.

Nhà văn Khuynh Diệp.


Ấn tượng nhất là con cháu của những người Văn Nghệ Giải Phóng, cũng thay mặt cha anh đã khuất để đến dự họp mặt. Giáo sư Phan Thanh Bình (nguyên Chủ nhiệm Ủy văn Văn hóa Giáo dục của Quốc hội khóa 14) tâm sự: “Cha của chúng tôi, nhà thơ Viễn Phương, lúc sinh thời cứ nhắc nhở chúng tôi rằng: Hơn nửa cuộc đời ông đi theo cách mạng, để mẹ tôi một mình nuôi dưỡng các con. Cha tôi tự thấy mình mắc nợ mẹ tôi. Cho nên, mẹ tôi có nói gì thì ông cũng không cãi lại, mẹ tôi muốn gì thì ông cũng chấp thuận. Và ông đề nghị chúng tôi cũng ứng xử như vậy, với mẹ tôi”.

Nhà thơ Lê Điệp.


Buổi họp mặt Văn Nghệ Giải Phóng, không chỉ ôn lại kỷ niệm mà còn gợi nhớ ký ức thuở nào, qua những câu thơ của Diệp Minh Tuyền “Tiếng hát cất lên chẳng muốn bay xa/ Cứ quanh quẩn đâu đây quyện tiếng cười đồng đội/ Niềm vui ấm thêm căn lều chật chội/ Hạnh phúc chừng nghiêng xuống nỗi đời riêng” hoặc những câu thơ của Thanh Thảo “Thế hệ chúng tôi không sống bằng kỷ niệm/ Không dựa dẫm những hào quang có sẵn/ Lòng vô tư như gió chướng trong lành/ Như sắc trời ngày nắng tự nhiên xanh”.

Nhà thơ Hà Phương.


Không ít văn nghệ sĩ của Văn Nghệ Giải Phóng đã được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước. Tuy nhiên, hơn thế nữa, tiến sĩ Phan Xuân Biên (nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM) khẳng định: “Văn Nghệ Giải Phóng là một dấu son khó phai mờ Đi qua chiến tranh, tất cả chúng tôi đều đã tiếp tục tận tụy sống trong hòa bình bằng tư cách những con người tử tế giữa nhiều hoàn cảnh biến động phức tạp”.

                                                                   TUY HÒA