Vốn là một người lính nhiều năm trong quân ngũ, tuy Trần Trọng Giá đã từng lâng lâng trong ngày đất nước thống nhất với cảm giác khác thường “Anh như bay/ từ vòm trời này sang vòm trời khác/ Anh như bước/ từ đỉnh núi này sang đỉnh núi khác”, nhưng ông vẫn không khỏi xót xa về thân phận những đồng đội đã nằm lại chiến trường.


BƯỚC CAO BƯỚC THẤP CŨNG NGẦN ẤY THÔI

(Đọc “Lối về” của Trần Trọng Giá, NXB Hội Nhà văn 2025)

ĐẶNG HUY GIANG

Hiếm có người nào đam mê thơ, hết lòng với thơ như Trần Trọng Giá. Cũng hiếm có người làm thơ nào mà viết đều, viết nhiều như Trần Trọng Giá. Đặt vào điều kiện thời buổi có nhiều biến động và nhiều đổi thay này - thời buổi giá trị vật chất thường được coi trọng hơn giá trị tinh thần, mới thấy con người thơ trong con người Trần Trọng Giá thật đáng trân trọng.

Dường như nhà thơ của chúng ta đã giải thoát được những ghìm nén vào thơ một cách chân thành, tự nhiên và hướng thiện. Nói cách khác: Dường như nhà thơ của chúng ta đã tìm được một chốn thiêng liêng làm nơi trú ngự cho tâm hồn mình và cũng là nơi để trở về mình. Sở dĩ ông viết nhiều, có một phần là nhờ đi nhiều. Với ông, đi là để nạp thêm cảm xúc, đi là để nạp thêm trải nghiệm và đi là để hiểu người và cũng là để hiểu mình hơn.

Nhờ vậy mà từ 2020 đến 2024, ở tuổi xấp xỉ 70 và trên 70, Trần Trọng Giá đã cho xuất bản 4 tập thơ mang tên: “Lặng thầm”, “Gửi lại dòng sông”, “Bóng quê”, “Tiếng chiều” qua Nhà xuất bản Hội Nhà văn và Nhà xuất bản Văn học. Riêng trong ba năm (2022, 2023, 2024), mỗi năm ông cho in 1 tập thơ dày dặn, tập nào cũng có những tín hiệu đáng mừng. Hiện tượng này đáng được đánh giá cao, vì ông làm thơ muộn và đến với thơ khi đã có tuổi.

Về chuyện này, có lần ông đã băn khoăn khi tâm sự cùng tôi. Tôi chia sẻ: “Vấn đề là anh sẽ đi đến đâu, chứ không phải từ đâu tới”. Rồi tôi thủng thẳng đọc hai câu thơ của Nguyễn Đình Chiểu trong “Lục Vân Tiên - Kiều Nguyệt Nga”: “Cam La sớm gặp cũng xinh/ Muộn màng Khương Tử cũng vinh một đời” và giải thích: “Cam La sống vào thời Chiến Quốc, là cháu của Cam Mậu, một danh thần nổi tiếng nhà Tần, được mệnh danh là thần đồng chính trị khi mới 12 tuổi. Còn Khương Tử (tức Khương Tử Nha), sau 40 năm tu luyện, khi 72 tuổi mới xuất sơn, được Trụ Vương giao cho chức vụ đại phu. Tôi nêu ví dụ này không có ý gì khác, ngoài việc nhấn mạnh: Trong cuộc đời cũng như trong việc làm thơ, xuất phát sớm hay xuất phát muộn, tuổi tác nhiều hay ít, nhìn chung không quá quan trọng và không thành vấn đề.

Đến “Lối về”, Trần Trọng Giá đã đi được 5 chặng đường thơ và thơ ông ngày một chuyên nghiệp hơn, đầy đặn hơn, có ý có tứ hơn và có chất khái quát hơn. “Trường” đề tài của ông rộng mở hơn. Tâm tình của ông hòa quyện và sâu lắng hơn. Tâm thế và tâm trạng của ông bắt đầu rất khác. Nói không quá thì ở chặng thứ 5 này, Trần Trọng Giá đã tự tạo ra cho mình một bước chuyển động, bước bứt phá trong thơ rất đáng kể.

Về tình yêu - một đề tài quen thuộc trong thơ ông, có “độ” si mê, say đắm, quặn thắt, hết lòng rất lớn với nhiều cung bậc của cảm xúc khác nhau. “Trăng khi tròn khi khuyết/ Tình một kiếp đa mang/ Qua cả rồi khôn - dại/ Chỉ còn em dịu dàng”, “Lòng anh muôn khúc tơ vò/ Hỡi nhân gian! Biết bao giờ  có nhau”, “Em ơi! Em ở đâu ta/ Xin đừng trốn tìm nhau nữa/ Đêm như nước, ngày như lửa/ Ở đâu? Tình yêu của anh”, “Si mê đâu chỉ có mùa/ Tôi xin em chớ bỏ bùa vào tôi”, “Bao năm xa, hồ Gươm còn ấp ủ/ Những ngả đường mãi rộng dài ra/ Và một cuộc gặp gỡ bất ngờ/ Em cứ khóc, hạnh phúc là nước mắt”, “Trời thì xa, đất thì gần/ Đời ai cũng chỉ một lần: Trăm năm”. Đó là những câu thơ đáng nhớ được trích ra từ  “Một mình”, “Ngày nhớ”, “Gửi tình yêu của anh”, “Giá như”, “Hà Nội ngày trở về”, “An nhiên”.

Đối với Trần Trọng Giá, tình yêu có khi là định mệnh và ông đặt ra câu hỏi:

Phải chăng nợ kiếp trước

Đến kiếp này, chưa yên

                    (“Không đề”)

Đối với Trần Trọng Giá, tình yêu có khi là thử thách, phải vượt lên tất cả:

Dẫu hóa đá nỗi mong

Dẫu hóa vàng nỗi nhớ

Ta van em đừng sợ

Ngoài kia, ngày đang về

                    (“Trái tim thao thức”)

Về tình bạn, Trần Trọng Giá có những câu thơ đầy tâm trạng khó quên. Phải coi bạn là tri kỷ đến mức nào, ông mới có 4 câu thơ máu thịt và dữ dội như thế này:

Ta thấy người cháy lên như rượu

Trong đêm sâu hoang hoải bầu trời

Như thể trăng mọc lên lần cuối

Chút ánh vàng đơn côi

          (“Người tỉnh đi”)

Trần Trọng Giá luôn là người sống với thực tại này, đời sống này. Nên đi đâu, đến đâu, ông cũng hết mình với những vùng đất kiểu như “Nơi ta ở chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn” (Chế Lan Viên).  Về Ninh Bình, ông nhớ: “Trong giấc mơ đôi lứa/ Sông Đế hay sông vua/ Anh tắm dòng sông ấy/ Em tắm trăng đôi bờ” (“Sông Đế”). Đến Điện Biên, ông nhận ra: “Mai càng xa càng nhớ/ Mảnh đất nghèo, gian lao/ Tiếng cuốc xưa mở lối/ Dội về trong chiêm bao” (“Lên Điện Biên”). Đến Tam Đảo, ông như lạc trong thế giới thiền: “Trước cổng chùa Tây Thiên/ Bụi trần ta buông bỏ/ Thấy đời thoảng như gió/ Và nhẹ nhàng như không” (“Tam Đảo”).

Về Sơn Tây, ông bình thản nhận ra “cái bất biến trong cái vạn biến”, dù tách nhập thế nào  “Thì đá vẫn chìm, thì nước vẫn nổi/ Trời - đất vẫn vô cùng nào có khác gì đâu” và không khỏi xa xót, tiếc nuối: “Chỉ có chân đất áo nâu ngơ ngác/ Chẳng còn ruộng cạn đồng sâu/ Người đến với người lạ hoắc/ Mặc cho mây trắng ngang đầu” (“Trước và sau, Hà Tây và Hà Nội”). Ở Thủ đô, Trần Trọng Giá có “Hà Nội trong tôi”. Ông như nhập vào vai vào một người ở thuở nào để nhớ  tình cảnh của Nguyễn Du với cô Cầm qua những câu thơ khác lạ trong một khung cảnh rất đặc biệt:

Tiếng đàn cô Cầm từng níu chân chàng Nguyễn

Độc huyền cầm như tiếng nấc không yên

Đêm ấy giống một đêm đưa tiễn

Buồn lạ lùng từng khoảnh khắc vô danh…

Có lúc ông đau đáu cõi đời, cõi người, hốt nhiên bật ra câu hỏi mang giá trị tâm sự rất lớn:

Đêm từng đêm ta chiêm bao

Ngày nối dài ta được - mất

Sông ơi! Cho ta hỏi thật

Nước mắt bao nhiêu tuổi rồi?

                    (“Sông ơi!”)

 Vốn là một người lính nhiều năm trong quân ngũ, tuy Trần Trọng Giá đã từng lâng lâng trong ngày miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất với cảm giác khác thường: “Anh như bay/ từ vòm trời này sang vòm trời khác/ Anh như bước/ từ đỉnh núi này sang đỉnh núi khác” (“Một lối về”), nhưng ông vẫn không khỏi xót xa về thân phận những đồng đội đã nằm lại chiến trường Quảng Trị trong “Quảng Trị chiều nay”: “Mấy mươi năm đã qua rồi/ Vô danh lưu lạc ở nơi xứ nào?” và cảm thấy: “Bao nhiêu máu của các anh/ Thấm vào lòng đất kết thành cỏ hoa”. 

Thơ trong “Lối về” có nhiều chữ được sử dụng rất đắt như “đóa em” trong “Đóa em”, như “bạc phếch ngày” trong “Cố nhân”. Nếu “đóa em” hay ở cách nói, thì “bạc phếch ngày” hay ở cách nhìn, cách cảm. Còn bốn câu thơ dưới đây có một vẻ đẹp nhuần nhụy, lại hết sức đồng quê, đến nỗi khó hình dung ra nổi:

Chiều nay trở gió…đông tàn

Đỏ mình sông chở muôn vàn phù sa

Một miền đất rộng bao la

Đi không hết nẻo đường hoa sớm chiều

                       (“Viết lúc giao mùa”)

Vì tập thơ có tên là “Lối về” nên tác giả nhắc nhiều lần đến lối về là điều không có gì lạ: “Nơi thênh thang bờ bến/ Để ngỏ một lối về” (“Lối về 2”), “Một ngày mở đến bao la/ Đi thì ngắn, về thì xa bồn chồn” (“Gọi em”), “Đi xa để trở về gần” (“Từ ngày Hà Nội có em”), “Trời chẳng xa, đất chẳng xa/ Góc quê là chính nơi ta tìm về” (“Lối về 1”)…Và “lối về” chính là con đường  “trở về mình”, “trở về nhà” từ bản thể tự nhiên, bản thể cốt lõi của mỗi đời người.

 Đáng mừng là xu hướng triết lý mang nét nhân tình thế thái trong “Lối về” đã góp phần nâng vực chiều kích thơ Trần Trọng Giá lên một tầng nấc mới. Ngoài “Núi mây vẫn quấn quện/ Sông, nước vẫn vô cùng/ Nghĩ chi việc cao thấp/ Tất cả rồi hư không” (“Độc thoại”), “Năm đi…năm lại quay vòng/ Vẫn là trong- đục- đục- trong nỗi người” (“Viết lúc giao mùa”), hai câu thơ trong “Lối về 1” có sức nặng đáng kể và rất đáng đánh một vài dấu khuyên vào đó:

Đường đời theo những dấu chân

Bước cao, bước thấp cũng ngần ấy thôi./.