Kỳ nữ Kim Cương là người duy nhất còn tại thế, trong danh sách các văn nghệ sĩ tiêu biểu của TP.HCM được vinh danh nhân dịp 50 năm thống nhất đất nước.


Kỳ nữ Kim Cương được vinh danh cá nhân tiêu biểu trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển TP.HCM từ năm 1975 đến nay. Ban đầu, TP.HCM đề cử 60 nhân vật ở 7 lĩnh vực chính trị, xã hội, khoa học, kinh tế, quốc phòng, văn hóa, tôn giáo để bình chọn 50 cá nhân tiêu biểu. Tuy nhiên, vì mỗi người đều có sự đóng góp khác nhau, nên cả 60 nhân vật đều được biểu dương tại buổi lễ long trọng tổ chức ngày 23/4.

Bên cạnh những chính khách và những nhà hoạt động xã hội, có nhiều trí thức tiêu biểu được vinh danh như giáo sư Trần Văn Giàu, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu, giáo sư Chu Phạm Ngọc Sơn, giáo sư Đặng Lương Mô, giáo sư Nguyễn Chấn Hùng, giáo sư Trần Văn Khê, giáo sư Trần Đông A, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư, Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Thị Ngọc Phượng, tiến sĩ Trần Du Lịch, tiến sĩ Võ Tá Hân, bác sĩ Phan Kim Phương…

Danh sách văn nghệ sĩ TP.HCM được vinh danh nhân dịp 50 năm thống nhất đất nước, đều là những tên tuổi quen thuộc với công chúng. Đầu tiên là nhà văn Trần Bạch Đằng (1926-2007) có bộ tiểu thuyết lừng lẫy “Ván bài lật ngửa”. Thứ hai là nhạc sĩ Xuân Hồng (1928-1996) có các ca khúc “Xuân chiến khu”, “Chiếc khăn tay”, “Tiếng chày trên sóc Bom Bo”, “Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh”…

Thứ ba là nhà quay phim Phạm Khắc (1929-2007) có bộ phim tài liệu “Mê Kông ký sư”. Thứ tư là soạn giả Viễn Châu (1924-2016) có vở tuồng “Chuyện tình Lan và Điệp” và bản vọng cổ “Tình anh bán chiếu”. Thứ năm là nhà điêu khắc Diệp Minh Châu (1919-2002) có nhiều tác phẩm tạo hình ca ngợi lịch sử cách mạng. Thứ sáu là Nghệ sĩ Nhân dân Phùng Há (1911-2009) được xem như một tượng đài sân khấu cải lương Nam bộ. Thứ bảy là nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (1939-2001) với huyền thoại “nhạc Trịnh” phổ cập sâu rộng trong đời sống cộng đồng.

Kỳ nữ Kim Cương là gương mặt văn nghệ sĩ duy nhất còn tại thế, trong đợt vinh danh này. Sinh năm 1937, kỳ nữ Kim Cương là con gái của ông bầu Phước Cương và Nghệ sĩ nhân dân Bảy Nam, nên từ nhỏ đã quen với ánh đèn nghệ thuật.

Hành trình của kỳ nữ Kim Cương có thể tóm tắt như sau: Năm 15 tuổi, Kim Cương đã được soạn giả Duy Lân đo ni đóng giày cho vai nữ chính trong vở “Giai nhân và ác quỷ” để có được biệt danh “kỳ nữ” nức nở thiên hạ. Năm 18 tuổi, chỉ với bộ phim đầu tiên “Lòng nhân đạo”, kỳ nữ Kim Cương đã chiếm lĩnh màn bạc thời điện ảnh Việt chập chững khai sinh. Năm 19 tuổi, kỳ nữ Kim Cương thành lập đoàn kịch nói đầu tiên của Sài Gòn.

Năm 35 tuổi, kỳ nữ Kim Cương mới bước lên xe hoa bằng một đám cưới giản dị với nhà báo Trần Trọng Thức. Năm 41 tuổi, kỳ nữ Kim Cương đối mặt với sự cố đứa con trai đầu lòng Trần Trọng Gia Vinh 5 tuổi bị bắt cóc, chấn động dư luận cuối năm 1978. Từ tuổi 60, kỳ nữ Kim Cương là một nhà vận động uy tín của các chương trình từ thiện…

Không chỉ có tài diễn xuất, kỳ nữ Kim Cương còn dùng bút danh Hoàng Dũng để viết nhiều vở kịch nổi tiếng như “Lá sầu riêng”, “Dưới hai màu áo” hoặc “Trà hoa nữ”. Với kịch bản phim “Chiếc bóng bên đường”, kỳ nữ Kim Cương cũng từng nhận được giải thưởng “Lời thoại xuất sắc nhất” tại Liên hoan Điện ảnh châu Á. Trước năm 1975, kỳ nữ Kim Cương có thời gian giữ chuyên mục tư vấn hôn nhân gia đình trên báo Điện Tín. Kỷ niệm tuổi 80, kỳ nữ Kim Cương xuất bản hồi ký “Sống cho mình, sống cho người” với số lượng in hàng vạn bản.

                                                NNMT