Tô Hoài thực
sự là nhà văn chuyên nghiệp, viết văn trong mọi không gian, thời gian, mọi hoàn
cảnh đều có thể viết. Dường như ngày nào ông cũng viết, viết văn đều đặn, in đều
đặn như một công chức mẫn cán...
NHÀ VĂN VIẾT VĂN KHI NÀO?
SƯƠNG NGUYỆT
MINH
"Nhà
văn viết khi nhà phê bình đi ngủ". Từ ai đó, trong các buổi nói chuyện phiếm
văn chương, tôi đã vài lần nghe câu này. Người nói và những người nghe đều bật
cười. Cười vui nhẹ nhõm, không có ý giễu cợt, kỳ thị. Tôi hiểu, đó là cách nói
vui, nói đùa mỗi khi bàn về người sáng tác và nhà phê bình. Dĩ nhiên là nói
trong ngữ cảnh nhà văn bị nhà phê bình "soi".
Được
"soi" tinh tế thì lòng dạ người sáng tác rưng rưng cảm động, nể phục.
"Soi" hời hợt, hay thô bạo, ác ý dù vô tình hay cố ý thì nhà văn cũng
buồn, giận, thậm chí ghét. Ở một góc nhìn khác, "nhà văn viết khi nhà phê
bình đi ngủ" còn mang ý tứ sáng tạo tự do, mà không bị "soi",
không bị dẫn dắt, định hướng… bởi môi trường, bởi dư luận.
1. Chuyện
"bếp núc nhà văn" thì câu chuyện viết khi nào lại mang tính thói
quen, tính lao động nghề nghiệp, chứ không mang quan hệ sáng tác và phê bình.
Có trăm ngàn hình vẻ khi nhà văn sáng tác. Người có cảm hứng mới ngồi vào bàn
viết, người viết đều đặn như công chức nhà nước hàng ngày đến công sở, không chờ
cảm xúc.
Nhà văn
Nguyễn Nhật Ánh có lần trả lời phỏng vấn trên báo chí rằng, không khí ồn ào,
náo nhiệt lẫn yên tĩnh ông đều có thể viết. Đang sáng tác dào dạt, nhưng ông có
thể gác luôn viết lách sang một bên để giải quyết một công việc gấp, hoặc trả nợ
một bài báo đang chờ lên khuôn in. Sau đó, ông lại có thể ngồi vào sáng tác và
sống hoàn toàn trong thế giới sáng tác riêng của mình.
Người sáng
tác phải có điều kiện tiện lợi, phải quen thuộc, dứt khoát phải ngồi đúng cái
ghế ấy, cái bàn ấy, cái phòng ấy gần gũi thân thuộc từ ánh sáng, màu sắc, mùi vị
mới viết được. Có người ở nhà chẳng viết được chữ nào, mấy năm không ra được
sách, nhưng được đi trại sáng tác một tháng, đến cái nơi xa lạ mà chữ nghĩa
tuôn ra ào ạt. Ngược lại, nhiều người đi trại sáng tác chủ yếu là chơi, giao
lưu bạn văn, còn ở nhà mới là không gian sáng tạo.
Thời gian
viết chẳng ai giống ai. Người cứ bảy giờ sáng ngồi vào bàn viết, mười một giờ dừng
bút, đến hai giờ chiều lại viết đến năm giờ thì đóng máy. Đây là kiểu nhà văn
viết chuyên nghiệp, chủ động thời gian, chinh phục thời gian. Còn nhà văn năm
thì mười họa, nhớ nghề hay có nơi đặt bài mới viết, là kiểu nhà văn nghiệp dư,
bị động và không làm chủ được thời gian sáng tác. Có người ban ngày bận rộn họp
hành, cuốc bẫm cày sâu mưu sinh, đêm về mệt bơ phờ lăn ra ngủ, ba hoặc bốn giờ
sáng mới thức dậy viết.
Tâm trạng
sáng tác cũng khác nhau lắm. Có nhà văn phải thật thảnh thơi, an lành mới viết
được, nhưng nhiều người bận túi bụi, làm biên tập, viết báo, hoặc làm các nghề
khác ngoài văn chương cắm mặt vào chuyên môn, nhưng cứ rảnh là sáng tác. Có người
giận hờn, thù hận là không viết được, nhưng có người vì hằn học, đố kỵ mà viết
cả quyển sách đầy ám chỉ người khác. Có người vui tươi, hạnh phúc mới viết được
văn, nhưng có người viết văn lúc buồn nhất, lúc bất hạnh nhất mà lại ra tác phẩm
quan trọng nhất của đời văn.
Nhà văn Lê
Lựu viết tiểu thuyết "Thời xa vắng" nổi tiếng khi ông đang sống những
tháng năm thật buồn. Dạo đi Trại viết Đồ Sơn, ông kể với tôi rằng: Lúc ly dị
người vợ đầu - người vợ do bố mẹ ép lấy và ông không yêu, ông buồn lắm. Một buổi
sáng, nhà văn Nguyễn Khải rủ ông ra quán chè chén đầu phố Lý Nam Đế - Phan Đình
Phùng ngồi uống nước, ăn dăm cái kẹo bột. Ông Khải an ủi, động viên, nhưng ông
vẫn không hết nỗi buồn chán về cuộc hôn nhân thất bại. Chỉ đến khi nhà văn Nguyễn
Khải bảo: "Với người bình thường, hôn nhân thất bại là mất mát lớn, nhưng
với nhà văn trong sự mất mát ấy lại có cái được, cái được của sự trải nghiệm đời
sống để viết văn. Viết đi Lê Lựu ơi! Cậu hãy viết về những cái không may mắn,
những mất mát của đời cậu, có khi ra được một cái gì đó".
Nghe vậy,
Lê Lựu xin phép tòa soạn đi sáng tác; Cục Chính trị Quân khu 3 cho ông ăn nghỉ,
sáng tác ở Nhà điều dưỡng Đồ Sơn ba tháng. Để rồi sau bốn tháng ông viết tay
hoàn thành bản thảo "Thời xa vắng", ông viết bằng nỗi buồn của mình,
viết về nhân vật nửa đời trước sống cho người khác, sống bằng cái không phải của
mình; nửa đời sau sống cho mình nhưng lại sống bằng cái của người khác. Ông viết
bằng tâm trạng thất bại của cuộc sống đời thường.
Nhà văn
Nguyễn Văn Thọ là một tác giả viết văn làm thơ bằng trải nghiệm sống. Trải nghiệm
sống thời chiến tranh, trải nghiệm sống xa xứ. Những ngày còn sống ở Đức, ông
đi bán hàng rong, đứng co ro trong tuyết bay bời bời chiếm dụng vỉa hè bán
hàng; về sau thuê một gian hàng ở chợ giời Teltow có biển hiệu, nhưng vẫn bày
quần áo, giày tất ra vỉa hè bán. Cuộc sống trần trụi và khắc nghiệt của những
năm tha hương mưu sinh với người lao động bình thường thì không may mắn, là cái
mất, nhưng với nhà văn lại là cái được.
Nhà văn
Nguyễn Văn Thọ kể: "Ngày lại ngày, tôi đi bán hàng 16 tiếng đồng hồ và cứ
đúng 3 giờ sáng ngồi dậy âm thầm đọc và viết". Nhưng để được gần sáng ngồi
dậy viết, thì ban ngày khi ngồi bên đống quần bò, giày, tất ở chợ Tetow, ông đã
nghĩ ngợi, tính toán như một thợ cả nghề mộc hình dung cột cái, quá giang, kèo,
bẩy, trụ, đấu,… chuẩn bị sẵn để dựng ngôi nhà mới. Có nghĩa là, cái tứ truyện bất
chợt nảy ra trong đầu, hay cốt truyện vụt đến từ một kỷ niệm, từ một cuộc gặp gỡ
bất ngờ với người cựu binh phía bên kia giữa trời tây xa lắc…, ông đã nghĩ ngợi,
đã "bày binh bố trận" cho một tác phẩm mới.
Nhưng, việc
bán hàng mưu sinh cơm áo gạo tiền, cộng trừ nhân chia lúc bán hàng, lúc con nợ
đến réo gọi đôi khi phủ lấp, che kín cả tứ truyện, cốt truyện, chi tiết, thậm
chí đánh bật mấy câu thơ đã thuộc ra khỏi đầu. Đôi khi một vài câu thơ bỗng
dưng xuất thần, ông ghi luôn vào bao thuốc lá. Còn văn xuôi thì ông lấy bút gạch
đầu dòng từng ý, từng chi tiết, hoặc một câu thoại hay để khỏi quên, nhiều lúc
cao hứng nhí nhoáy viết được cả đoạn văn, thậm chí cả trang truyện ngắn, chỉ
khi khách hàng đến hỏi mua mới giật mình, quay lại chuyện mua bán mưu sinh.
Trong tuyết
rơi bời bời, cực thân quá nhớ Hà Nội, tủi thân quá mà thành thơ, cứ nghĩ đến
đâu chép lại cũng ra bài thơ "Hơi thở" về sau in vào tập thơ "Mảnh
vỡ": "Tôi sống giữa châu Âu/ ăn ngon, mặc đẹp - Hơi thở tôi rất lạnh!/
tôi mua - mua, bán - bán/ trên hè đường/ ngày lại ngày.../ nhiệt độ ngoài trời
âm hai mươi nhăm độ/ nước mắt chảy ra đóng băng gai nhọn/ đồng D Mark trong ngực
cứng như lưỡi dao/ chém vào lòng.../ nhận ra lời tha hương bạt xứ của ai!/ Sau
lưng cửa hàng hoa đầy hoa nhiệt đới sống trong lồng kính/ lồng kính mong manh -
con người dễ vỡ/ tôi thương xanh lướt lả thân cành". "Nhà ba hộ",
"Vàng xưa", và đặc biệt là tiểu thuyết "Quyên", ông cứ viết
nháp trong lúc bán hàng ở vỉa hè, rồi về nhà đêm lăn ra ngủ, lúc ba giờ sáng thức
dậy viết suốt hai năm trời trong những ngày xa xứ mưu sinh lam lũ, nhọc nhằn ấy.
2. Khi
nào cũng viết được văn ấy là nhà văn Tô Hoài. Nhà thơ Vũ Quần Phương nói về đặc
tính nghề nghiệp này của ông một cách bao quát và chính xác: "Hơn chín
mươi tuổi đời, hơn bảy mươi năm cầm bút. Năm nào nhà văn Tô Hoài cũng có những
tác phẩm mới. Trong điều kiện nào cũng viết được, đi công tác, đi dưỡng bệnh,
đi nước ngoài, thậm chí ngồi chủ tịch đoàn hội nghị cũng viết được".
Tô Hoài thực
sự là nhà văn chuyên nghiệp, viết văn trong mọi không gian, thời gian, mọi hoàn
cảnh đều có thể viết. Dường như ngày nào ông cũng viết, viết văn đều đặn, in đều
đặn như một công chức mẫn cán và sáng tạo thì vô cùng đa dạng, phong phú. Ông
viết văn cần thiết như hít thở hàng ngày. Viết không chờ cảm hứng, cứ viết rồi
cảm hứng sẽ đến. Ông Nam Cao "sống rồi hãy viết", còn ông Tô Hoài
"sống đến đâu viết đến đấy, vừa sống vừa viết". Có lẽ với phẩm chất
"khi nào cũng viết được văn" nên Tô Hoài có khối lượng tác phẩm rất đồ
sộ hơn 160 quyển, và nhiều tác phẩm như "Dế mèn phiêu lưu ký",
"Truyện Tây Bắc", "Ba người khác",… đã làm nên tên tuổi lớn
của ông.
Nhà văn
Khuất Quang Thụy có biệt tài viết rất nhanh, viết trong mọi hoàn cảnh. Đang họp
biên tập, ai nói gì thì nói, phê bài thơ nào không hay, truyện ngắn nào yếu
cũng kệ, ông cứ viết. Thậm chí phê ban Văn do ông đang làm Trưởng ban số này
truyện ngắn yếu ông cũng kệ, cứ ngồi viết, giao ban xong, họp xong thì ông cũng
xong bài bút ký, hoặc bình luận đưa cho bộ phận vi tính đánh máy. Có nghĩa là
khi đã tập trung vào làm một việc gì đó, đặc biệt là sáng tác thì sét đánh bên
tai, lụt dâng dưới chân cũng không làm ông nao núng, dừng viết.
Hồi tôi
còn ở đơn vị, được in truyện ngắn đầu tay “Nỗi đau dòng họ” trên Tạp chí Văn
nghệ Quân đội, người làng đi bộ đội đọc được tới tấp gửi về quê hơn chục quyển.
Người ta chuyền tay nhau đọc, thấy câu chuyện giống dòng họ mình quá, rồi xảy
ra kiện cáo tận tòa soạn. Dù là truyện ngắn, nhưng chuyện gì tôi viết giống tư
liệu thì họ bảo bêu riếu quê hương dòng họ, những gì tôi hư cấu thì họ bảo
xuyên tạc bóp méo sự thật. Tòa soạn mời tôi lên tường trình sự việc.
Trong lúc
tôi thao thao kể lại cảm hứng sáng tác bắt đầu từ câu chuyện mâu thuẫn truyền
kiếp ở làng cho Thiếu tướng, nhà văn Hồ Phương nghe, thì Khuất Quang Thụy cứ cầm
bút nhoay nhoáy viết vào tập giấy A4, thỉnh thoảng lại đế vào một vài câu. Khi
là: “Minh mới viết nên ấu trĩ về nghề nghiệp cũng phải thôi”. Lúc lại: “Giá như
cậu chỉ cần thay đổi một cái dấu sắc thôi, đổi tên nhân vật tổng Dính bằng tổng
Dinh chẳng hạn, hay núi Lắng bằng núi Trắng, thì họ kiện củ khoai”…, rồi lại
nhoay nhoáy viết. Tôi tưởng ông ghi biên bản cuộc tường trình của cộng tác viên
với ban biên tập, ngó sang nhìn hóa ra ông viết… nốt bài bút ký đang dở dang. Vừa
làm việc, vừa viết được bút ký. Tài thật!
Viết văn
“tốc chiến” tại cuộc làm việc với nhân vật bằng… điện thoại di động phải kể đến
nhà văn Thương Hà. Chị và nhà văn Lê Hoài Nam ngồi làm việc với Thượng tướng
Nguyễn Huy Hiệu, cứ vừa hỏi chuyện chiến trường, chuyện cuộc sống, vừa nghe, vừa
trao đổi, vừa bấm điện thoại nhoay nhoáy. Cái gì cảm thấy sơ sài, hoặc không
phù hợp thì lẳng lặng nghe, còn câu chuyện cảm động, chi tiết hay thì chị không
bỏ sót.
Hết buổi
làm việc thì cũng cơ bản xong bài bút ký, về nhà chỉ việc cấu trúc lại các phần,
sắp xếp đoạn nào trên đoạn nào dưới, trau chuốt câu chữ, bổ sung các câu nhận định,
bình luận của nhà văn, hoặc các câu triết lý, đặt tên tác phẩm, hoàn chỉnh phần
mở đầu và kết bài. Thế cũng thành bút ký chân dung nhân vật “Tướng quân tài ba
trận mạc, thao lược thời bình” in trên báo Quân đội Nhân dân.
Đúng là
muôn hình vạn trạng khi nhà văn sáng tác!
Nguồn: An Ninh Thế Giới cuối tháng