Ở Việt Nam, tình trạng lạm dùng AI trong văn nghệ cũng đã manh nha. Trên mạng xã hội bắt đầu xuất hiện nhiều quảng cáo "sáng tác ca khúc theo đơn đặt hàng chỉ với giá 499k". Đa số các đơn đặt hàng này đều được xử lý bằng AI.
Tuần vừa
qua đã có một sự kiện văn hóa quốc tế được tổ chức và gây ra nhiều tranh cãi.
Đó là phiên trưng bày đấu giá hơn 20 "tác phẩm" AI tạo ra do nhà đấu
giá Christie's tổ chức tại New York. Các "tác phẩm" này được định
giá từ 10 ngàn cho tới 25 ngàn USD với kỳ vọng có thể mang lại cho Christie's
ít nhất là 600 ngàn USD.
Ngay lập tức,
hơn 6.000 nghệ sĩ khắp nơi trên thế giới đã cùng ký vào bản kiến nghị trực tuyến
yêu cầu Christie's dừng sự kiện này. Vấn đề mà các nghệ sĩ đặt ra tập trung chủ
yếu ở 2 phần: Sở hữu trí tuệ và tác động lâu dài của phiên đấu giá này.
Thứ nhất
là quyền sở hữu trí tuệ. Như chúng ta đã biết, AI là sản phẩm do con người tạo
ra và phát triển nhờ sự đóng góp từ chính cộng đồng người dùng thông qua tính
năng "máy học" (machine learning). Chính vì vậy, nhiều cái được gọi
là "sáng tạo của AI" chẳng qua đều bắt nguồn từ nguồn dữ liệu khủng
mà cộng đồng đóng góp chung vào. Do đó, tính liêm chính trong sở hữu trí tuệ rất
đáng được đặt ra ở đây với thách thức cụ thể "AI có phải chủ thể duy nhất
sở hữu quyền tác giả hay không?".
Thứ hai,
việc một nhà đấu giá uy tín thuộc hạng bậc nhất thế giới như Christie's tổ chức
đấu giá "tác phẩm của AI" được xem như hành động ngầm thừa nhận tính
chính danh tác giả của AI cũng như việc sử dụng AI tạo ra "tác phẩm".
Từ sự thừa nhận ngầm đó, sẽ có không ít người dùng AI cho rằng mình hoàn toàn
có quyền tham gia tạo nên tác phẩm nghệ thuật nhờ vào sự hỗ trợ đắc lực của
công cụ này. Kéo dài hành vi này đồng nghĩa với việc dễ dãi hóa sáng tạo nghệ
thuật trong cộng đồng và nó xúc phạm những nghệ sĩ chân chính vẫn lao động theo
đường lối cổ điển.
Ở Việt
Nam, tình trạng lạm dùng AI trong văn nghệ cũng đã manh nha. Trên mạng xã hội bắt
đầu xuất hiện nhiều quảng cáo "sáng tác ca khúc theo đơn đặt hàng chỉ với
giá 499k". Đa số các đơn đặt hàng này đều được xử lý bằng AI. Ngoài ra, việc
nhiều người hoàn toàn ngoại đạo với nghệ thuật dùng AI để tạo ra tác phẩm rồi gắn
vào tên mình như tác giả duy nhất đã bắt đầu khá phổ biến. Những thứ được gọi
là tác phẩm này nếu chỉ sử dụng với mục đích cá nhân thì không vấn đề gì. Tuy
nhiên, nếu chúng được khai thác thương mại thì vấn đề lớn đã mở ra như chiếc hộp
pandora. Tính liêm chính nghệ thuật không còn nữa. Tính chính danh không còn nữa.
Không thể
phủ nhận, AI đang là công cụ đắc lực ở thời đại này. Nhanh chóng tiếp cận và
làm chủ AI là việc mỗi cá nhân nên làm. Song, cái nhanh đó nên giới hạn ở chức
năng một trợ lý ảo chứ không phải một công cụ làm việc thay thế con người. Và,
trong nghệ thuật lại càng cần phải chậm với AI bởi nhiều nguyên do chủ quan lẫn
khách quan, tính liêm chính lẫn nền tảng cơ bản của nghệ thuật.
Việc nhờ
AI vẽ một bức tranh có thể được lý giải rằng do người ra lệnh xây dựng các ý niệm,
ý tưởng một cách chi tiết và AI chẳng qua chỉ là "thợ" thực hành các
ý tưởng ấy. Với lý giải này, nhiều người biện minh rằng người đẻ ra ý niệm mới
là chủ nhân tác phẩm. Song, để đánh giá một tác phẩm nghệ thuật, ngoài ý niệm
thì thủ pháp cũng vô cùng quan trọng. Thủ pháp của nghệ sĩ chính là điểm mấu chốt
để tạo ra sự khác biệt của nghệ sĩ đó so với phần còn lại. Sử dụng AI làm thay
mình, thủ pháp của nghệ sĩ đã đi đâu mất rồi?
Nhanh với
AI, chậm với AI chính là điều mà mỗi chúng ta nên quan tâm lúc này. Tự thân con
người định nghĩa mình là ai chứ đừng nên để một công cụ máy móc định nghĩa mình
là ai trong thế giới này.
HÀ QUANG
MINH
Nguồn: Văn Nghệ Công An