Khi thơ ca có nhịp điệu tồn tại phổ biến trong trong mọi nền văn hoá của con người, liệu nhịp thơ có liên quan đến nhịp sinh học, thông qua trung gian là hoạt động của não không? Vì sao con người lại thích thú khi đọc thơ có nhịp và vần?


Năm 1985, nhà thần kinh học Ernst Pöppel (ĐH Munich, Đức) và nhà thơ Frederick Turner (ĐH Texas, Dallas, Mỹ) đã cùng giải đáp câu hỏi này trong tiểu luận “Nhịp thơ, não bộ và thời gian” – một nghiên cứu được trao giải thưởng của Hiệp hội Thơ Hoa Kỳ, và góp phần đặt nền móng cho sự ra đời của phân ngành thẩm mỹ học thần kinh (neuroesthetics).

Là con của hai nhà nhân học văn hoá có tư tưởng Marxist, và dành tuổi thơ để sống cùng cha mẹ trong các chuyến nghiên cứu điền dã ở Châu Phi, nhà thơ Frederick Turner luôn khao khát khám phá các đặc tính phổ quát của con người thông qua sự kết hợp giữa nghệ thuật và khoa học. Với động lực này, ông đã viết luận án tiến sĩ mang tên “Shakespeare và bản chất của thời gian” vào năm 1967, nhờ đó thu hút sự chú ý của Hiệp hội Quốc tế về Nghiên cứu Thời gian (ISST) – một tổ chức kết hợp các nhà khoa học chuyên nghiệp, các nghệ sĩ và các nhà nhân văn trong công cuộc nghiên cứu thời gian từ góc nhìn vật lý, sinh học và xã hội.

Sau khi gia nhập ISST, Turner bắt đầu nghiêm túc nghiên cứu sự tồn tại của nhịp thơ trong các nền văn hoá trên toàn thế giới. Ông nhận thấy mọi xã hội đều có thơ, thơ luôn được ngắt nhịp, và mỗi nhịp thơ thường dài không quá 3 giây, dù xã hội được khảo sát có hay chưa có chữ viết.

Một thành viên khác của ISST, là nhà thần kinh học Ernst Pöppel, đã cho Turner biết rằng chu kỳ 3 giây này trùng với chu kỳ tổ chức thông tin thính giác trong não bộ. Trong các nghiên cứu trước đó, Pöppel và các cộng sự tại Munich lập luận rằng rằng nếu da người có thể cảm nhận cả sóng điện từ (như nhiệt) lẫn sóng cơ học (như lực từ một cú đánh), thì mắt được chuyên biệt hoá để cảm nhận phổ sóng điện từ mà con người gọi là ánh sáng, còn tai được chuyên biệt hoá để cảm nhận phổ sóng cơ học họ gọi là âm thanh.

Tai khác da ở mức độ tinh tế của cảm nhận: nó có thể phân biệt các âm thanh khác nhau, tức là các tần số khác nhau của sóng cơ học. Và vì tai chỉ phân biệt được các âm thanh nếu chúng không vang lên cùng lúc – khác với mắt nhìn được nhiều màu sắc hiện lên cùng lúc – tai là giác quan gắn chặt nhất với trải nghiệm về thời gian. Vì vậy, trải nghiệm về thời gian của con người liên quan mật thiết đến quá trình xử lý thông tin thính giác trong não bộ.

Bằng thực nghiệm, nhóm của Pöppel ghi nhận rằng thính giác mang đến cho con người năm kiểu trải nghiệm thời gian khác nhau, đặt nền tảng cho năm ý niệm khác nhau về quan hệ giữa các sự vật. Nếu hai âm thanh khác nhau về tần số vang lên cách nhau dưới 0,003s, tai người sẽ cho rằng chúng vang lên đồng thời và không thể phân biệt chúng với nhau – trải nghiệm này đặt nền tảng cho cảm giác về sự hợp nhất. Nếu tăng khoảng cách thời gian giữa hai âm thanh lên một chút, từ 0,003-0,03s, tai người bắt đầu cảm nhận rằng có hai âm thanh khác nhau đang vang lên, nhưng không xác định được âm thanh nào đến trước – một trải nghiệm đặt nền tảng cho việc phân biệt hai sự vật.

Nếu tiếp tục tăng khoảng cách thời gian này lên mức 0,03-0,3s, con người phân biệt được trình tự trước-sau giữa hai âm thanh – từ đó có thể hình thành những giả định về mối quan hệ nhân quả giữa chúng – nhưng không kịp phản ứng với âm thanh thứ nhất trước khi âm thanh thứ hai vang lên. Nếu hai âm thanh vang lên cách nhau từ 0,3-3s, họ kịp phản ứng trước khi âm thanh thứ hai vang lên, nhưng đây thường là phản xạ chưa mang tính chủ đích. Não người cần 3s để gộp các tín hiệu thời gian khác nhau lại làm một để xử lý, nhằm hình thành nhận thức về cái hiện tại đang diễn ra – thứ đặt nền tảng cho mục đích của hành vi.

Như vậy, con người trải nghiệm các khoảnh khắc hiện tại dài 3s, và thời gian trong cảm nhận của con người là các khoảnh khắc 3s nằm nối tiếp. Những thứ nằm ngoài hai đường ranh giới phân định 3s này tạo thành trải nghiệm về ký ức và dự định, hiện tại và tương lai. Trải nghiệm thính giác đặt nền tảng cho một lượng lớn các ý niệm mà con người dùng để nhận thức và tư duy về thế giới.

Trong bài luận viết chung, Pöppel cho rằng những nhận định của mình phù hợp với nhiều bằng chứng thực nghiệm. Chẳng hạn, khoảng 3s một lần, một người đang nói sẽ dừng lại vài mili giây để quyết định cú pháp và từ vựng mình dùng trong 3s tiếp theo. Người ta thường đọc mỗi âm tiết – đơn vị cơ bản của ngôn ngữ – trong 0,3s, tương ứng với khoảng thời gian tối thiểu cần có để não phản ứng trước âm thanh. Và như nghiên cứu của Turner cho thấy, thơ có nhịp tồn tại trong mọi nền văn hoá, với mỗi nhịp thơ mất trung bình 2,5-3,5s để đọc.

Như vậy, thơ sắp xếp nhiều loại thông tin khác nhau thành các nhịp, sao cho mỗi nhịp vừa đủ để xây dựng một khoảnh khắc hiện tại trọn vẹn, qua đó làm sẵn một lượng lớn công việc mà bình thường bộ não phải tự làm. Nhịp góp phần tạo nên cảm giác trọn vẹn mà thơ mang lại. Thêm vào đó, nhịp cũng tăng khả năng ghi nhớ: khi đọc một bài thơ có nhịp, ta có thể nhớ lại chính xác cảm xúc trong lần đầu đọc nó, bởi các hoạt động của não bộ trong thời điểm đó sẽ được tái hiện nguyên vẹn qua trình tự của các nhịp thơ. Thơ là thông tin được tiêu hoá sẵn.

Thêm vào đó, thơ cũng tận dụng nhiều đặc tính khác của não bộ. Vào thời điểm đó, khoa học đã ghi nhận rằng bộ não hoạt động cùng lúc theo hai khuynh hướng đối nghịch nhau: ở phương diện “bảo thủ”, nó quen áp các mô hình mà mình xây dựng lên thực tế và cắt gọt nhận thức về thực tế sao cho khớp với các mô hình; ở phương diện tò mò, nó yêu thích các bất ngờ (chẳng hạn: chỉ những vật chuyển động hoặc những tương phản về ánh sáng và màu mới thu hút sự chú ý của thần kinh thị giác).

Vì các bài thơ hay thường vừa lấy một nhịp điệu cố định làm xương sống, vừa phát triển các biến tấu về vần, điệu và các phép ẩn dụ gây bất ngờ, nó khiến não của người đọc thơ “tự thưởng” cho các tiên đoán về nhịp của mình bằng cách tiết ra endorphin – một nhóm hormone mang lại cảm giác hạnh phúc, đẩy lùi căng thẳng và lo âu. Hiện tượng này không chỉ xảy đến do vần nhịp, mà còn do ý nghĩa của bài thơ: các phép ẩn dụ của thơ giúp liên kết các ý niệm, cùng các mảnh rời rạc của đời sống lại, sao cho liền mạch với các giá trị chân-thiện-mỹ đang dựng nên mô hình tổng thể mà một người áp lên thế giới của mình. Thơ vừa khuyến khích con người cải tạo thế giới theo lý tưởng của mình, vừa giúp họ từng bước điều chỉnh lý tưởng cho phù hợp với thực tế.

Viện dẫn các nghiên cứu của Barbara Lex về mối quan hệ giữa sinh lý não bộ và các bài thánh ca nghi lễ (vốn là thơ được ngâm vịnh theo điệu nhạc), Pöppel và Turner cho rằng vì nhịp thơ trùng với nhịp tổ chức thông tin thính giác của não bộ và giải phóng “hormone hạnh phúc”, thơ có thể đẩy người đọc vào trạng thái thôi miên nhẹ, sau đó điều chỉnh nhịp sinh học của các cơ quan trong cơ thể thông qua hệ thần kinh ngoại biên. Không đáng ngạc nhiên, khi nhiều nền văn hoá đã sử dụng thơ ca để điều nhịp cho các sinh hoạt khác nhau của xã hội: các nghi lễ mùa vụ, các ngày hội kết duyên, các sinh hoạt sản xuất (như trường hợp của điệu hò chèo thuyền, hò kéo lúa…).

Tóm lại, thơ có vần giúp rèn luyện nhiều chức năng quan trọng của não như phân loại thông tin, ghi nhớ, sáng tạo, nhận thức nhận thời gian, thẩm mỹ và đạo đức, đồng thời giúp điều hoà nhịp sinh học của cơ thể và nhịp sinh hoạt của xã hội. Từ những nhận xét này, bài luận kêu gọi duy trì việc dạy thơ có vần trong chương trình giáo dục cấp phổ thông – một điểm gây tranh cãi vào thời bấy giờ, khi thơ ca đang mất dần tầm ảnh hưởng và thơ tự do không vần đang thống lĩnh thi đàn Mỹ.

Hai tác giả cũng gợi ý rằng các bác sĩ tâm lý nên dùng các thực hành đọc và viết thơ làm phương tiện để trị liệu, và các nhà thơ nên nghiên cứu về nhịp để tác động đến tâm trí người đọc một cách chủ động hơn. Bài luận của Pöppel và Turner đã trở thành một trong những văn bản đặt nền tảng cho trào lưu thơ tân hình thức (New Formalism) ở Mỹ – một phong trào có quan điểm rằng thơ nên trở thành phương tiện nối liền quá khứ và hiện tại, khoa học và nghệ thuật, cá nhân và xã hội, thay vì chỉ trưng bày cái tôi hoặc cảm thức cá nhân và chỉ gói gọn trong một giới chuyên môn ngày càng cách xa quần chúng.

                              NGUYỄN VŨ HIỆP

 

Nguồn: Báo Khoa học & Phát triển