Tính phổ
quát nếu bị lạm dụng một cách duy ý chí sẽ ngày càng trở nên kiệt quệ và đi đến
sự rỗng nghĩa, khi nó chỉ đơn thuần thể hiện sự chung chung, không gắn với một
điều kiện cụ thể nào đó.
Văn chương
và sự kiệt quệ của tính phổ quát
NGUYỄN
THANH TÂM
Tại lễ
trao giải Nobel Văn học dành cho nữ thi sĩ người Mỹ Louise Gluck (2020) Viện
Hàn lâm Thụy Điển đã nhấn mạnh, đó là: "Một giọng thơ không lẫn vào đâu được,
với vẻ đẹp nghiêm khắc khiến sự tồn sinh của cá nhân trở nên phổ quát". Nhận
định này dường như lưu tâm nhiều hơn đến tính phổ quát như là thành tựu quan trọng,
nhưng có lẽ cũng cần phải đặc biệt chú ý đến "vẻ đẹp nghiêm khắc" và
"sự tồn sinh của cá nhân" vốn là điều kiện để tính phổ quát không trở
thành phạm trù chung chung, rỗng nghĩa.
Phổ quát
là một khái niệm hướng đến những giá trị, thuộc tính chung, có thể đúng/ áp dụng
cho đa số, vượt lên trên những điều kiện riêng biệt thuộc về cá nhân hay các cộng
đồng riêng lẻ. Trên bình diện triết học, cặp phạm trù chung - riêng vẫn được
xem xét nhằm chỉ ra mối quan hệ biện chứng, cái chung nghèo nàn hơn cái riêng
do nó phản ánh những đặc điểm bao quát nhất cho nhiều đối tượng; còn cái riêng
sâu sắc, giàu có hơn cái chung do nó vừa có những khía cạnh đáp ứng cái chung,
vừa có những nét riêng biệt chỉ tồn tại trong điều kiện - phạm vi cụ thể của đối
tượng.
Trong văn
hóa, vấn đề bản sắc, cá tính, nét riêng độc đáo trở thành nền tảng để kiến tạo
cơ sở tồn tại của văn hóa. Không phải ngẫu nhiên, có ý kiến cho rằng, văn hóa
chỉ tồn tại khi có từ hai nền văn hóa trở lên. Nghĩa là, phải có sự khác biệt,
mới có sự phân định - xác lập văn hóa. Trong xã hội, sự khác biệt của mỗi cá thể,
mỗi cộng đồng, làm nên diện mạo của chủ thể trong sự tương sánh với các cá thể
- cộng đồng khác. Trong văn chương, điều đó thiết nghĩ cũng không phải là ngoại
lệ.
Tính phổ
quát nếu bị lạm dụng một cách duy ý chí sẽ ngày càng trở nên kiệt quệ và đi đến
sự rỗng nghĩa, khi nó chỉ đơn thuần thể hiện sự chung chung, không gắn với một
điều kiện cụ thể nào đó. Như trường hợp của Louise Gluck, phải cần có "vẻ
đẹp nghiêm khắc" của "sự tồn sinh cá nhân", cái phổ quát mới thực
sự có ý nghĩa. Cũng như vậy, khi nói về chiến tranh, dịch bệnh, cái chết, sự bất
an hay các tình thế ngặt nghèo của hiện hữu con người, nếu rời xa những kinh
nghiệm cá biệt, các biểu đạt phổ quát này sẽ hoàn toàn mất đi chiều sâu của sự
tinh tế, dẫn đến mơ hồ thiếu thuyết phục.
Một khái
quát về chiến tranh, như là biến cố khủng khiếp, kinh hoàng của lịch sử loài
người, sẽ không chạm đến lương tri nhân loại yêu chuộng hòa bình, nếu thiếu đi
những bi kịch cụ thể. Làm sao ta có thể đánh đồng cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc với
cuộc chiến xâm lược? Cái chết của kẻ gieo rắc tội ác chiến tranh với sự hy sinh
của người bảo vệ hòa bình làm sao có thể quy về đơn giản chỉ là "những cái
chết trong chiến tranh" được? Những tác phẩm văn học của Việt Nam, viết về
chiến tranh, đã khu biệt hóa phạm trù chung "chiến tranh" vào số phận
của dân tộc trong tình huống buộc phải đối đầu với kẻ thù cướp nước và gieo rắc
tội ác lên đời sống nhân dân.
Đó là lựa
chọn "cá biệt" mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: "Chúng ta
muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực
dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa! Không! Chúng ta
thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm
nô lệ. Hỡi đồng bào! Chúng ta phải đứng lên" (Lời kêu gọi Toàn quốc kháng
chiến).
Phê phán
chiến tranh như một sự kiện phổ quát với tính bạo lực - phi nhân của nó mà bỏ
qua những tình huống cụ thể, thực chất là một sự phê phán cảm tính, nếu không
muốn nói rằng hoàn toàn thiếu vắng sự suy tư nghiêm túc (vẻ đẹp nghiêm khắc)
trước thân phận con người, thân phận dân tộc trong thử thách máu lửa của lịch sử.
Thuở xưa,
Nguyễn Trãi thay lời Lê Lợi viết "Bình Ngô đại cáo" cũng đã nêu cao
chân lý - nguyên lý cá biệt ấy của dân tộc Đại Việt: "Việc nhân nghĩa cốt ở
yên dân/ Quân điếu phạt trước lo trừ bạo". Muốn yên dân phải trừ bạo, và
"điếu phạt" chính là thực hành một yếu tố bất khả kháng trong tổng
thành của lý tưởng nhân nghĩa.
Trong truyện
ngắn "Rừng xà nu" của Nguyễn Trung Thành, cụ Mết - đại diện cho cộng
đồng làng Xô Man đã nói lên chân lý của việc cần phải tiến hành bạo lực cách mạng:
"Chúng nó đã cầm súng, mình phải cầm giáo". Lẽ nào dân làng Xô Man
không yêu chuộng hòa bình, không quý trọng sự sống? Nhưng, điều kiện cá biệt ở
đây chính là: muốn có hòa bình, phải chuẩn bị chiến tranh. Hòa bình không thể
có, không thể giữ, trước lòng tham, nanh vuốt của cái ác. Làm sao có thể thương
lượng với khẩu súng, nếu nó chỉ một mực nhăm nhăm nhả đạn vào con người?
Svetlana
Alexievich nhà văn đoạt giải Nobel (2015) trong diễn từ nhận giải tại Stockholm
(Thụy Điển) đã dẫn lời Theodor Adorno rằng: "Sau Auschwitz mà còn làm thơ
là một sự man rợ" (Auschwitz là trại tập trung - diệt chủng của Phát xít Đức).
Vậy, người ta sẽ làm gì để ngăn chặn tội ác, chỉ bằng những trang sách ư?
Hitler cũng là kẻ đọc sách.
Trần Quốc
Tuấn trong "Hịch tướng sĩ" đã nêu rõ: "Nếu có giặc Mông Thát
tràn sang thì cựa gà trống không thể đâm thủng áo giáp của giặc, mẹo cờ bạc
không thể dùng làm mưu lược nhà binh… tiền của tuy nhiều không mua được đầu giặc,
chó săn tuy khỏe không đuổi được quân thù, chén rượu ngon không thể làm cho giặc
say chết, tiếng hát hay không thể làm cho giặc điếc tai. Lúc bấy giờ, ta cùng
các ngươi sẽ bị bắt, đau xót biết chừng nào! Chẳng những thái ấp của ta không
còn, mà bổng lộc của ngươi cũng mất; chẳng những gia quyến của ta bị tan, mà vợ
con các ngươi cũng khốn; chẳng những xã tắc tổ tông ta bị giày xéo, mà phần mộ
mẹ cha các ngươi cũng bị quật lên; chẳng những thân ta kiếp này chịu nhục, rồi
đến trăm năm sau, tiếng dơ không rửa, tên xấu còn lưu". Đó là sự lựa chọn
dựa trên điều hơn lẽ thiệt cụ thể của dân tộc trước họa xâm lăng, đâu phải là ý
chí bạo tàn hiếu chiến của kẻ làm tướng.
Nhân loại
từ trong lịch sử đến giờ, có những câu chuyện chung, mà ta có thể gọi là phổ
quát. Sự sống, cái chết, các giá trị nhân văn giúp con người NGƯỜI hơn (tình
yêu thương, cái đẹp, cái cao cả), nỗi cô đơn, bất an và những đe dọa đến tồn tại
con người… Xét ra, trên yếu tính của sự phổ quát, những câu chuyện chung không
nhiều. Cái riêng - khác - cá biệt làm cho cái chung có sức sống, và thường
xuyên bổ sung vào cái chung những khía cạnh phong phú, đa dạng hơn.
Rõ ràng,
cái ác là một phạm trù chung thuộc về con-người, nhưng cái ác trong tiểu thuyết
của Nguyễn Bình Phương phải được đặt vào các bối cảnh cụ thể của cuộc chiến
tranh, của những xung đột văn hóa - xã hội Việt Nam, thậm chí cụ thể hơn nữa là
không gian bản quán của tác giả (như một tình huống, một phụ gia làm bật nổi tư
tưởng về bạo lực như là căn tính của con người). Nguyễn Bình Phương không thể
triển hoạt tư tưởng cái ác như là căn tính khi chỉ nói chung chung hoặc bứng
sang một cộng đồng văn hóa - xã hội khác mà ông không có quan sát, trải nghiệm,
thấm thía một cách cụ thể.
Tương tự
như vậy, trong thơ Trương Đăng Dung, người đọc nhận ra nhiều phạm trù phổ quát
gắn với nhân loại nói chung. Nhưng, nỗi bất an của tồn tại người trong nhiều
tác phẩm của ông phải được kích hoạt từ chính cuộc đời, thân phận một người Việt
Nam, sinh ra ở một vùng trũng về văn minh, trong một thời đại đầy khắc nghiệt của
chiến tranh, bệnh tật, đói nghèo… "Những kỷ niệm tưởng tượng",
"Trên bàn mổ", "Anh không thấy thời gian trôi", "Ba
anh em"… hoàn toàn gắn với những trải nghiệm cá nhân một cách sâu sắc.
Từ "sự
tồn sinh cá nhân" ấy, qua những ưu tư nghiêm khắc (đến dằn vặt, khắc khoải,
thậm chí lâm vào những cú sốc tinh thần nghiêm trọng) cái phổ quát mới có da thịt
và linh hồn để không trở nên mơ hồ, rỗng nghĩa: "Các em đột ngột ra đi/ bỏ
lại những lỗi lầm, bất hạnh/ những nỗ lực dở dang// Chiều chiều mẹ vẫn ngồi trước
cửa/ mắt xa xăm nhìn về hướng Tây/ đêm đêm gió đến mang đi những tiếng thở dài/
mùi trầu cay hiu hắt/ gần một trăm năm cuộc đời của mẹ// Anh tiếp tục đi lại
trên mặt đất này/ thấy những điều các em chưa kịp thấy/ hiểu những điều các em
chưa kịp hiểu/ đau những điều các em không còn có thể đau/ nỗi đọa đày nơi cõi
sống/ như một chịu đựng dấn thân" (Ba anh em).
Sống như một
chịu đựng dấn thân, ở đây là phạm trù có tính phổ quát, mang tầm vóc nhân loại.
Nhưng nếu chỉ chế tác ngôn ngữ nhằm biện bày cho khái niệm ấy, tư tưởng sẽ trở
nên sáo rỗng - vì các triết gia hiện sinh đã nói mãi rồi. Trương Đăng Dung phải
đi từ bi kịch cá nhân - gia đình, từ những "đứa em" thực hữu và câu
chuyện đau buồn đến cắt xé lương tâm, mới nghiệm ra lẽ sống là sự chịu đựng - dấn
thân ấy.
Câu chuyện
về tính phổ quát và tính đặc thù vẫn luôn đan cài qua lại nhằm soi xét lẫn
nhau, tránh bên nào rơi vào cực đoan, duy ý chí. Cái phổ quát, nếu không tựa
vào cái riêng - đặc thù sẽ trở nên trống rỗng dần về nghĩa. Ngược lại, nếu chỉ
chăm chú đến cái riêng - khác - cá biệt, lại dễ rơi vào trạng thái khép kín, tự
trị và trở nên xa lạ với tha nhân - cộng đồng. Văn chương nghệ thuật cũng vậy,
muốn tiến đến những giá trị phổ quát, trước hết phải làm giàu, làm sắc nét, làm
độc đáo, đậm đà cái riêng của mình - như là căn cốt, sau đó mới có thể hy vọng
cái riêng ấy lấp lánh sáng lên những giá trị mà cộng đồng nhân loại có thể đến
để soi vào, nhằm thấm thía câu chuyện của riêng họ.
Nguồn: Văn Nghệ Công An