Vào dịp kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước, trong các ngành nghệ
thuật nhắc lại đóng góp động viên hâu phương và tiền tuyến, có lẽ giàu sức
thuyết phục nhất, vẫn "mãi không già", vẫn giữ nguyên sức lay động
cho tới tận hôm nay, là những ca khúc một thuở...
VỊN THEO CÂU HÁT MÀ ĐI
TÔ HOÀNG
Cách đây cũng đã mười lăm năm, một lần về Mỹ Tho công tác,
cặp vợ chồng nhạc sỹ Lư Nhất Vũ và Lê Giang rủ tôi tới dự một đêm biểu diễn của
Đội văn nghệ thuộc Sở Văn hóa - Du lịch - Thể thao tỉnh Tiền Giang. Tình cờ
trên sân khấu vang lên những lời ca khiến tôi sởn gai gà:
“Người chiến sỹ ra đi vượt dốc, băng sông, xuyên rừng, lội
suối ta cứ đi…
Ta ra đi dù chân không giầy mà đầu đội trời ta cứ đi…
Bao tang tóc đang trùm miền Nam yêu dấu
Trước mắt ta quân thù dày xéo, quê hương ta khổ đau…”.
Tôi càng xúc động hơn khi tiết mục này vừa chấm dứt, giữa
những tràng vỗ tay nồng nhiệt, một người đàn ông cao gầyy đứng lên và đấy là
lần đầu tiên tôi được gặp tác giả của bài ca “Ta là chiến sỹ Giải phóng quân”-
nhạc sỹ Văn Lưu, người con đầy tự hào của mảnh đất Tiền Giang –quê hương của
chiến công Ấp Bắc oai hùng.
Tôi còn nhớ rõ bài ca này lần đầu phát đi trên làn sóng của
Đài Tiếng nói Việt Nam vào mùa hè năm 1966 với giọng ca sôi nổi, trầm ấm của ca
sỹ Trần Thụ, trong sự phụ họa của dàn hợp xướng Đoàn Ca múa Trung ương. Vào
thời điểm ấy, 50 vạn lính viễn chinh Mỹ từ ngoài biển vừa đặt chân lên bán đảo
Sơn Trà (Đà Nẵng). Mỹ công khai lộ rõ bộ mặt xâm lược và dân tộc chúng ta đang
đứng trước một thử thách mới: sẽ đương đầu ra sao đây với một đối thủ có tiềm
năng quân sự giàu mạnh, hiện đại nhất thế giới?
Những người lính trẻ của Sư đoàn 316 chúng tôi cũng vừa hoàn
thành xong khóa huấn luyện đánh địch trên mọi địa hình, đang ngày đêm đeo ba lô
gạch trên vai leo lên dốc cao, vượt qua suối dữ, rèn luyện đôi vai, đôi chân để
vượt Trường Sơn.Bài ca “Ta là chiến sỹ Giải phóng quân” vang lên thiêng liêng,
giục giã, hệt vừa như một lời hịch của Tổ Quốc, Non sông; lại vừa như tiếng nói
rủ rỉ, tâm tình phát khởi từ huyết mạch, tâm can của mỗi ngưới lính chúng tôi…
Không thể đếm hết, nhớ hết những bài ca như thế cùng với
giọng ca của những tên tuổi Trần Hiếu, Trần Khánh, Bích Liên, Vũ Dậu, Thanh
Huyền, Tuyết Thanh, Tường Vy, Trung Kiên, Quý Dương, Quang Hưng… Không thể quên
được những tên tuổi các nhạc sỹ như Huy Du, Hoàng Hiệp, Hồ Bắc, Doãn Nho,
Nguyễn Văn Tý,Huy Thục, Hoàng Vân, Thuận Yến, Xuân Hồng, Phạm Minh Tuấn, Lư
Nhất Vũ… những người đã viết ra những bài hát hay để chúng tôi mang theo vào
trận đánh.
Thuở vượt Trường Sơn nào ai dám tơ tưởng có một chiếc
mobiphone bỏ lọt túi áo ngực với đôi tai nghe nhỏ xinh giống hai hạt ngô nếp
như của các bạn trẻ bây giờ.Khẩu súng, bao gạo, chiếc ba lô cóc sau lưng, đi bộ
cả tháng trời, vượt dốc cao, thác dữ ..ấy thế mà cứ nghe tiếng hát từ chiếc đài
bán dẫn của ai đó vọng tới, lập tức thấy bước chân nhẹ tênh, mệt nhọc bay biến
cả. Đi chậm lại chờ ai đó có chiếc đài đi lên cùng, rồi bám sát gót để được
nghe nhạc đến tận lúc buổi ca nhạc kết thúc.
Sang chiều, vai nhức, chân mỏi, nếu nghe dưới thung sâu vọng
lên tiếng hát trên đài, biết ngay đã đến trạm giao liên. Ở trạm nọ các em giao
liên kể, năm trước ca sỹ Tô Lan Phương qua đây đã hát cho nhân viên của trạm và
khách trạm nghe trọn một đêm. Nữ ca sỹ hát nhiều, hát hay đến độ hai hàm răng
sáng bóng hẳn lên- nói theo cách đùa tếu của lính tráng.
Qua vài trạm sau râm ran lời truyền tụng, nữ diễn viên của
Đoàn ca múa Tổng Cục chính trị Kim Cúc vừa biểu diễn xong một bài ca, thì nhận
được tin chồng chị hy sinh vì đoàn xe vận tải đang đi vào do anh chỉ huy bị
trúng bom ngay lúc chập tối. Nữ diễn viên xỉu ngất chừng ba mươi giây, tỉnh lại
chị gượng lau vội nước mắt, bước ra giữa đám đông với vẻ bình tĩnh như không có
chuyện xẩy ra, hát tiếp bài thứ hai, thứ ba theo yêu cầu của khách trạm...
Những năm tháng đó chiếc radio bán dẫn là vật vô cùng quý.
Mỗi đại đội chỉ được trang bị một chiếc, do chính trị viên giữ. Ở các mặt trận
phía Bắc chiếc đài mang nhãn hiệu Orionton do Hungaria sản xuất. Lui vào phía
Nam là chiếc radio mang nhãn National. Vào những lúc đài phát đi chương trình
ca nhạc, dù lính tráng không thể nào bỏ qua, cũng không thể ngồi túm tụm cả
trăm con người mà nghe được. Một loạt bom tọa độ, một loạt pháo bày “đánh đáo”
trúng hầm là “đi đoong” hết.
Cái khó đẻ ra cái khôn. Ông chính trị viên dùng một mảnh tre
gài ống tổ hợp của máy điện thoại lại, để cạnh chiếc rađio. Đưởng giây điện
thoại dẫn tiếng nhạc xuống lán hầm của từng tiểu đội. Chiến sỹ lấy vỏ hộp thịt
mài mỏng tang đi, thả ống tổ hợp vào đó, tiếng hát bỗng vang to hơn,mọi người
đều nghe thấy.
Có cả trăm “tình huống” xẩy ra trong cuộc đời trận mạc thì
cũng có tới cả trăm trường hợp lính tráng thưởng thức ca nhạc rất khác nhau.
Hồi còn ở mặt trận Đường Chín- Khe Sanh, tôi đã được nghe
một đồng đội kể lại, cậu ta đã thoát chết sau một trận cường tập bị lạc đội ngũ
ra sao. Đêm tối kịt, chỉ còn biết nhìn sao trời định hướng để lần qua bờ Bắc
sông Hiền Lương. Bỗng nghe sau lũy tre văng vẳng tiếng đài véo von, hết “ Ru
con”của nhạc sỹ Nguyễn văn Tý, tiếp tới “Quảng bình quê ta ơi” của nhạc sỹ
Hoàng Vân. Đầu óc mu mơ, căng thẳng sau trận đánh không hiểu sao cứ ngỡ rằng đã
sang tới đất Vĩnh Linh. Mừng hú liền đứng thằng người, sầm sập lao tới. Những
loạt AR.15 từ phía trước rát rạt quét ra. Tiếng chó sủa, tiếng quát thét đuổi
bắt inh ỏi. Chạy thục mạng. Sau này nghe cơ sở bên bờ Nam kể lại, bọn dân vệ ở
ấp chiến lược ấy rất thích nghe nhạc cách mạng.
Trường hợp bị mổ xẻ, bị cưa cắt lóng xương chân xương tay mà
không có thuốc gây mê, thương binh yêu cầu cô y tá, hộ lý hát cho nghe và cắn
răng chịu cơn đau cũng là chuyện thường gặp ở các viện quân y trong rừng, các
trạm phẫu thuật dã chiến. Cô y tá, cô hộ lý nghẹn ngào hát, tay quệt vội dòng
nước mắt, khi nhìn xuống bàn mổ thấy gương mặt anh lính trẻ mét tái dần, hai
hàm răng nghiến vành môi đến bật máu, đôi tay bấu chặt lấy mép bàn mổ. Cô gái
hát tới bài thứ tư ca mổ vẫn chưa kết thúc để rồi chính cô gái ngất xỉu phải
vực lên băng ca đưa đi. Lại cũng có ca cô y tá, hộ lý mới bắt sang bài thứ hai,
bác sỹ phụ trách ca mổ đã ra dấu ngưng lại vì anh lính trẻ nằm trên bàn mổ đã
trút hơi thở cuối cùng...
Những năm sau chiến tranh tính toán, ngẫm nghĩ, mới chợt
nhận ra cái gia tài của người lính thuở ấy sao đơn sơ, sao nghèo nàn đến thế?
Trong chiếc ba lô lính, ngoài cơ số đạn, cơ số gạo mang theo, còn gì nữa đâu
ngoài một bộ quân phục, một chiếc tăng che mưa, một chiếc võng vừa để anh ngủ
giữa rừng; vừa để đồng đội khiêng cáng anh khi bị thương; cũng là để quấn bọc
quanh anh với ba nút thắt quanh cổ, ngang bụng, quanh kheo chân để chôn nông,
vùi cạn anh, tiễn biệt anh về trong lòng đất mẹ.
Bao giờ cũng vậy, gấp chèn trong bộ quân phục là thứ tài sản
quý giá nhất: tệp thư của cha mẹ, của người yêu được kẹp giữa cuốn sổ chép cơ
man những bài hát anh lính không thể quên, đã học thuộc lòng. Nhiều bài hát
trong số đó anh đã hát cùng người bạn gái thời kỳ đang học mấy năm cuối hệ mười
năm. Có những bài bạn gái hát tặng anh vào buổi tối anh sắp lên đường như một
lời hò hẹn thủy chung mà chỉ hai người biết với nhau. Chép thêm vào cuốn sổ
những bài hát anh thuộc từ ngày vào chiến trường, anh rất yêu thích, những bài
hát như lời tâm tình, như nỗi lòng anh muốn gửi tới người yêu nơi quê nhà mà
không có cách nào gửi tới qua không gian cả ngàn cây số vời vợi.
Không quên được những đận đói muối, đói cơm mắt mờ dần, chân
tay run rẩy; những đêm mưa rừng bị cơn sốt rét quật ngã; những phút giây căng
thẳng, nặng nề sau một mùa khô chiến dịch tổn thất nhiều, ngồi bó gối “ cạo
nhau” vì hữu khuynh, tiêu cực, vì “ giảm sút ý chí chiến đấu”…
Vào những lúc như thế, hậu phương lớn như hiển hiện qua
những lời ca. Và hiển hiện cả những gương mặt sương nắng tần tảo mà dịu dàng,
nhân hậu; những tấm lòng dũng cảm, đức hy sinh vô bờ của những bà má Bến tre,
những người chị Hậu giang theo lời ca, tiếng hát bỗng sưởi ấm tấm lòng người
lính, vực đỡ anh nghiến răng đứng dậy đi tiếp.
Mà tài tình, mà phân phối nhậy bén, mau lẹ thật! Này nhé,
Lính Hà Tây thì có “Hà tây quê lụa”; lính Thái Bình thì có” Bài ca năm tấn”,
lính Thanh Hóa đã có dô tá dô tà những “Chào sông Mã anh hùng”, “ Noi gương
Nguyễn Bá Ngọc”; lính Vĩnh phú có “ Tấm áo mẹ vá năm xưa “; lính Quảng bình có
ngay “ Quảng bình quê ta ơi”; lính ‘cá gỗ” ư, thì đây “Chào em cô gái Lam
hồng”, “ “ Cua đá, cá đua”…Cậu ở miền tây sông nước, cậu ở ven đô Sài gòn ư ?
Đã có “Qua sông”, “Cô gái Sài gòn đi tải đạn”, “Vàm Cỏ đông”…
Thôi thúc, giục giã có. Thủ thỉ, tâm tình, thay lời cha mẹ
ta, anh chị em ta ở hậu phương khuyên nhủ ta hãy đứng vững trước mũi tên hòn
đạn, hãy xứng đáng tỏ mặt” nam nhi thời loạn”. Hậu phương xích lại gần tiền
tuyến. Bắc Nam như xích lại gần nhau. Đón nhận mà vượt lên những thử thách, khó
khăn sắp tới. Hồ hởi chào đón vận hội mới…Trong các bài hát tìm thấy đủ cả.
Lo súng đạn, lương thực, thuốc men, xăng nhớt cung cấp đủ
cho mỗi mùa chiến dịch. Lo tìm cách đánh bại các chiến thuật “Bủa lưới phóng
lao”, “Phượng hoàng vồ mồi”, “Trực thăng vận”… của đối phương. Lo vừa đánh vừa
hòa đàm để giành cơ hội tái lập hòa bình, thống nhất non sông.
Trong muôn ngàn cái lo ấy, vẫn phải lo đủ pin cấp phát cho
chiếc radio của từng đại đội, lo tổ chức các đội Tuyên văn ở các Trung đoàn, Sư
đoàn; các đội văn công ở các Quân binh chủng, các Mặt trận. Cùng đạn gạo, thuốc
men, vượt qua các tọa điểm lửa trên đường Trường sơn, “hàng” cấp cho các chiến
trường còn có cả những chiếc ghi ta, cây sáo trúc, chiếc nhị, những bộ trống,
những tờ bướm in những bài nhạc mới…
Những ai đã trải qua năm tháng chiến tranh dễ dàng hiểu rằng
“slogan” một thuở "Tiếng hát át tiếng bom" không phải là một khẩu
hiệu lên gân, trống rỗng, mà là một việc cần làm, rất thiết thực, rất cụ thể.
Bởi những bài hát thời đạn bom thực sự là nhu cầu sống đối với người lính. Như
khí trời, nước uống, như miếng cơm ăn hàng ngày.
Mình đã lẩm cẩm, lú lẩn chưa đây mà nhiều lúc được nghe bài
hát thân thương một thời phát ra từ màn ảnh nhỏ, hoặc trên làn sóng truyền
thanh bỗng tự hỏi mình: Sao thuở ấy có nhiều bài hát hay, dễ thuộc, dễ nhớ mà
khó quên đến thế? Nói chuyện ì ầm súng đạn; chuyện phân gio, đồng áng của người
vợ ở nhà thay chồng ra trận; chuyện các cháu nhỏ đi học đầu đội mũ rơm phòng
tránh bom bi, chuyện mẻ bèo tấm, đàn cá quẫy dưới ao… mà sao không hời hợt,
không lớt phớt,qua loa; mà sao đi được vào ngóc ngách tâm tư, cảm xúc của cả
triệu con người đang lo toan việc lớn như vậy?
Thì cứ cho rằng những người viết ra các bài hát kia làm theo
yêu cầu tuyên truyền, cổ động; viết theo gợi ý; viết nhân phong trào này, đợt
phát động nọ..Ví như không có rung cảm, không có sự đồng điệu của cái riêng với
cái chung, ví như lòng không tự mình cất tiếng hát trước, sao có thể khiến mọi
người hát theo?
"Em chẳng có chi làm quà, có chi hơn là hát một bài ca…". Nhớ mãi những bờ vai hình chuông gọn ấm một vòng tay ôm; những bộ ngực trinh nữ phập phồng theo hơi thở nhẹ dưới lớp áo bà ba nhuộm màu vỏ đà; những tấm khăn rằn buộc trễ nải như muốn khoe ra chiếc cần cổ vóng cao như bụp măng sau mùa mưa…
Nhớ mãi những gương mặt xinh tươi, những nụ cười khoe chiếc
răng khểnh, những ánh mắt gửi gắm đầy cảm thông, thương xót…
Các em gái văn công Mặt trận đã hát câu hát ấy trong vẻ bịn rịn, quyến luyến chia tay với chúng tôi để ngày mai Trung đoàn đánh lên cao điểm vỏ cứng trên đỉnh Ngọc Rinh Rua, mở đường tràn xuống thị xã Kontum. Buổi chia tay còn dùng dắng kéo dài mãi trong cánh rừng đêm. Nắm chặt những bàn tay thon thả, nồng ấm của các em gái, những thằng lính to con, kềnh càng và cũng ngang ngạnh, quả cảm nhất đơn vị bỗng nói trong cơn nấc nghẹn: “Bài hát các em tặng bọn anh đêm nay là quý giá nhất rồi!”... “Các em yên tâm đi, bọn anh không hèn nhát, thoái lui đâu”... “Dù có ngã xuống ngay trong trận đánh tối mai, bọn anh sẽ mãi mãi mang theo tiếng hát của các em”.