Đọc thơ
Vương Cường, người đọc như thấy ông đang đi trên cánh đồng có cả máu xương và cỏ
xanh, hoa trái; có hoàng hôn và nắng mới. Ông đi giữa quá khứ, hiện tại và
tương lai. Bàn tay ông chìa ra về phía con người trong mộng du, trao cho họ những
bài thơ thân phận.
Nhà thơ Vương Cường, trái tim buôn buốt hôm qua
NGÔ ĐỨC HÀNH
1.
Mỗi năm, cứ
đến tháng Tư, nhà thơ Vương Cường lại bồi hồi xúc động. Ông nhớ đồng đội, trong
đó có nhiều người ngã xuống trên chiến trường, khi chưa kịp nhìn thấy chiến thắng.
“Mới đó đã 50 năm. Thời gian thật nhanh”, ông nói câu này, khi chúng tôi gặp
nhau, bên lề sự kiện.
Nhà thơ
Vương Cường, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, quê gốc làng Đông Bích, Đô Lương,
Nghệ An. Học hết phổ thông (hệ 10/10) ông đỗ đại học, rời quê ra Hà Nội, bước
vào giảng đường.
Đó là thời
điểm đặc biệt của đất nước. Ngày 17/7/1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi
nhân dân cả nước quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Năm 1970, Vương Cường
đã xung phong đi khám nghĩa vụ quân sự. Năm 1972, khi đang học năm thứ ba Đại học
Xây dựng Hà Nội, cùng với lớp lớp sinh viên, học sinh miền Bắc thời đó “xếp bút
nghiên lên đường cứu nước”, ông gia nhập quân đội. Sau thời gian huấn luyện tại
Phú Bình (Thái Nguyên), chiến trường đầu tiên ông đến là thành cổ Quảng Trị. Đó
là ngày 27/5/1972, đường ra trận lúc đó thật đẹp. Đó là một đêm đầu thu.
“Chúng tôi
băng qua phố phường Hà Nội. Thủ đô đang ngủ yên. Không ai hình dung ra được chiến
trường phía trước nhưng tất cả đều háo hức. Anh em tân binh đều hát thật to”,
ông nhớ lại ngày hành quân vào Nam sau mấy tháng huấn luyện.
Chiến dịch
đầu tiên, người lính Vương Cường tham gia là 81 ngày đêm ở thành cổ Quảng Trị.
Khi Chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền
Nam bắt đầu, Vương Cường cùng đồng đội vượt Trường Sơn; sau đó ông tham gia các
trận đánh ở Huế, Đà Nẵng, Phan Rang, Long Thành (Đồng Nai). Người lính Vương Cường
được giao chỉ huy bộ binh trên xe tăng, trên đường tiến quân.
Ngày
26/4/1975, nghĩa là sau gần 2 tháng của chiến dịch, Vương Cường đã tham gia trận
đánh cuối cùng, vượt sông Đồng Nai, có mặt tại Sài Gòn lúc 3h sáng ngày
30/4/1975. Ông vừa là chứng nhân lịch sử, vừa là “chủ nhân” của thời khắc đó.
Trong giây
phút hân hoan, nhưng Vương Cường cũng kịp ghi vào sổ tay: “Trái tim nhớ thương
ngọn cờ rỏ máu/ nỗi chờ mong theo gió cuốn về nhà/ anh chín đỏ trước Dinh Độc lập/
nụ cười đổi chiều nước mắt đang sa” (Đứng trước Dinh Độc lập).
Sau khi đất
nước thống nhất, tháng 11/1975, Vương Cường xuất ngũ, trở lại giảng đường đại học.
Tốt nghiệp, ông trở thành giảng viên Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, học
cao học, rồi trở thành tiến sĩ kinh tế, công tác tại Học viện cho đến lúc nghỉ
hưu.
2.
Làm thơ sớm,
nhưng mãi tới năm 1997, Vương Cường mới tin tập thơ đầu tiên "Bài hát đi
tìm một người", cho đến nay nhà thơ Vương Cường mới công bố 7 tác phẩm văn
chương, trong đó có 6 tập thơ.
Trong “gia
tài thơ” còn khiêm tốn của Vương Cường có một mảng rất quan trọng là thơ thời
chiến và hậu chiến. Từ "Canh chừng và lãng quên" (năm 2016) đến
"Con đường máu" (năm 2024) đều hiển lộ những ám ảnh của chiến
tranh, tạo nên dư ba. Sinh thời, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo nhận xét “rất thấm”.
Vương Cường in "Con đường máu" để tri ân cuộc sống, tri ân đồng đội.
Ngay hình thức trình bày đã nói lên đây là tác phẩm đặc biệt, trang nhất, có
logo (biểu tượng) 50 năm Giải phóng miền Nam, lồng trên hình ảnh cờ đỏ sao vàng
và cánh chim hòa bình, ẩn dụ và chứa chan thông điệp. 12/34 bài thơ trong tập
này được bố cục lần lượt từ tháng 7/1972 đến sáng 30/5/1975. Gần như đó là “nhật
ký thơ” theo bước hành quân của ông và đồng đội.
“Chiến
tranh đã qua nhưng còn đó một cuộc chiến khác. Chúng ta tự hào về đất nước,
nhưng vấn đề hậu chiến còn phải tiếp tục giải quyết và không ít sự ăn năn của
những người còn sống”, Vương Cường chia sẻ.
Vương Cường
luôn nhắc đến sự hy sinh của những người lính trên chiến trường. Những linh hồn
sống, những nghĩa trang và những bóng ma luôn đào xới, xoáy sâu vào tâm hồn
ông. “Tôi mơ”, “Cõng bạn đi chơi”, “Người chết hai lần chưa trọn cuộc đi”, “Bài
thơ thầm ở Thành cổ”, “Lời đêm”, “Thăm đồng đội cũ”... là những bài thơ xác
tín.
Trong thơ
Vương Cường luôn phảng phất gương mặt đồng đội. Ông tâm sự: “Nó là ký ức luôn
xao động trong tôi. Tôi muốn làm thức dậy những ký ức ấy để góp phần trong việc
giải các bài toán đời sống hiện nay. Chỉ như thế, ký ức hào hùng mới có giá trị,
là cách đáp lại sự mong mỏi của các liệt sĩ”. Đồng đội ông, nhiều người đã ngã
xuống trên chiến trường, “mãi mãi tuổi hai mươi”.
“Thương nhất
là những đồng đội hy sinh trước cửa ngõ Sài Gòn. Chỉ vài giờ, thậm chí vài phút
mà không thể vượt qua. Nhưng, tháng Tư năm ấy có đến ba mươi bảy ngày”, Vương
Cường sẻ chia.
“Thôi mày
về đi/ cái thằng hai mươi tuổi/ tao thương mày/ mày chẳng biết thương tao”. Đồng
đội ông cứ “ngồi cười sau nải chuối”. Từ nỗi lòng đau đáu về số phận đồng đội
hy sinh, Vương Cường có một giấc mơ đặc biệt, được “Cõng bạn đi chơi”.
Nhà thơ
Nguyễn Trọng Tạo từng đánh giá về Vương Cường: “Không ai giao cho anh cái gánh
nặng vết thương lòng, nhưng Vương Cường đã tự nguyện mang vác nó cho tới ngày
chung cuộc. Thơ anh đầy ắp những vết thương chiến tranh, dù cỏ đã phủ xanh, anh
vẫn không thể quên “những tiếng cười rỏ máu”, những “câu thơ bị thương/ lấp
lánh”...
Đọc thơ về
đề tài chiến tranh cách mạng và người lính của Vương Cường, dẫu giữa trận mạc,
nhưng vẫn đầy lãng mạn. “Dấu chân anh theo chiều dài đất nước/ dẫu trăm miền vẫn
hội tụ về em/ em vừa ở sau lại vừa ở trước/ con đường nào em cũng hóa giao liên”,
(Phía sau và phía trước). “Anh mang về từ Trường Sơn cho em/ kho cổ tích giấu
bao điều bí mật/ những giọt nắng hiếm hoi rơi trên đất/ anh nhặt lên rồi tiếc
ngẩn ngơ”, (Anh mang về cho em).
“Chỉ có
pháo bắn thật gần/ mới được cười thoải mái/ bom nổ loạt thật dài/ mới hát hết một
câu...”, “và đội hình chúng tôi vượt qua/ hàng dọc/ thành một dấu cộng/ mặt trời
khi ấy chưa lên”. Trong trái tim người lính Vương Cường có niềm tin mãnh liệt:
“Mặt trời sẽ lên thôi/ chúng tôi đẩy mặt trời lên/ để nhìn rõ Sài Gòn phía trước/
để viên đạn bay đi khỏi lạc/ bầy chim xòe quạt đón mặt trời” (Khi ấy mặt trời
chưa lên).
Bài thơ
này ông viết khi đang cùng đồng đội vượt sông Đồng Nai, tiến vào giải phóng Sài
Gòn, sáng 30/4/1975. Với một người lính khát khao cuộc sống bình yên, họ khát
khao hòa bình, dự cảm về hòa bình. Không có lý do gì, dân tộc ấy không chiến thắng.
Hay, nói cách khác chủ nghĩa yêu nước và lãng mạng cách mạng luôn hòa quyện
trong tâm hồn những nhà thơ mặc áo lính.
“Giữa đạn
bom luôn thấu hiểu lòng người”, (thơ Vương Cường). Thời gian cần độ lùi để nhìn
ra những giá trị. Vương Cường đã và đang chắt lọc giá trị trong những bài thơ rất
riêng và ám ảnh.
3.
Trái tim
Vương Cường không chỉ bị quá khứ mà cả hiện tại ám ảnh. Ông luôn trăn trở về
trách nhiệm của thơ và nghệ thuật thơ. “Bài học thuộc lòng ngày xưa đã cũ/
không cầm hoa đánh bạn gái bao giờ/ tưởng ôm trời xanh và ôm ước mơ/ mà quên mất
bó rau và mớ củi”, (Trở về).
Người làm
thơ thường coi trọng cảm xúc, nhưng cảm xúc lại nằm trong “con chữ”. Nhà thơ
Nguyễn Trọng Tạo, từng nói: “Đọc thơ Vương Cường, tôi nhận ra nhiều con chữ bất
ngờ hiện lên không dễ dàng. “Mưa xóa đi kỷ niệm đang chạy”, “Em như gió đi
không cần ngoảnh lại/ một mình anh ai ái với hồ ngây”. Những câu thơ như vậy
thường níu người ta lại, mang nhiều cảm giác”.
Thơ là những
giọt tâm nhạc tinh túy, được chưng cất rồi rỉ ra từ tâm hồn đa mang, biết sẻ
chia trắc ẩn. Con đường dài nhất là chính con đường đi vào tâm hồn mình, khẳng
quyết giọng điệu.
Năm 2024,
nhà thơ Vương Cường có chuyến đi trở lại chiến trường xưa. Ông lặn lội trên đất
Quảng Trị, thành cổ đến các nghĩa trang liệt sĩ ở Đồng Nai, nơi đồng đội ông
cách đây 50 năm ngã xuống và nằm lại. “Những ước mơ khi các anh ngã xuống/ giờ
như cổ tích hiện ra” (Chiều nghĩa trang), ông trò chuyện trước vong linh đồng đội.
Đọc thơ
Vương Cường, người đọc như thấy ông đang đi trên cánh đồng có cả máu xương và cỏ
xanh, hoa trái; có hoàng hôn và nắng mới. Ông đi giữa quá khứ, hiện tại và
tương lai. Bàn tay ông chìa ra về phía con người trong mộng du, trao cho họ những
bài thơ thân phận.
Ngoài thơ,
nhà thơ Vương Cường còn viết lý luận phê bình. Ông quan niệm: “Dấu chân không để
lại trên lối mòn”. Ông quan niệm, mỗi nhà thơ đều phải làm hai việc, làm thơ và
nhận thức về thơ. Hai việc này có quan hệ mật thiết, biện chứng. Có nhận thức mới,
mới hy vọng có bài thơ mới và ngược lại.
Vương Cường
vừa giảng dạy vừa nghiên cứu về kinh tế. Theo ông, trước dòng chảy thời gian,
cuộc đời thay đổi, tình người đổi thay, thơ chắc chắn phải thay đổi. Trong sáng
tạo thi ca, Vương Cường luôn đặt ra cho mình, hôm nay phải khác hôm qua.
Nguồn: Văn
Nghệ Công An